Hướng đi đúng cho nông nghiệp Cẩm Giàng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 04:20, 16/03/2014

Việc tập trung phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hóa giá trị kinh tế cao ở Cẩm Giàng đã và đang là hướng đi đúng để giải quyết vấn đề trong tình hình hiện nay...



Quy vùng sản xuất giúp cán bộ thuận lợi hơn trong chỉ đạo, kiểm tra, còn nông dân thuận lợi trong canh tác, nâng cao năng suất chất lượng cây trồng. Trong ảnh: Cán bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp Kim Giang kiểm tra ruộng lúa gieo thẳng trong vùng sản xuất tập trung


Hiện nay, sản xuất nông nghiệp được cho là không mang lại lợi nhuận cao trong khi người nông dân có thể vào làm trong các công ty, xí nghiệp với mức thu nhập bảo đảm nên đã xảy ra tình trạng nông dân không mặn mà với ruộng đất, gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Vì vậy, việc tập trung phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hóa giá trị kinh tế cao ở Cẩm Giàng đã và đang là hướng đi đúng để giải quyết vấn đề trên.


Nhiều lợi ích


Sau đợt rét vào tháng 2 vừa qua, khoảng 40 ha lúa cấy trong vùng sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao của xã Kim Giang bị chết. Khắc phục tình trạng trên, khi thời tiết ấm lên, HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Kim Giang đã chỉ đạo nông dân ngâm ủ thóc giống để kịp thời gieo cấy lại. Trước ý kiến lo ngại về chất lượng của số thóc giống trên, ông Bùi Văn Nghiệp, Chủ nhiệm HTX DVNN cho biết: "Chúng tôi đã trực tiếp kiểm tra và xác nhận số thóc thịt sử dụng làm thóc giống hoàn toàn bảo đảm chất lượng. Đây đều là thóc thu hoạch từ vùng sản xuất tập trung với diện tích hàng chục ha, không lo lẫn hoặc bị thoái hóa giống".

Khi người dân chuyên canh trong một vùng sản xuất còn giúp việc chỉ đạo điều tiết nước tưới tiêu, làm đất, bón phân, phòng, trừ sâu bệnh của HTX DVNN được đồng bộ và thuận lợi hơn. Qua đó, nông dân không lo bỏ lỡ điều kiện sản xuất tốt nhất hoặc không theo kịp thời vụ. Theo HTX DVNN Kim Giang, cùng một giống lúa như nhau nhưng khi gieo cấy trong vùng quy hoạch sẽ đạt năng suất cao hơn từ 20-30kg/sào so với ở ngoài vùng... Với nhiều lợi ích như thế nên Kim Giang liên tục mở rộng vùng sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao từ 50 ha (năm 2010) lên 90 ha (năm 2013) ở tất cả 6 thôn trong xã.

Về Đức Chính vào khoảng từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau, trong bãi ngoài làng, đâu đâu cũng thấy cây cà rốt. Cà rốt mang thương hiệu Đức Chính đã vươn tầm khỏi đồng đất quê hương, phát triển và tiêu thụ khắp trong Nam ngoài Bắc. Có được kết quả ấy là sự nỗ lực mở rộng, phát triển sản xuất của người dân và chính quyền nơi đây. Nhận thấy cây cà rốt phù hợp với thổ nhưỡng và cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với cây lúa, từ những năm 2004-2005 nông dân Đức Chính đã bắt đầu trồng. Lúc đầu, chỉ trồng ở ngoài bãi sông Thái Bình nhưng dần dần nông dân được HTX DVNN định hướng chuyển đất màu vào ruộng trong đê để mở rộng sản xuất. Đến nay, Đức Chính có khoảng hơn 330 ha chuyên canh cây cà rốt. Tất cả các gia đình làm nông nghiệp ở Đức Chính đều có ruộng trồng cà rốt. Anh Phùng Văn Chương, cán bộ HTX DVNN Đức Chính dẫn chúng tôi đi thăm diện tích trồng cà rốt của địa phương cho biết: "Việc quy vùng sản xuất như thế này còn tác động tích cực trong việc tiêu thụ hàng hóa. Khi vùng có lượng hàng hóa lớn đã thu hút thương lái đến thu mua sản phẩm, người dân không phải mất công đi bán".


Người dân Đức Chính thu hoạch cà rốt trong vùng sản xuất tập trung


Quy hoạch lớn và biết tìm ra cây nông sản phù hợp với thổ nhưỡng đã mang lại cho Đức Chính nguồn thu nhập không nhỏ. Dù là xã thuần nông nhưng hiện nay Đức Chính đang có mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/người/năm, là địa phương có mức thu nhập bình quân trong tốp đầu của huyện Cẩm Giàng.

Cần nhân rộng

Hiện nay ở Cẩm Giàng có 18 trong tổng số 19 xã, thị trấn quy hoạch được 179 vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao với tổng diện tích 2.419 ha (chiếm hơn 20% diện tích trồng cây hằng năm của cả huyện). Các xã: Kim Giang, Ngọc Liên, Tân Trường, Cẩm Văn... quy vùng sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao có quy mô từ 50 ha trở lên; các xã: Đức Chính, Cẩm Văn, Cẩm Hưng, Cẩm Sơn... quy hoạch được các vùng sản xuất cà rốt, bí xanh, dưa hấu... với diện tích lớn. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, nhờ phát triển các vùng sản suất tập trung nên nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, canh tác đã được áp dụng vào sản xuất làm tăng năng suất cây trồng.

Tìm hướng đi cho phát triển nông nghiệp trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay là một bài toán khó cho tất cả các địa phương. Ở Cẩm Giàng khó khăn đó lại càng lớn vì huyện là địa bàn đứng chân của một số khu, cụm công nghiệp trọng điểm, thu hút nguồn nhân lực lớn và kéo theo nhiều ngành dịch vụ phát triển. Khi nông dân có sự lựa chọn khác, họ ít mặn mà với đồng ruộng. Năm 2013 Cẩm Giàng có gần 60 ha cấy lúa bị bỏ hoang. Từ thực tế ấy, việc ngành nông nghiệp huyện chủ chương phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung giá trị kinh tế cao là một hướng đi hoàn toàn đúng. Thứ nhất, nó giúp cho nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên môn hóa. Ở đó mọi khâu sản xuất đều tiết kiệm được thời gian, nhân lực... mà kết quả sản xuất lại được nâng lên. Điều này có thể thấy rất rõ qua đánh giá của các địa phương Đức Chính, Kim Giang nêu trên. Khi nông dân tập trung quy vùng sản xuất sẽ hạn chế được tình trạng bỏ ruộng hoang. Một tác động tích cực nữa của việc quy hoạch vùng sản xuất mang lại là giúp cho quá trình dồn ô, đổi thửa theo chủ trương xây dựng nông thôn mới được thuận lợi hơn. Khi nông dân thấy được hiệu quả của việc tham gia vùng sản xuất tập trung thì họ sẽ có xu hướng thích dồn ô, đổi thửa để có những mảnh ruộng lớn thuận lợi cho tham gia vùng sản xuất.

Tuy nhiên, để nhân rộng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung giá trị kinh tế cao, Cẩm Giàng còn phải nỗ lực hơn nữa về mọi mặt. Cụ thể là, cần tạo tính ổn định, bền vững cho các vùng quy hoạch; quan tâm việc tiêu thụ nông sản cho nông dân, tránh trường hợp được mùa mất giá, mất mùa được giá như đã từng xảy ra để bảo đảm thu nhập cho nông dân; coi trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân để tránh sản xuất manh mún; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp...

PV