Những “ông chủ” trẻ ở Chí Linh
Xã hội - Ngày đăng : 02:16, 21/03/2014
Từ phong trào thanh niên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp đã xuất hiện nhiều “ông chủ” trẻ là những giám đốc, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ trang trại...
Cơ sở xay xát của anh Nguyễn Đình Tuyên hoạt động hiệu quả, mỗi năm cho thu lãi hơn 150 triệu đồng
Làm giàu trên quê hương
Mới 35 tuổi, anh Nguyễn Đình Tuyên, khu dân cư (KDC) Đại Bộ, phường Hoàng Tân đã gây dựng được một cơ sở xay xát làm ăn hiệu quả là mơ ước của nhiều thanh niên khác. Năm 2000, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê, anh xin làm công nhân tại một công ty đóng trên địa bàn xã (nay là phường Hoàng Tân). Do công việc không ổn định, lương thấp nên vợ chồng anh Tuyên đều xin nghỉ, về sản xuất nông nghiệp. Vừa cày ruộng, nuôi lợn, nuôi gà, vợ chồng anh còn vay mượn vốn để đầu tư mua máy cày, máy tuốt. Mấy năm sau, do nhiều người cũng đầu tư máy cày, máy tuốt nên anh chuyển hướng làm ăn khác. Năm 2007, sau khi bán máy cày, máy tuốt lúa, cộng với vay mượn thêm, anh Tuyên mua 1 máy xát liên hoàn để chuyển sang làm dịch vụ xay xát. Ban đầu, do chưa có khách hàng, vợ chồng anh phải trực tiếp mang gạo ra chợ bán. Sau, anh tìm được bạn hàng tiêu thụ với số lượng gạo lớn nên cơ sở làm ăn ngày càng phát đạt. Mỗi năm, cơ sở của anh sản xuất từ 200 - 300 tấn gạo các loại. Từ năm 2010, anh còn đầu tư mở đại lý kinh doanh dịch vụ nông nghiệp cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu cho nhân dân trong khu, trong phường. Từ các nguồn thu, hằng năm vợ chồng anh lãi được hơn 150 triệu đồng.
Con đường lập nghiệp của ông chủ trẻ Đặng Danh Phong, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Phong Hà (địa chỉ số 1 phố Yết Kiêu, phường Sao Đỏ) cũng không kém phần gian nan. Nghe Phong kể, chúng tôi được biết, anh từng khát vọng lập thân, lập danh bằng con đường học vấn. Sau 3 lần thi đại học không đỗ, năm 2002, anh sang Nga làm việc. Bên xứ người, anh phải vật lộn với rất nhiều khó khăn trong việc mưu sinh. Dần dần anh cũng tự tạo dựng được một sạp hàng trong chợ Vòm ở Mát - cơ - va. Vừa bận rộn mưu sinh, anh Phong vừa tranh thủ học tập và anh đã hoàn thành chương trình đại học bên Nga. Việc làm ăn đang thuận lợi thì năm 2009, chính quyền sở tại cho đóng cửa chợ Vòm khiến anh mất toàn bộ sạp hàng, thiệt hại hơn 500 nghìn đô-la. Gom góp toàn bộ số vốn còn lại, anh quyết định về nước sinh sống, lập nghiệp. Về quê, anh mở cửa hàng đại lý chuyên cung ứng hàng tiêu dùng nhanh. Việc làm ăn thuận lợi nên năm 2010 anh thành lập doanh nghiệp. Nhờ sự nhạy bén trong nắm bắt thị trường và lập kế hoạch kinh doanh tỉ mỉ nên doanh nghiệp của anh nhanh chóng phát triển. Hiện tại, doanh nghiệp của anh tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động với mức lương bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Công ty anh đã phát triển thị trường ở 4 huyện gồm: Thanh Hà, Nam Sách, Kim Thành, Kinh Môn và thị xã Chí Linh. Hằng năm doanh thu của công ty đạt gần 50 tỷ đồng, trừ chi phí lãi vài tỷ đồng.
“Bệ đỡ” cho những ông chủ trẻ
Hiện nay câu lạc bộ (CLB) Thanh niên phát triển kinh tế Chí Linh có gần 40 thành viên là những chủ trang trại, cơ sở sản xuất, dịch vụ, giám đốc các doanh nghiệp tư nhân. Người trẻ nhất mới ngoài 20 tuổi, người cao tuổi nhất chưa đến 40. Lĩnh vực hoạt động của các thành viên CLB khá đa dạng, phong phú và trải đều các địa phương trên địa bàn thị xã. Hiện tại, CLB có khoảng 10 thành viên là chủ cơ sở, giám đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thương mại hàng tiêu dùng, dịch vụ nông nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, công nghệ thông tin, hơn 20 thành viên là các chủ trang trại nuôi thủy sản, gia cầm, nuôi lợn, trồng cây ăn quả. Các thành viên trong CLB đều là những người sản xuất, kinh doanh hiệu quả và từng bước đã khẳng định mình, đặc biệt trong đó có nhiều người đã đoạt giải thưởng Lương Định Của dành cho những nhà nông trẻ xuất sắc, tiêu biểu. Anh Phương Quốc Luyện, cán bộ Thị đoàn, kiêm Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên phát triển kinh tế thị xã Chí Linh cho biết: "Các thành viên CLB đều là những thanh niên tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh. CLB trở thành nơi tập hợp, tạo sân chơi cho họ. Qua 1 năm hoạt động, các thành viên CLB đã giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về giống, vốn, thị trường, thủ tục hành chính...”.
Hoạt động đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp đã được các cấp bộ đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên thị xã luôn quan tâm. Hằng năm, Thị đoàn luôn chủ động, tích cực phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã, Ban Chỉ huy quân sự thị xã và các ngành chức năng của thị xã, các trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên. Thị đoàn phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã thực hiện có hiệu quả đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm. Trong năm 2013, thị xã đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức 1 lớp học nghề cho 50 thanh niên và đối tượng chính sách, gia đình bị thu hồi đất phục vụ cho các dự án trọng điểm. Thị đoàn còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã thực hiện giải ngân nguồn vốn vay cho thanh niên các xã, phường tham gia phát triển mô hình kinh tế hộ, nâng tổng số dư nợ qua các chương trình đạt gần 15 tỷ đồng. Qua đó đã giúp cho hàng nghìn đoàn viên thanh niên có điều kiện tiếp cận với các cơ hội học nghề, việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh và từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của thị xã.
VIỆT CƯỜNG