Chấn động thông tin máy bay Malaysia MH370 bay tới Malacca
Tin tức - Ngày đăng : 08:31, 12/03/2014
Chiếc Boeing 777 số hiệu MH370 chở 239 người mất tích sau khoảng một giờ bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Lần cuối cùng máy bay liên lạc với đài kiểm soát không lưu là khi nó đang bay ở độ cao hơn 10.000m trên bầu trời khu vực bờ biển phía đông Malaysia, ở khoảng giữa thị trấn Kota Bharu của Malaysia và cực nam Việt Nam. “Máy bay đã đổi hướng sau khi bay qua Kota Bharu và hạ xuống độ cao thấp hơn. Nó đã bay tới eo biển Malacca” - Reuters dẫn lời một quan chức quân đội Malaysia cho biết vào tối qua.
Sơ đồ di chuyển của máy bay MH370 theo thông tin mới được tiết lộ của Malaysia - Đồ họa: Như Khanh |
Sau 4 ngày mới hé lộ thông tin quan trọng
Eo biển Malacca, một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới, nằm ở bờ biển phía tây Malaysia. Các chuyên gia hàng không quốc tế nhận định nếu thông tin này là chính xác thì có thể loại bỏ khả năng máy bay bất ngờ hỏng động cơ. Bởi sau khi mất liên lạc, máy bay đã bay thêm ít nhất 500km dù hệ thống thu phát tín hiệu có thể đã bị tắt.
Báo Malaysia Berita Harian dẫn lời ông Rodzali Daud - một quan chức không quân Malaysia - cho biết một rađa quân sự gần đảo Pulau Perak ở cực bắc eo biển Malacca đã bắt được tín hiệu của máy bay lúc 2g40 ngày 8-3. Khi đó nó bay ở độ cao 9.000m. Chưa có thông tin gì thêm về số phận chiếc máy bay sau đó.
Khi hệ thống thu phát tín hiệu máy bay bị tắt, rađa hàng không dân dụng sẽ không bắt được tín hiệu của máy bay. Tuy nhiên tín hiệu máy bay vẫn sẽ xuất hiện trên màn hình rađa quân sự.
Câu hỏi đặt ra là tại sao quân đội Malaysia phải chờ tới bốn ngày sau khi máy bay mất tích mới công bố thông tin quan trọng này. Một nguồn tin khác của Reuters khẳng định đây cũng chỉ là một trong số các đầu mối điều tra của phía Malaysia.
“Như một quả bom nổ tung giữa Đông Nam Á”
Sau thông tin trên, toàn khu họp báo ở Sepang, Malaysia từ chỗ bàng hoàng chuyển sang giận dữ. Một nhà báo Malaysia cao lớn xin giấu tên, người vẫn thường trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ cuối giờ làm việc mỗi ngày tại trung tâm thông tin dã chiến Sepang, lắc đầu cho biết ông vô cùng kinh ngạc trước thông tin này và đánh giá vụ việc “hệt như một quả bom nổ tung giữa Đông Nam Á”.
Có một điều gì đó vô cùng trớ trêu và bức xúc khi mới đêm 10-3, trước hàng trăm phóng viên trong nước và quốc tế, chính Bộ trưởng quốc phòng kiêm quyền Bộ trưởng giao thông Malaysia Seri H. Hussein đã khẳng định chắc nịch: “Chúng tôi không có bất cứ điều gì giấu giếm quý vị” (We have nothing to hide).
Cho tới hết ngày 11-3, Malaysia vẫn xem chuyến bay là “mất tích” và các hoạt động suốt bốn ngày qua là “tìm kiếm cứu hộ” chứ không phải “giải quyết thảm họa” - theo lời tổng giám đốc Cơ quan Hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman. Ông này còn khuyến cáo các nhà báo: “Xin đừng suy đoán quá nhiều”.
Và đáng nói, ít nhất là trong ba ngày đầu tiên, giới chức Malaysia luôn hướng dư luận đến việc tìm kiếm ở vùng biển vịnh Thái Lan và biển Đông giữa Malaysia và Việt Nam.
