Về Hải Dương ăn nhiều món ngon
Đời sống - Ngày đăng : 17:46, 20/03/2014
Hải Dương níu chân du khách với hàng trăm di tích văn hóa lịch sử và hàng ngàn câu chuyện về các danh nhân quân sự, văn học, danh y như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh… Bên cạnh đó, những đặc sản nơi đây cũng rất khéo làm mê đắm lòng người.
Bánh đậu xanh
Bánh đậu xanh Hải Dương là một loại bánh ngọt truyền thống làm từ bột đậu xanh quết nhuyễn với đường và dầu ăn hoặc mỡ heo ra đời từ những năm đầu của thế kỷ 20.
Bánh được cắt thành các hình khối lập phương nhỏ, hoặc hình tròn... có màu sắc vàng tươi, mịn và thơm nức. Mỗi khi thưởng thức, bỏ từng miếng bánh đậu xanh vào trong miệng bạn có thể cảm nhận được những tinh túy của đất trời, hương thơm của bánh đang tan dần trong miệng mà dư âm của nó vẫn còn phảng phất mãi không thôi.
Bánh đậu xanh ngon nhất khi được thưởng thức cùng với trà xanh. Vị hơi chan chát của trà sẽ cân bằng vị ngọt đậm đà của bánh. Hai vị đối nghịch đó cứ quyện vào nhau tạo ra một cảm giác vô cùng thú vị cho người thưởng thức (Ảnh: Internet) |
Bánh đậu xanh ngon nhất khi được thưởng thức cùng với trà xanh. Vị hơi chan chát của trà sẽ cân bằng vị ngọt đậm đà của bánh. Hai vị đối nghịch đó cứ quyện vào nhau tạo ra một cảm giác vô cùng thú vị cho người thưởng thức.
Có nhiều nơi cũng làm bánh đậu xanh nhưng bánh được sản xuất từ Hải Dương là hương vị đặc trưng nhất khiến say mê biết bao người. Chẳng thế mà bánh đậu xanh nơi đây đã trở thành một thứ quà tặng đầy ý nghĩa của hầu hết các hành khách đặt chân đến mảnh đất này và trong cả trong những dịp lễ, Tết truyền thống của dân tộc.
Bánh gai
Nam Định vốn mới là mảnh đất sinh ra những chiếc bánh gai thơm ngon, dẻo ngọt và trở thành một thứ đặc sản tiêu biểu của đất thành Nam này. Nhưng đến với Hải Dương người ta cũng không khỏi ngỡ ngàng vì hương vị hấp dẫn của bánh gai Ninh Giang.
Bánh có vỏ làm từ bột nếp hoà với lá gai đã được giã nhuyễn làm lên sắc đen huyền mà hấp dẫn đến lạ kỳ. Gạo được ngâm trong nước lạnh qua một đêm cho hạt mọng nước, thật mẩy rồi mới để ráo nước sau đó xay nhuyễn làm bột. Từ bột ấy kết hợp với lá gai được tước gân, luộc lên rồi lại giã nhuyễn, thêm vào chút đường cho bánh có vị ngọt mới tạo thành vỏ bánh.
Bánh có vỏ làm từ bột nếp hoà với lá gai đã được giã nhuyễn làm lên sắc đen huyền mà hấp dẫn đến lạ kỳ (Ảnh: Internet) |
Còn nhân bánh là tổng hợp rất nhiều nguyên liệu phải chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. Bắt đầu từ đỗ xanh bỏ vỏ, ngâm đãi thật sạch đồng thời cho hạt đỗ mọng nước. Đem luộc đỗ lên sao cho hạt đỗ bở tơi, vừa xốp lại vừa mịn mà vẫn giữ được màu vàng óng dậy lên mùi thơm bùi đặc trưng của đỗ rồi giã nhuyễn.
