Phía sau những vụ vỡ nợ

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 05:56, 25/03/2014

Những năm gần đây "cơn lốc" vỡ nợ đã quét qua nhiều địa phương, làm nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng.




Bà Nguyễn Thị Nhàn cùng nhiều người dân ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) lo lắng trước nguy cơ
không lấy lại được số tiền đã cho bà Nguyễn Thị Hòa ở cùng phường vay


Đại gia cũng "chết"

Nhiều người dân thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) cho rằng nơi này đã nghèo đi mất mấy phần vì ảnh hưởng từ những vụ vỡ nợ. Chị Nguyễn Thị H. một nạn nhân của vỡ nợ ước tính, vài năm gần đây, chỉ riêng 2 khu dân cư số 5 và số 6, người dân đã thiệt hại gần 20 tỷ đồng do các vụ vỡ nợ. Riêng gia đình chị H. đã kiệt quệ với món nợ trên 5 tỷ đồng. Vào thời điểm năm 2007, gia đình chị H. được coi là một "đại gia" ở khu vực này với 4 đầu xe ô-tô tải chuyên chở vật liệu xây dựng, 1 cửa hàng tạp hóa với số vốn vài trăm triệu đồng. Kinh tế khá giả, có chút vốn dư, chị H. đem cho một người bạn thân vay để lấy lãi. Chị H. không rút lãi về mà hằng tháng gộp luôn lãi vào gốc để tăng thêm tiền cho vay. Thấy bạn có vẻ làm ăn lớn, không những dốc vốn cho bạn mượn, chị H. còn giấu chồng con, huy động người thân, bạn bè, hàng xóm cho bạn vay với mức lãi cao hơn lãi suất ngân hàng. Tin lời bạn hứa sẽ thanh toán toàn bộ gốc, lãi nên hằng tháng, chị đứng ra trả lãi cho các chủ nợ. Năm 2009, khi không còn khả năng trả lãi cho những món tiền vay, chị H. "vỡ nợ" trước cả người bạn. Với số tiền vay trên 5 tỷ đồng, gia đình chị H. đã hoàn toàn trắng tay, "sống dở, chết dở" vì không thể "xoay" ra tiền để trả mọi người, tài sản, vốn liếng đều "không cánh mà bay". Từ một ông chủ, chồng chị H. đang phải đi lái xe thuê. Chị H. thì hằng ngày đóng gạch ba banh để kiếm tiền nuôi 2 con ăn học. Căn nhà gia đình chị ở cũng đang thế chấp vào ngân hàng. Dù được "con nợ" gán cho 2 miếng đất, chị H. cũng vẫn đang còn nợ tới 3 tỷ đồng.

Cũng như chị H., chị Lê Thị L. ở khu 6, thị trấn Phú Thứ đã mất hết đất, nhà và vốn liếng vì huy động hơn 600 triệu đồng cho người cháu ruột vay. Vì tin cháu, chị L. đứng ra bảo lãnh cho cháu vay của 3 người trong họ, của bạn bè mà không có giấy tờ, sổ sách. Khi người cháu không có khả năng thanh toán, chị L. phải lần lượt bán nhà, bán đất để trang trải từng món nợ. Cả nhà chị với 2 con đang tuổi đi học phải về ở nhờ nhà người anh trai. Không còn vốn để kinh doanh, chị L. hằng ngày nấu cháo mang ra chợ bán để lấy tiền sinh sống. 4 năm sau khi vỡ nợ, chị L. hiện vẫn phải "gánh" món nợ lãi hơn 300 triệu đồng.

