Chuyện tình cảm động của ông lão 80 “nhặt” được vợ

Đời sống - Ngày đăng : 16:16, 22/03/2014

Ông từng được mệnh danh là kẻ cướp cơm hà bá trên sông Hồng. Tuy nhiên, ít ai ngờ phía sau con người này lại có một câu chuyện tình đẹp và đầy xúc động.

Trong cái rét như cắt da cắt thịt, người đàn ông gần 80 tuổi, nhỏ thó, đen thui vẫn lầm lũi lên phố bới từng đống rác nhặt phế liệu. Ông sang sảng bảo: “Khi nào đôi chân tôi yếu đi, mắt không còn nhìn thấy rõ nữa, thì tôi mới thôi đi nhặt rác. "Vì giờ đây, nó là công việc giúp nuôi sống hai vợ chồng già chúng tôi” - ông Nguyễn Văn Thành cho hay. 

Chuyện tình cảm động của lão ông tuổi 80 “nhặt” được vợ  1

Ông Thành hạnh phúc khi ngày nào cũng được nhìn thấy người “vợ nhặt” của mình. Ảnh T.G

Quá khứ đau buồn


“Ngôi nhà” nhỏ của vợ chồng ông Thành đơn sơ, nằm nép mình bên bờ sông Hồng. Những ngày rét mướt, gió từ sông thổi lên làm nó rung bần bật. Gọi là nhà, nhưng thực chất đó chỉ là một con thuyền bằng nứa được dựng tạm bợ. Xung quanh thuyền, ông Thành che chắn những tấm bạt – thứ phế liệu được nhặt về từ những đống rác. Ông Thành vừa nói vừa suýt xoa: “Mấy hôm trời rét, gió ở sông lùa vào khiến hai vợ chồng không tài nào ngủ được. Con thuyền thì chòng chành, gió thổi vi vu nghe cứ như tiếng sáo. May hôm nay các chú đến chơi, trời lại nắng ấm lên, nếu không ngồi trong nhà cũng như ngoài trời thôi”.


Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về câu chuyện cuộc đời mình, ông Thành nén một hơi thở dài rồi chỉ tay lên tấm liếp phía trong ngôi nhà. Bên trên tấm liếp, ông treo một tờ giấy trắng với dòng chữ được viết rất cẩn thận “Tổ ấm của tôi” rồi nói: “Giờ đây con thuyền là nhà, còn cuộc sống của tôi là bà ấy. Dù nghèo đói, nhưng tôi thấy hạnh phúc với tổ ấm của mình”. Nói đoạn, ông Thành nhìn qua vợ mình đầy hạnh phúc.


Đưa chén nước chè nóng lên miệng nhấp một ngụm, ông Thành trầm ngâm: “Vợ chồng tôi đến với nhau như một cái duyên trời định, tình cờ gặp, tình cờ đến. Không một mâm cơm, không một người làm chứng. Chúng tôi sống với nhau vì một chữ tình, vậy mà cũng được hơn 40 năm rồi”. Cũng theo ông Thành tâm sự, trước đây ông có tên Quách Văn Mậu, là người dân tộc Mường, quê gốc ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Năm ông lên 10 tuổi thì bố mẹ không may qua đời. Từ đó, bốn anh chị em trong gia đình ông Thành phải lang bạt khắp nơi. Ông Thành hồi tưởng, có những hôm ông đi lang thang không có gì ăn, đói lả nằm bẹp bên lề đường. May mắn, một người phụ nữ đến và thấy ông còn sống nên mang về nhà, cho ăn uống. Lúc ấy vì cảm phục tấm lòng nhân hậu của người đã cưu mang mình, ông Thành đã xin được đổi tên từ Quách Văn Mậu sang Nguyễn Văn Thành.