Trên thực tế, việc tham gia tìm kiếm trên biển của Malaysia và các quốc gia khác, đặc biệt là sự tích cực đã không mang lại kết quả.
Mãi đến hôm qua 11-3, Malaysia mới “cân bằng thông tin” bằng việc tuyên bố mở rộng phạm vi tìm kiếm, trong đó bao gồm cả vùng biển rộng lớn ở biển Đông và toàn bộ khu vực eo biển Malacca cùng vùng biển hướng lên phía tây bắc.
Nhật báo The Star (Malaysia) từng giật tít “Phải tiếp tục tìm kiếm câu trả lời” trên trang bìa như thể bày tỏ tâm trạng bức xúc chung của giới truyền thông khi lượng thông tin mà giới chức Malaysia cung cấp trong các buổi họp báo những ngày trước đây rất ít ỏi.
Thậm chí có những buổi họp báo bị hủy đột ngột mà không có bất cứ lý do nào được đưa ra như cuộc họp báo sáng 11-3.
Trong khi đó, mọi người chỉ mong tìm kiếm những tia lửa sự thật trong bức màn bí ẩn của chuyến bay mất tích, góp phần xoa dịu nỗi đau của những thân nhân hành khách trên chuyến bay định mệnh.
Thật vậy, có quá nhiều bí ẩn đằng sau sự mất tích của chuyến bay MH370 và Ben Burrows, phóng viên tờ Mirror của Anh, ngày 11-3 đã buộc phải thốt lên rằng “bí ẩn ngày càng bí ẩn hơn” khi gia đình các hành khách trên chuyến bay này gọi điện thoại di động cho người thân mất tích của họ và chuông vẫn reo! (theo truyền thông Trung Quốc).
Có thể nói tính minh bạch của thông tin trong vụ việc - vốn được cam kết bằng văn bản chính thức từ Hãng hàng không Malaysia Airlines - đã bị thách thức và có thể trở thành cười ra nước mắt khi nhiều nguồn tin tổng hợp đêm 11-3 cho thấy Malaysia đã nắm rõ dấu vết chuyến bay MH370 quay ngược trở lại đường bay, chỉ mất tín hiệu khi đến eo biển Malacca.
Chỉ dừng tìm kiếm khi tìm thấy máy bay Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị Bộ Ngoại giao liên lạc với các nước liên quan xác minh thông tin bắt được tín hiệu rađa của máy bay ở Malacca nhưng đến giờ này chưa nhận được trả lời. Theo quy định Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), nếu tìm thấy máy bay bị nạn trong vùng thông báo bay (FIR) của nước nào thì nước đó chịu trách nhiệm điều tra sự cố tàu bay. Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam cho biết nếu xác định được vị trí máy bay rơi thì chuyển sang giai đoạn điều tra do nước có vùng FIR chứa máy bay bị sự cố chủ trì điều tra. Việc tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam chỉ dừng khi tìm thấy máy bay ngoài vùng FIR của Việt Nam quản lý. Chiều 11-3, khi đến làm việc với chỉ huy các lực lượng liên quan ở Trung tâm quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - đã chỉ đạo: “Xây dựng kế hoạch tìm kiếm dài hạn”. Ông Tỵ yêu cầu các lực lượng tiếp tục tìm kiếm, kiểm tra tích cực trên cả đất liền vì giả thiết máy bay bị nổ ở độ cao 10.000m thì mảnh vỡ phân tán trên phạm vi rất rộng. Đến tối 11-3, Trung tâm quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn cho biết trong ngày 11-3, Việt Nam đã sử dụng 9 máy bay và 9 tàu các loại tìm máy bay Boeing 777 của Malaysia Arilines mất tích. Lực lượng nước ngoài tham gia gồm 14 máy bay, 22 tàu. Dự kiến ngày 12-3, Việt Nam tiếp tục sử dụng 7 máy bay và 8 tàu để kết hợp tìm kiếm và phối hợp nắm tình hình hoạt động của các lực lượng nước ngoài. |
NGUỒN: TUỔI TRE