Cũng giống như bánh đậu xanh, bánh gai là một thứ quà mà bất cứ người con trên đất Hải Dương, mỗi khi đi xa đều muốn mang theo như thể mang cả cái hồn bình dị quê hương mình (Ảnh: Internet) |
Ngoài ra, thịt mỡ, lạc, sen, dừa, hương liệu thơm... mỗi loại một ít vì những nguyên liệu trên đều làm tôn lên vẻ thơm ngậy của nhau, không cái nào át cái nào. Từng ấy thứ trộn đều làm nên nhân bánh. Tuy nhiên, mỗi gia đình sẽ có một bí quyết nào đó để làm nên thương hiệu bánh gai của riêng mảnh đất này.
Cũng giống như bánh đậu xanh, bánh gai là một thứ quà mà bất cứ người con trên đất Hải Dương, mỗi khi đi xa đều muốn mang theo như thể mang cả cái hồn bình dị quê hương mình.
Vải Thanh Hà
Cứ vào độ cuối tháng 5, đầu tháng 6, khi những cái nắng hè rực lửa trải tràn lên mặt đất ấy cũng là lúc những trái vải đỏ sậm Thanh Hà vào mùa thu hoạch. Nhiều người cứ ví von, nếu như nhìn từ trên cao xuống, màu xanh của lá cây bị màu đỏ của quả lấn át, trông giống như một đĩa xôi nhuộm màu thật khéo.
Vải Thanh Hà vô cùng thơm ngon (Ảnh: Internet) |
Nghe nói, vải thiều vốn có nguồn gốc Trung Quốc do ông Hoàng Văn Cơm thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đem về gây giống. Cây vải tổ do ông trồng hiện có độ tuổi khoảng gần 200 năm. Như có sự ưu ái của đất trời, thiên nhiên với mảnh đất Thanh Hà, giống vải tốt gặp đất phì nhiêu đã cho ra một sản vật nổi tiếng có một không hai. Dân địa phương đã nhân giống từ cây này. Ngày nay, vải thiều được nhân giống sang một số nơi khác trên cả nước như Lục Ngạn - Bắc Giang, Chí Linh - Hải Dương và nhiều địa phương khác...
Vải thiều Thanh Hà có đặc điểm là quả nhỏ, vỏ sần, chín màu đỏ, hạt rất màu đen tuyền hoặc không hạt, cùi trắng dày ăn rất ngọt, hương vị thơm đặc biệt. Vải ra hoa vào tháng 3 dương lịch và chín vào tháng 6. Chính vì thơm ngon như vậy mà vải Thanh Hà sớm trở thành một đặc sản không thể thiếu ở nơi đây và được đem bán đi bao vùng khác. Mùa hè, dù sợ nóng đến mấy nhưng khi nhìn thấy những chùm vải chín Thanh Hà đỏ rực, chẳng ai nỡ làm ngơ. Rồi cứ thế, hết trái này đến trái khác được bóc ra, bỏ vào miệng, một cảm giác ngọt ngào lan tỏa.
Bún cá rô đồng
Bún cá rô đồng gần như nơi nào cũng có nhưng có lẽ ở Hải Dương bạn sẽ được trải nghiệm hương vị mới lạ hơn! Cá rô béo mua về sau khi làm sạch sẽ được chia làm hai phần, một phần dành nấu nước dùng, một phần dành để bày ra tô. Nước dùng chỉ thuần túy cá rô, không thêm xương heo, cứ một phần cá tươi thì hai phần rưỡi nước nấu cho đến khi nào thịt và xương cá rã ra, nồi nước trong leo lẻo và đậm đà vị ngọt của cá thì đạt yêu cầu. Người ta cũng bỏ vào nước dùng sau khi nấu một ít gừng tươi đập dập cho mùi thơm thêm phần quyến rũ cũng như là át bớt mùi tanh của cá.