Hồi tỉnh, ông Thành lại tiếp tục đi. Cuộc đời xô đẩy đã đưa ông Thành vào tận miền Nam, sau đó còn tham gia lính của chế độ cũ. Khi tham gia trong quân đội, vì quá bất mãn với những chiến lược và sự tàn bạo của chế độ cũ, ông Thành xin ra quân nhưng không được chấp nhận. Sau đó, ông bị bắt đi tù vì tội chống lại chế độ. Mãn hạn tù, ông Thành tìm đường về quê hương. Về quê nhưng không một người thân thích, ông lang thang trên chính mảnh đất đã sinh ra mình một lần nữa. Quá đau khổ và muốn tìm một mảnh đất mới để làm lại cuộc đời, ông lại ra đi.


“Một lần lang thang tại Bến xe Thanh Hóa, tôi tình cờ gặp một người đàn ông tên Cường. Sau khi nói chuyện và biết tôi là người vô gia cư, đang rất cần tìm một công việc để kiếm sống, người đàn ông này đã rủ tôi đi làm ở bãi vàng Cẩm Ngọc. Nhờ sự từng trải và khả năng thích nghi cuộc sống, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tôi đã đứng lên cầm đầu một nhóm chuyên bảo kê cho bãi. Lúc đó, cả bãi vàng ai cũng biết đến tên tôi. Tuy nhiên, giữa lúc công việc đang tiến triển, nhóm chúng tôi bị một nhóm khác nổi lên tranh giành địa bàn. Sau khi thất thế ở bãi vàng, tôi lại lang thang ra Hà Nội kiếm sống mà trong người không có một xu dính túi”, ông Thành ngậm ngùi kể lại.


Những ngày đầu mới bước chân ra Hà Nội, ông Thành lang thang ở khắp các bến tàu, bến xe, ai thuê gì thì làm đấy, miễn là ra tiền và không dính dáng đến pháp luật. Sau mỗi buổi làm việc, ông thường dạt vào các vỉa hè, hay những căn nhà bỏ hoang để ngủ. Được một thời gian, ông Thành chuyển về khu vực cầu Long Biên và bãi giữa sông Hồng tìm nơi tá túc. Cũng tại đây, ông gặp bà Nguyễn Thị Thủy, người phụ nữ đã gắn đó với ông gần nửa cuộc đời. Ông Thành nói vui: “Nó đúng là cái duyên thật, vì lúc đó, chúng tôi đến với nhau đâu phải bởi tình yêu. Chính xác là tôi đã “nhặt” bà ấy về, dần dần thì yêu nhau. Giờ mới có cặp đôi già lênh đênh trên sông nước như thế này chứ”.

Câu chuyện cổ tích với người vợ “nhặt”

Chuyện tình cảm động của lão ông tuổi 80 “nhặt” được vợ  2

Hình ảnh thời ông Thành mới ra bãi giữa sông Hồng sống. Ảnh T.G


Rít một hơi thuốc lào thật sâu, rồi từ từ nhả ra một làn khói trắng đục, vẻ mặt đầy sảng khoái, ông Thành ngâm nga: “Thuốc lào chồng hút vợ say, thằng bé cầm điếu lăn quay ra nhà…”. Rồi ông Thành tiếp lời bằng giọng hơi chùng xuống: “Sống với nhau gần nửa cuộc đời rồi, chúng tôi cũng chưa có với nhau một đứa con nào, đọc thơ cho vui vậy thôi. Giờ muốn có một đứa con để nương tựa lúc già cũng không thể được, chỉ có hai tấm thân già này nương tựa vào nhau thôi”. Đưa ánh mắt buồn buồn nhìn xa xăm ra phía lòng sông, ông Thành kể tiếp về ngày định mệnh đưa ông gặp bà Thủy.


“Tôi vẫn còn nhớ đó là ngày 26/9/1969. Sau khi mang ốc đi bán, trên đường trở về qua ga Long Biên, tôi tình cờ nhìn thấy một người phụ nữ đang lui cui quét gạo rơi ở sân ga. Nhìn thấy hình ảnh đó, trong lòng tôi dấy lên sự thương cảm. Lân la hỏi chuyện, tôi được biết bà tên Thủy, người ở tận Thái Bình. Cuộc sống của bà cũng vất vả, mẹ mất sớm, cha đi lấy vợ hai, bà Thủy phải sống cảnh dì ghẻ con chồng. Nghe vậy, tôi đánh liều hỏi bà ấy: “Hay là bà về ở cùng với tôi”. Khi nghe tôi nói vậy, bà ấy khóc. Đó là giây phút, tôi không bao giờ quên được”, ông Thành cho biết. Đưa cánh tay có hình xăm ngày 26/9/1969 cho chúng tôi xem, ông Thành khoe: “Tôi sợ già sẽ lẫn cẫn không nhớ, nên tôi đã xăm lên tay ngày quan trọng nhất của cuộc đời mình, cái ngày mà chúng tôi trở thành vợ chồng ấy”.


