Góp phần xây dựng nông thôn mới

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 02:34, 13/03/2014

Để đạt được tiêu chí an ninh trật tự trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì việc nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự là cách làm hữu hiệu...


Các mô hình tự quản góp phần quan trọng bảo đảm an ninh trật tự tại các địa phương, đơn vị. Trong ảnh: Ký giao ước thi đua xây dựng mô hình điểm "Trường học an toàn về an ninh trật tự" tại Trường THPT Hà Bắc (Thanh Hà). Ảnh tư liệu



Trong số 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), an ninh trật tự (ANTT) là tiêu chí cuối cùng với quy định "ANTT xã hội được giữ vững". Để đạt được tiêu chí này, việc nhân rộng các mô hình tự quản về ANTT là cách làm hữu hiệu.

Những mô hình hay


Mặc dù mới được thành lập từ tháng 12 - 2013, nhưng mô hình "Xóm liên gia tự quản về ANTT" Tây Đầm Đát, thôn Hợp Nhất, xã Lai Vu (Kim Thành) đã phát huy được hiệu quả. Trước đây do bất đồng ý kiến trong việc nhận đền bù ruộng đất, nên suốt một thời gian dài, tình hình ANTT tại xã Lai Vu mất ổn định, ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương và đời sống của người dân. UBND xã Lai Vu đã quyết định chọn xóm Tây Đầm Đát xây dựng mô hình điểm “Xóm liên gia tự quản về ANTT”. Xóm đã tổ chức họp bàn, lấy ý kiến của người dân xây dựng quy ước, bầu ra trưởng xóm để quán xuyến công việc chung. Mỗi gia đình đều có một bản quy ước và một bản cam kết ký với xóm cùng tham gia xây dựng xóm an toàn về ANTT. Ông Bùi Đắc Hiên, đại diện xóm cho biết: “Quy ước quy định các gia đình thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ về vật chất và công sức khi các hộ trong xóm có công việc. Đặc biệt phải cùng nhau giữ gìn và bảo vệ ANTT, an toàn thôn xóm, biết nhắc nhở nhau tự quản, tự phòng, quản lý giáo dục con em không vi phạm ANTT”. Nhờ có được sự đồng tình, ủng hộ của bà con trong xóm, nên sau 3 tháng xây dựng mô hình xóm liên gia tự quản đã phát huy hiệu quả. Các hộ gia đình đều chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nên không tham gia khiếu kiện đông người. 100% số gia đình trong xóm đăng ký thi đua thực hiện tốt các phong trào của địa phương. Mâu thuẫn giữa các hộ đều được hòa giải kịp thời. Đặc biệt trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, cả xóm không còn hiện tượng đốt pháo nổ trái phép, một trường hợp tự giác giao nộp hộp pháo hoa 36 quả... Không chỉ đồng lòng trong xây dựng xóm an toàn về ANTT, nhân dân trong xóm Tây Đầm Đát còn đóng góp trên 90 triệu đồng và ngày công mở rộng đường giao thông thôn xóm đạt chuẩn NTM. Họ còn tích cực giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những người lầm lỗi được tái hòa nhập cộng đồng…

Giáo xứ Đáp Khê xã Nhân Huệ (Chí Linh) triển khai xây dựng mô hình "Giáo xứ an toàn về ANTT" từ tháng 7-2013. Ông Nguyễn Văn Hậu, đại diện Ban hành giáo cho biết: "Ngày đầu mới triển khai, bà con giáo dân lo ngại không thực hiện được theo đúng quy ước, nhưng được Ban hành giáo tích cực vận động, tuyên truyền nên 100% các hộ đã đồng ý ký cam kết thực hiện tốt bổn phận của gia đình về giữ gìn ANTT". Để xây dựng được quy ước của giáo xứ, Ban hành giáo đã xây dựng bản dự thảo, lấy ý kiến đóng góp của bà con giáo dân bảo đảm các quy định dễ hiểu và được thực hiện nghiêm túc. Giáo xứ thường xuyên có các hoạt động tập trung lớn, nên công tác bảo đảm an toàn luôn được chú trọng, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, giáo luật. Ban hành giáo tăng cường tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình ANTT, không để kẻ xấu lợi dụng tôn giáo gây mất đoàn kết trong giáo xứ, mất đoàn kết lương giáo. Giáo xứ cũng thường xuyên tuyên truyền tới các gia đình về đạo đức, về lời răn của Chúa, của hội thánh trong sinh hoạt hằng ngày, tránh xảy ra mâu thuẫn, bất đồng trong giáo dân. Đối với những người mắc lầm lỗi, Ban hành giáo, các hội thánh sẽ phối hợp với gia đình động viên, uốn nắn. Từ khi xây dựng mô hình "Giáo xứ an toàn về ANTT", tình hình ANTT trong giáo xứ đã tốt hơn, bà con giáo dân yên tâm phát triển kinh tế, đời sống ngày càng nâng cao. Đến nay, 100% các hộ giáo dân đã có nhà xây kiên cố, không còn hộ đói, nghèo, bà con giáo dân thường xuyên giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống.

Hiện nay, trong tỉnh còn nhiều mô hình hay về ANTT như “Dòng họ hiếu học, an toàn về ANTT” của chi 4, dòng họ Nguyễn Văn, thôn Đông Hạ, xã Đồng Quang (Gia Lộc), “Tiếng kẻng an ninh” ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang)…

Cần nhân rộng


Hiện nay, toàn tỉnh có 151 xã đạt tiêu chí về tình hình ANTT trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Các mô hình về ANTT được xây dựng tại các vùng nông thôn đã thật sự góp phần tạo môi trường an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân. Thông qua các mô hình này, mỗi người dân đã ý thức hơn trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân rộng khắp, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những mô hình an toàn về ANTT đã giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp sớm nắm bắt được những vấn đề mới phát sinh trong địa bàn mình, từ đó có hướng giải quyết phù hợp, hiệu quả. Các mô hình tự quản về ANTT tại các cơ sở còn góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an toàn giao thông; phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, số lượng mô hình an toàn về ANTT tại các vùng nông thôn vẫn chưa được nhân rộng. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn các mô hình, chưa vận động được nhân dân cùng tham gia xây dựng mô hình, nhất là tại các địa bàn phức tạp. Công tác tuyên truyền chưa thật sâu rộng để cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân hiểu được việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và người dân, không thể chỉ phó mặc cho lực lượng công an…

Để có thể nhân rộng các mô hình về ANTT tại các địa phương, các ngành chức năng cần chú trọng công tác tuyên truyền, giới thiệu các mô hình hay để các địa phương khác học tập, làm theo. Mặt khác, cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới mỗi người dân. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tại các địa phương cần tích cực tham gia xây dựng mô hình về ANTT. Lực lượng công an thường xuyên thông báo tình hình hoạt động của các loại tội phạm, những phương thức, thủ đoạn mới để phục vụ công tác phòng ngừa ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an xã, đội an ninh tại các thôn, cụm dân cư thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở…

PV