Nếu như cá rô ở các nơi khác được đem chiên giòn thì cá để nấu bún ở Hải Dương lại được chế biến hoàn toàn khác. Những con cá được dành phần lại được luộc chín, bóc thịt ra riêng. Sau đó xào cùng chút hành tím, nước mỡ cho thơm. Có lẽ, sự khác biệt trong chế biến này chính là điểm làm nên đặc sản của bún cá rô đồng nơi đây.
Bún cá rô đồng gần như nơi nào cũng có nhưng có lẽ ở Hải Dương bạn sẽ được trải nghiệm hương vị mới lạ hơn (Ảnh: Internet) |
Khi cá xào xong, bún được bóc ra tô, sắp lên ít thịt cá đã xào thơm, thêm ít hành tiêu, chan vào nước dùng nóng. Sau đó dọn ra bàn cùng với nước mắm nguyên chất có vài khoanh ớt cùng đĩa rau thơm, bông chuối, rau muống là đã có một bữa ăn ra trò. Được đến vùng đất Hải Dương bạn đừng quên thưởng thức món ăn tuy dân dã nhưng cũng không kém phần công phu này nhé.
Rươi
"Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng 5", câu ca này ông cha ta dành để nói về con Rươi, một sản vật quý hiếm của vùng đất Hải Dương. Theo từ điển tiếng Việt, rươi thuộc họ nhà giun, thân có nhiều lông tơ nhỏ, sinh theo mùa, ở vùng nước lợ. Cứ 20 tháng chín và mồng 5 tháng 10 âm hàng năm là mùa rươi xuất hiện nhiều.
Ở Hải Dương, rươi chỉ có ở các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ và Đông Triều. Nghe nói, con rươi vốn chẳng ai nuôi được. Ngày bình thường, nếu có đi đào khắp các ruộng cũng chẳng thể thấy bóng dáng nhưng đến vụ, khi nước chiều dâng lên ngập các ruộng, đất trời vần vũ là rươi chuẩn bị ra. Nhưng thế vẫn chưa đủ dụ dỗ hết con vật khó tính này. Chúng còn đợi trời mưa lất phất, khi ấy, người già bảo lỗ rươi đã mở, những con vật bé tí từ dưới lòng đất chui lên từng đàn bơi ra sông. Chỉ đợi có thế, người dân trong làng chỉ việc bơi thuyền ra, dùng các loại dụng cụ như thúng, rổ, giá ra vớt.
Món nem được làm từ rươi. |
Rươi là con vật có hình dạng xấu xí, lúc nhúc, nhiều người vẫn hoảng sợ mỗi khi nhìn thấy nhưng nó lại có thể cho ra đời rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn khiến ai cũng phải mê mẩn như bánh rươi, nem rươi, chả rươi, lẩu rươi… thậm chí có nhiều nhà hàng còn chế biến được rươi thành 9 món. Trong đó, đa số người ăn chế biến rươi thành chả.
Chả rươi là món ăn được nhiều người ưa thích nhất. |
Nguyên liệu làm chả rươi bao gồm rươi, thịt lợn xay nhuyễn, trứng gà, vỏ quýt, hành hoa, thì là, một chút ớt tươi giã nhỏ chủ yếu lấy mùi chứ không để quá cay. Gia vị khi ăn có hạt tiêu bột, nước mắm pha chanh, ớt. Rươi làm chả, làm nem, ăn chơi chứ không kèm với bún hay gì khác. Rươi vừa rán, béo ngậy, thơm mùi thì là, đắng đắng vỏ quýt, cay nhẹ, tuyệt ngon, là món ăn hảo hạng của những ngày cuối thu xứ Bắc.
Ngoài ra, Hải Dương còn nổi tiếng với cam Phù Tải, cau Đông, hành tỏi Kinh Môn, bánh dày cùng giò, chả Gia Lộc, nếp cái hoa vàng Kim Thành, na dai, chuối mật Chí Linh, bánh đa Kẻ Sặt - Bình Giang...
VIETNAMNET