Trong số gần 160 người dân phản ánh việc đã gửi hoặc cho bà Nguyễn Thị Hòa (ở phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương) vay với tổng số hơn 17 tỷ đồng nhưng có nguy cơ không lấy lại được, có rất nhiều gia đình đã khó khăn càng trở nên khốn khó vì mất sạch vốn liếng. Điển hình như bà Nguyễn Thị Nhàn (ở khu 3) đã dồn toàn bộ hơn 240 triệu đồng cho bà Hòa vay với mức lãi suất được hứa cao gấp rưỡi đến gấp đôi lãi suất huy động vốn của các ngân hàng. Thấy bà Hòa có "mác" là đại biểu HĐND phường, làm ăn lớn, lại có nhiều bà con, chị em trong phường cùng gửi nên bà Nhàn tin tưởng đem gửi để mong có thêm chút tiền lãi nuôi 4 đứa cháu ăn học. Đây là số tiền do bán ruộng và tích cóp cả đời bà mới có được. Khi nghe tin bà Hòa không còn khả năng thanh toán, bà Nhàn phát ốm. Tết Nguyên đán vừa qua, UBND phường Cẩm Thượng phải hỗ trợ đột xuất thì bà cháu bà mới có Tết. Đến nay, bà Nhàn và hàng loạt gia đình khác vẫn chưa thể đòi được tiền mặc dù giấy tờ biên nhận với bà Hòa vẫn được giữ cẩn thận.

Khó xử lý

Mặc dù những vụ vỡ nợ liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhưng vẫn có rất nhiều người, nhiều gia đình tham gia vào những đường dây vay mượn, huy động vốn kiểu này và phải gánh những hậu quả nghiêm trọng. Trên thực tế, ngoài số ít vụ việc có nguyên nhân là do người cho vay nhẹ dạ, cả tin, bị lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt vốn thì hầu hết người cho vay đều xuất phát từ việc tham lãi suất cao gấp nhiều lần mức lãi suất của ngân hàng.

Ông Đoàn Minh, Chánh án Tòa Dân sự, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh cho biết: Mặc dù số vụ vỡ nợ trên địa bàn tỉnh những năm gần đây khá nhiều, nhiều vụ có tổng số tiền, người tham gia lớn, nhưng từ tháng 10-2013 đến nay, TAND tỉnh cũng mới chỉ thụ lý, xét xử 2 vụ án liên quan đến đòi nợ giữa cá nhân và cá nhân. Nguyên nhân chính là do hầu hết các vụ việc vay nợ chỉ là hình thức tín chấp dân sự, không có đủ giấy tờ, chứng cứ pháp lý để đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật. Theo ông Minh, dù đã được xét xử, nhưng việc thi hành án đối với loại án đòi nợ thường cũng rất khó.

Hầu hết các vụ việc huy động vốn, cho vay lãi đều có sự thỏa thuận giữa hai bên, nhưng trên giấy tờ thường không thể hiện mức lãi, hoặc mức lãi chỉ cao hơn một chút so với mức lãi suất huy động của ngân hàng. Trong khi đó, theo quy định tại điều 476 Bộ luật Dân sự hiện hành thì lãi suất vay do các bên thoả thuận vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng mới là vi phạm pháp luật. Điều 163 Bộ luật Hình sự cũng quy định, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, quẫn bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Do đó, việc xử lý các vụ việc vay nợ thỏa thuận theo Bộ luật Hình sự rất khó vì hầu hết chưa tới mức có thể khép vào tội cho vay nặng lãi. Vì vậy, trong khi nhiều con nợ vẫn ngang nhiên, nhởn nhơ sống bằng tiền vay nợ, thì không ít "chủ nợ" bất lực vì không thể đòi tiền và cũng không thể nhờ pháp luật can thiệp vì không đủ căn cứ, chứng cớ.

Theo lời khuyên của ông Đoàn Minh, để bảo đảm tín chấp dân sự chặt chẽ, người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến việc cho vay tiền, đặc biệt, cần đề phòng với những lời mời cho vay với mức lãi suất cao, vay "nóng", vay số tiền lớn để đầu tư các dự án... Khi giao dịch tín chấp cần thiết lập các hợp đồng, giấy tờ biên nhận hợp lệ, hợp pháp để có thể  đủ căn cứ tiến hành xử lý pháp luật  thuận lợi khi phát sinh những bất đồng trong giao dịch.

HẢI LINH