Thấy ông Thành nói vậy, bà Thủy chen ngang vào câu chuyện giữa chúng tôi, bà bảo: “Ngày trước sống với mẹ ghẻ nên tôi bị bà ấy mắng chửi tối ngày. Sau đó, bà ấy còn ép tôi phải lấy một người mà mình không thích. Không thể chấp nhận cuộc sống như vậy, tôi đã bỏ nhà ra Hà Nội. Những ngày đầu, tôi cũng phải lang thang tự kiếm sống như ông Thành, tối đến phải chui vào các toa tàu để ngủ. Cũng may hôm đó, ông trời run rủi cho tôi gặp được ông Thành, nếu không đời tôi cũng chẳng biết sẽ thế nào”. Theo bà Thủy tâm sự, bà về ở với ông Thành đúng theo kiểu “vợ nhặt”, nhưng trong suốt 40 năm ăn ở cùng nhau, bà chưa bao giờ cảm thấy ân hận về quyết định của mình. Rồi bà tếu táo: “Tôi nhớ nhân vật Tràng trong tác phẩm “Vợ nhặt” phải mất một bát bánh đúc mới có được vợ. Nhưng ông Thành nhà tôi có vợ mà chẳng mất một cái gì cả”. Chuyện ông Thành – bà Thủy đúng là chuyện vá víu lại bằng tình, bằng nghĩa của hai cuộc đời bất hạnh. Con cái không có, vốn liếng làm ăn thì lại càng không, ông bà tiếp tục mò cua bắt ốc, nhặt rác mưu sinh. Mấy năm trước, bà Thủy còn khỏe, mắt còn tinh, hai ông bà cùng nhau lặn lội khắp các đường phố ở Hà Nội để kiếm sống. Hai năm trở lại đây, bà Thủy đã bắt đầu yếu đi, lưng đã còng, mắt đã mờ đục nên không cùng ông đồng hành trong cuộc mưu sinh được nữa.


Trời đã về chiều, gió từ sông thổi lên càng lúc càng mạnh hơn. Chúng tôi chia tay ông Thành, bà Thủy mà trong lòng không khỏi âu lo. Không biết đêm nay, gió sông Hồng thổi mạnh liệu ông bà có được ngon giấc. Con thuyền lại tiếp tục chóng chành theo từng đợt sóng, và trên con thuyền ấy là những phận người nổi trôi, phiêu bạt. Không biết đến khi nào gió sông Hồng mới lặng, để cuộc đời của ông Thành, bà Thủy không còn phải lênh đênh theo từng con sóng nữa.  

Trăn trở tuổi xế chiều


Thương vợ đau ốm, ông Thành nhận phần vất vả về mình. Ngày rét cũng như ngày nắng, ông vẫn vào thành phố, bới từng đống rác để kiếm cái ăn qua ngày cho cả hai vợ chồng. Nhọc nhằn là vậy, nhưng trên môi ông Thành lúc nào cũng nở nụ cười đầy hạnh phúc. Ông bảo: “Tôi luôn thấy hạnh phúc. Mỗi ngày đi làm về nhìn thấy bà Thủy ngồi đợi tôi ở mép cửa là mọi mệt nhọc tan biến. Nhưng tôi cũng có một trăn trở, chỉ sợ mai này tôi chết trước thì ai sẽ là người chăm sóc phần đời còn lại cho bà ấy. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn là những người sống tạm bên dòng sông này”.

TUẤN KIỆT (Gia đình)