Bài 2: Ba đòn đầu của Na-va
Tin tức - Ngày đăng : 04:27, 17/03/2014
Trong bức thư mà vị tướng 4 sao này thảo ra nhằm úy lạo quân lính của mình vào ngày 22-6-1953 với lời lẽ hoàn toàn tự tin...
Mặc dù tướng Na-va cho rằng "Trong chiến tranh thật là sai lầm lớn nếu đánh giá thấp đối phương...",
nhưng ông ta cũng bị bất ngờ trước sự kháng cự quyết liệt và hiệu quả của quân đội Việt Nam
Nói là làm, Na-va đã liên tiếp ra đòn tiến công nhằm áp đảo đối phương trước.
Lần xuất quân đầu tiên vào ngày 17-7-1953, Na-va giao cho tướng 3 sao Cô-nhi đích thân chỉ huy. Cuộc hành binh này mang tên Chim én, tập kích vào một chân hàng của ta ở bắc thị xã Lạng Sơn. Để bảo đảm yếu tố bí mật đến phút cuối cùng, việc chuẩn bị lực lượng gồm máy bay và quân dù được ngụy trang bằng cuộc duyệt binh ở Hà Nội nhân ngày 14-7 (Quốc khánh Pháp). Cấp chỉ huy đại đội chỉ được phổ biến kế hoạch và nhiệm vụ một giờ trước khi cất cánh. Hồi đó báo Lơ Phigarô cũng như sau này Rô-côn tác giả cuốn Tại sao Điện Biên Phủ và Méc-len, tác giả cuốn Cuộc chiến tranh bất thình lình đều nói đến kết quả cuộc tập kích này trái hẳn với những gì Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương rêu rao. Các báo Pháp hồi đó thuật lại kết quả ra đòn của Na-va như sau: Vì sợ bị phục kích không dám tiến sâu vào phía trong hang nên hai tiểu đoàn dù chỉ phá hủy được một số lương thực và vài chiếc ô-tô vận tải đỗ bên đường. Sợ ở lâu bất lợi nên 13 giờ hôm đó (17-7) quân dù đã vội vã rút. Rõ ràng thể hiện sự lúng túng trong việc điều tra lực lượng và sự vận chuyển của đối phương nên quân dù đã vồ hụt…
Đòn ra tay thứ hai của tướng Na-va là cuộc hành binh Camargue - tên một vùng đầm lầy hạ lưu sông Rôn nước Pháp vào vùng Hải Lăng - Phong Điền (Thừa Thiên- Huế) nhằm cất vó Trung đoàn 95 của ta, khai thông trục đường Quảng Trị- Đà Nẵng. Binh lực tham gia cuộc vây ráp này khá lớn, gồm 4 binh đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn dù, 3 thiết đoàn, 1 thủy đội xung kích, 2 trung đoàn pháo, 12 tàu chiến, 160 xe lội nước, 60 máy bay các loại, rải ra trên một đoạn đường sình lầy dài 15 km, rộng 3 km dọc kênh Vân Trình. Phía đông là bờ biển Tân An- Mỹ Thủy.Cuộc hành binh này được báo chí Pháp gọi là một trong những chiến dịch lớn nhất Đông Dương. Nhưng rồi như tác giả Béc-na Phôn tường trình trong cuốn Con đường không vui như sau: Đứng trước một binh lực lớn như vậy, lại bị ép giữa xe bọc thép ở phía tây, quân đổ bộ và xe lội nước ở phía đông, rõ ràng Trung đoàn 95 hình như ít có hy vọng thoát khỏi vòng vây. Nhưng rồi những đoàn xe luôn luôn rơi vào những trận địa phục kích của những người lính vận đồ đen của trung đoàn thiện chiến 95, từ hai năm nay đã lọt vào hoạt động ở phía sau quân Pháp. Gió biển như những quả đấm vô hình trên không trung đánh vào quân dù khiến cho đội hình phân tán. Trên đầm lầy thỉnh thoảng một tên lính bộ binh bỗng rú lên một tiếng rùng rợn rồi lăn ra. Lính tráng xúm lại vực hắn thoát ra khỏi bùn và nước, chân hắn vẫn lủng lẳng một bàn chông. Đến khi có lệnh xiết chặt vòng vây thì đối phương đã lợi dụng những ngòi, lạch để phản kích và dồn ép quân Pháp sát kênh Vân Trình trên cả một đoạn dài hơn 10 km. Cuối cùng “đàn cá” đã lợi dụng mảng lưới rách để vượt ra ngoài… Sau 36 giờ, cuộc hành binh Camargue đã lộ rõ chiều hướng thất bại, buộc phải kết thúc. Cuối cùng với một sự châm biếm đúng với nghĩa đen của nó, quãng đường này (dọc kênh Vân Trình) đã được tác giả Béc-na Phôn đặt một cái tên rất sát cho cuốn sách của ông mang tựa đề: Con đường không vui.
