Bài 1: Lần thay tướng thứ 7

Tin tức - Ngày đăng : 06:22, 16/03/2014

Trong 9 năm 1945-1954, chính quyền Pa-ri đã 7 lần thay Tổng chỉ huy Pháp tại Đông Dương.




Tướng 4 sao Hăng-ri Na-va (giữa) được đưa sang Việt Nam với hy vọng tìm một "lối thoát danh dự" cho Pháp


Vị tướng thứ 7 là Hăng-ri Na-va được phái sang Đông Dương với hy vọng tìm một “lối thoát danh dự” cho Chính phủ Pháp trong khi nền kinh tế nước này lâm vào khủng hoảng trầm trọng, các phong trào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh Đông Dương của nhân dân Pháp lan rộng, mâu thuẫn trong giới cầm quyền Pháp ngày càng gay gắt...

Trong ngày 19-5-1953, báo chí ở Sài Gòn và Hà Nội đều loan tin nóng hổi về một viên tướng 4 sao có tên Na-va vừa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Mặc dù đang còn ở Việt Nam nhưng viên Tổng chỉ huy cũ- Tướng Xa-lăng đã không có mặt để nghênh đón người kế nhiệm. Các ký giả bình luận rằng đây là hành vi ứng xử không bình thường của tướng Xa-lăng và điều đó đã một phần lý giải vì sao Na-va lại tỏ thái độ khá dè dặt ban đầu.

Chưa đầy 2 ngày sau (21-5-1953), tướng Na-va đã cùng Bộ trưởng Bộ Các quốc gia liên kết Lơ-tuốc-nô bay ra Hà Nội. Gặp lại người bạn cũ là tướng Đờ Li-na-rét - viên chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở miền Bắc, Na-va tỏ ra hết sức vui mừng. Sau này theo hồi ký của tướng Xa-lăng thì khi gặp Na-va, ông bạn Li-na-rét đã chân tình hỏi ông ta rằng tại sao lại mò sang cái xứ Đông Dương xa lạ này. Không ngần ngại, Na-va đã “sơ bộ” cho ông bạn thân và những tướng tá có mặt hôm đó vài nét về quyết định của Pa-ri trong tháng 5 xung quanh sự thay tướng. Một sự thật là khi nghe tin được bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương Na-va cũng đã không hề giấu diếm sự ngần ngại của mình bằng việc ông ta có hỏi cấp trên là Thống chế Gioăng rằng: “Liệu tôi có thể từ chối không sang đó được không?”, thì được Gioăng nhẹ nhàng nhắc nhở: “Đừng đặt vấn đề ra như vậy”. Cũng là người quen biết cũ với Na-va, Thủ tướng Pháp khi ấy là May-ê, thì nói với tướng Na-va bằng khẩu khí rõ ràng của một “mệnh lệnh hành quân” không thể từ chối như sau: Cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm đã bòn rút nền tài chính của chúng ta, làm cho các chính đảng chống đối nhau và tạo nên một không khí không lành mạnh ở Quốc hội. Trong khi đó thì ở bên ấy (tức Đông Dương) người ta bị trói chặt vào những vấn đề lãnh thổ và thuộc địa. Phải chấm dứt tình trạng đó bằng cách tìm ra một giải pháp - một đáp số cho bài toán. Ông có nhiệm vụ đi xem xét vấn đề và báo cáo lại với Chính phủ.

Sự có mặt của Na-va ở Đông Dương khẳng định việc Pa-ri thay tướng đã thành sự thật.Tướng 4 sao Hăng-ri Na-va là viên Tổng chỉ huy thứ 7 của quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Theo tin tức ban đầu mà báo chí Sài Gòn và Hà Nội đăng tải thì tướng Hăng-ri Na-va sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời làm Chưởng lý quan tòa và luật sư vùng Noóc-măng-đi (Pháp), trưởng thành trong ngành tình báo. Khi sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, Na-va vừa qua giữ chức Tham mưu trưởng Lục quân của Trung Âu trong khối Bắc Đại Tây Dương (NATO). Báo chí nước ngoài ca ngợi Na-va như một danh tướng có thể “uốn nắn lại tình hình Đông Dương…”

Để bảo đảm tính “đồng bộ, thống nhất cao” cùng với việc tướng Xa-lăng bị Pa-ri triệu hồi, hầu hết số sĩ quan cao cấp mà tướng Đờ-lát - người tiền nhiệm của Xa-lăng đem sang hồi cuối năm 1950 cũng được thay thế bằng bộ sậu mới. Trong đó đáng chú ý là Bô-đê, nguyên chỉ huy không quân, nay được cử làm phó tướng cho Na-va. Lô-ranh làm Tư lệnh không quân. Găm-bi-ê, nguyên chỉ huy chiến trường nam đồng bằng sông Hồng, được đánh giá là có thành tích và kinh nghiệm về “bình định”, đã từng được sang nghiên cứu kinh nghiệm của quân đội Mỹ và đồng minh ở Triều Tiên nay giữ chức Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Vị trí chỉ huy Bắc Bộ của “ông bạn thân”-tướng Đờ Li-na-rét được thay thế bằng tướng 3 sao Cô-nhi với công trạng nhiều lần điều hành các cuộc càn quét bình định ở vùng Tả ngạn.

Căn cứ vào ý đồ chính trị của Pa-ri cùng thái độ của Oa-sinh-tơn đối với cuộc chiến tranh Đông Dương, chỉ sau một tháng nghiên cứu, tướng Na-va vạch ra một kế hoạch quân sự mang tên “Kế hoạch Na-va” với hy vọng trong một thời gian ngắn sẽ giành một thắng lợi quyết định về quân sự, xoay chuyển tình thế cuộc chiến ở Đông Dương, chuyển bại thành thắng (kế hoạch Na-va). Theo kế hoạch Na-va, phần tác chiến gồm hai bước và hoàn thành trong 18 tháng. Bước 1: Trong chiến cục 1953-1954, giữ thế phòng thủ ở phía bắc vĩ tuyến 18 và tìm cách tránh giao chiến lớn. Trái lại, ở phía Nam lại tiến công để ổn định miền Trung và nam Đông Dương để lấy được nhân lực, vật lực. Đặc biệt, phải đánh chiếm được Liên khu V. Bước 2: Khi đạt được ưu thế về quân cơ động, nghĩa là nếu có thể được thì mùa thu năm 1954 thực hành tiến công ở phía Bắc nhằm mục đích tạo ra một tình hình quân sự cho phép đưa ra một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh.

Như vậy, điểm mấu chốt trong kế hoạch của tướng Na-va là tập trung được một lực lượng cơ động ưu thế hơn đối phương, sau khi giải quyết chiến trường phía Nam, sẽ thực hành tiến công ở phía Bắc, tạo ra tình hình quân sự có lợi làm cơ sở cho giải pháp chính trị kết thúc chiến tranh. Đó là chiến lược có quy mô rộng lớn, thực hiện tập trung sự cố gắng lớn và cuối cùng của Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương mà Na-va có vai trò trực tiếp lên kịch bản và “diễn” dưới sự chỉ đạo của Pa-ri và ủng hộ của quan thầy Mỹ.

LÊ THÀNH VINH