Người gầy ốm mà bản thảo dày cộm

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 16:35, 18/03/2014

Nhà văn Hoàng Văn Bổn sinh năm 1903, tại Bình Lợi, Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Năm 1952, ông nhập ngũ. Năm 1980 thì chuyển ngành, làm Chủ tịch Ban Văn học nghệ thuật Đồng Nai và Giám đốc Nhà xuất bản Đồng Nai. Hoàng Văn Bổn đã xuất bản 50 đầu sách và 25 kịch bản phim. Thời gian ở bộ đội, ông từng tham gia xây dựng đường dây quốc phòng bên nước bạn Lào. Giữa rừng già biên giới Việt - Lào, ngày và đêm lao động mệt nhọc ông vẫn tranh thủ viết lại tiểu thuyết "Bông hường bông cúc" vì bản viết lần thứ nhất ông đưa cho nhà văn Đoàn Giỏi làm mất khi ra Bắc tập kết.

Theo báo Văn hóa ngày 18-7-1993, vào năm 1970 nhà văn Nguyễn Thế Phương và Như Phong đang công tác ở Nhà xuất bản Văn học có mời Hoàng Văn Bổn đến nhà xuất bản để góp ý về cuốn tiểu thuyết "Bầu trời và mặt đất" của ông. Nhà văn Hoàng Văn Bổn đang ngồi chờ trên gác ba, thì nghe tiếng thở phì phò của một người già và tiếng cầu thang gỗ rung rinh. Nhà văn Hoàng Văn Bổn chạy ra đỡ ông già trông đậm đà, đẹp lão đó. Sau giây phút trấn tĩnh cho bớt mệt mỏi, nhà văn Nguyễn Công Hoan nhìn Hoàng Văn Bổn hỏi:

- Cậu đấy hử? Người gầy ốm mà bản thảo nào cũng dày cộm.

Nói rồi, nhà văn Nguyễn Công Hoan đặt tập bản thảo của Hoàng Văn Bổn lên bàn làm việc của ông. Đây là tập bản thảo "Bầu trời và mặt đất" viết bằng loại giấy để in báo mỏng, nhẹ, rất dễ rách mà nhà văn mang theo nó khắp dãy Trường Sơn nên đã rất dày về trang viết lại dày về bùn đất, bụi bẩn, bị mảnh bom đạt xén đi nhiều mảng. Mực bút bi nhòe nhạt vì mưa, nước suối, sương rừng, bụi lá đại ngàn Trường Sơn.

Khi Hoàng Văn Bổn vào học Trường Bồi dưỡng viết văn Quang Bá của Hội Nhà văn (nay là 270 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội), nhà văn Nguyễn Công Hoan đến giảng bài gặp vẫn nhắc:

- Cậu tiêu phí chi tiết quá, nếu là mình mỗi chi tiết của cậu trong tiểu thuyết mình làm một cái truyện ngắn. Phải biết hà tiện chi tiết, khó kiếm lắm, nếu tiêu xài chi tiết như cậu, ngày xưa làm sao mình có đủ chi tiết để viết nên hàng trăm truyện ngắn. Tác phẩm văn học sống bằng chi tiết và chi tiết đắt. Người đọc nhớ truyện của mình bằng nhân vật, nhớ nhân vật bằng ngôn ngữ và chi tiết.

Ngừng một lát, như để nhớ ra, nhà văn Nguyễn Công Hoan nhỏ nhẹ nói tiếp cho cụ thể hơn.

- Mình, Kim Lân, Tô Hoài, Đỗ Phồn rất thích tập "Ký sự Hàm Rồng" của cậu, thú lắm. Tiếc một điều là cậu lại hoang phí chi tiết như chi tiết cô Nguyễn Thị Hiền lấy mái tóc dập lửa bom lúc máy bay Mỹ ném xuống cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) khi cô ta đang bơi thuyền vượt sông Mã. Như chi tiết cậu cùng đạo diễn phim "Vượt bãi bom nổ chậm" xuống Nam Ngạn mua thịt chó chui, chạy ra đầu cầu phía Cồn Du mua hành tươi về để ở cửa hang Mắt Rồng. Mỹ đến ném bom, thịt chó và hành tươi bay xuống sông Mã đầy khói B52. Mỗi chi tiết ấy, tác giả có thể làm nên một truyện ngắn.

Sau lần gặp gỡ nhà văn Nguyễn Công Hoan, quả nhiên Hoàng Văn Bổn đã học được cách viết bổ ích. Tiết kiệm chi tiết để viết nhiều truyện ngắn, nhiều tiểu thuyết. Tiểu thuyết "Tuổi thơ ngọt ngào" của Hoàng Văn Bổn năm 1994 được giải B của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Đặc biệt là giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Chắc chắn thành công ấy của nhà văn Hoàng Văn Bổn có phần nhỏ công của thầy Nguyễn Công Hoan dạy sử dụng chi tiết.

LÊ HỒNG BẢO UYÊN(st)