Vào trung tuần tháng 10-1953 Na-va tung đòn thứ ba mang tên cuộc hành binh Hải âu vào tây nam Ninh Bình với binh lực 32 tiểu đoàn các loại nhằm “tìm và đánh què Sư đoàn 320”, đồng thời một bộ phận được tách ra hình thành cuộc hành binh khác mang tên Con bồ nông, có hải quân hỗ trợ đổ bộ vào bờ biển Thanh Hóa nhằm “giam chân không cho Sư đoàn 304 thâm nhập vào phía nam đồng bằng”. Đang lúc ở Thủ đô Pa-ri rộ lên dư luận khá phấn chấn của giới cầm quyền nói rằng tướng Na-va giành quyền ra tay trước với sự chứng giám của Phó Tổng thống Mỹ Ních-xơn đang có mặt ở Bắc Bộ thì tờ báo cánh hữu Thế giới (Le Monde) số ra ngày 27-10-1953 bỗng đưa ra những lời bình luận được cho là thật tai hại: “Nhiều người trong chính phủ biết rõ rằng, những tin tức tung ra mấy tuần nay về tình hình chiến sự ở Việt Nam là không đúng sự thật. Những lời tuyên truyền quá đáng đó chỉ nhằm gây một không khí thuận lợi cho việc vay tiền Mỹ. Bởi vì, về binh lực, chỉ trong khoảng 20 ngày qua quân đội Pháp đã bị thiệt hại nặng. Cứ theo đà này thì quân tăng viện chỉ đủ bù vào số quân bị tổn thất…".
Trong thư khen đề ngày 7-11-1953 gửi Đại đoàn 320 về chiến thắng tây nam Ninh Bình, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết: Thắng lợi này là một thắng lợi lớn đầu tiên của quân ta trên chiến trường Bắc Bộ trong khi mùa tác chiến thu đông mới bắt đầu. Thắng lợi này cũng chứng tỏ các đồng chí đã tiến bộ thêm một bước sau cuộc chỉnh quân chính trị. Bộ đã quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công cho toàn đơn vị.
Có một sự kiện quan trọng vào thời điểm trước đòn ra tay thứ 3 của Na-va, Bộ Chính trị Đảng ta họp bàn về kế hoạch tác chiến Đông- Xuân 1953-1954. Cuộc họp được diễn ra đầu tháng 10-1953 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Tỉn Keo, thuộc thôn Lục Giã, Chợ Chu, Thái Nguyên. Hồi đó, chính quyền Pa-ri và bộ sậu sừng sỏ của Pháp ở Đông Dương không thể biết rằng, số phận kế hoạch chiến lược mà Hội đồng Quốc phòng Pháp vừa thông qua ở điện Ma-ti-nhông 3 tháng trước đó lại được định đoạt tại một bản người Dao dưới chân núi Hồng, dẫn đến bước đường cùng trong cuộc đời binh nghiệp của tướng Na-va, đồng thời cũng quyết định kết cục giai đoạn cuối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ trên bán đảo Đông Dương.
LÊ THÀNH VINH