Người khơi nguồn cho báo chí cách mạng Hải Dương
Tin tức - Ngày đăng : 02:15, 31/03/2014
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cho ra đời báo Công Nông, tờ báo cách mạng đầu tiên ở Hải Dương. Đây cũng là tờ báo tiền thân của báo Hải Dương ngày nay...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển trao Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng
lần thứ ba cho các tác giả. Ảnh: Thành Chung
Tờ báo cách mạng đầu tiên
Theo các tài liệu lịch sử, đầu năm 1933, sau khi vượt ngục thành công, đồng chí Nguyễn Lương Bằng về xã Phạm Kha (Thanh Miện), rồi sau đó sang ấp Dọn, xã Thái Dương (Bình Giang) hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng. Chính tại ấp Dọn, giữa năm 1933, đồng chí cho xuất bản tờ báo Công Nông để truyền bá tinh thần yêu nước, kêu gọi quần chúng đứng lên làm cách mạng, cũng là để liên hệ với tổ chức của Đảng, nêu lên nỗi thống khổ, vạch trần tội ác của bọn thực dân Pháp và quan lại phong kiến. Trong hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Lương Bằng kể: “Ở ấp Dọn một thời gian, tôi đã xây dựng được cơ sở, ra báo Công Nông. Báo này do tôi tự viết, tự in và gửi đi nhiều nơi, để giáo dục trấn tĩnh những ai đã tham gia cách mạng, gặp tình thế khó khăn, sinh ra bi quan, tiêu cực. Tôi cũng đã gửi về Hải Phòng mấy số, anh em rất hoan nghênh, nhiều người gửi tiền về ủng hộ...”.
Theo bài viết của ông Nguyễn Thế Trường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi tỉnh về đồng chí Nguyễn Lương Bằng và báo Công Nông đăng trên báo Hải Hưng ngày 17-6-1995, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã nhờ một thanh niên ở ấp Dọn lên chợ Sặt mua giấy, mực và thạch để in báo, và nhà của người thanh niên ấy trở thành nơi ra đời tờ báo. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng thường ngồi trên phản gỗ, lấy cái tráp làm bàn viết. Thạch được nấu bằng nồi đất, nấu xong lại đổ luôn vào cái nắp tráp làm bàn in. Các bài báo được viết cả bằng văn xuôi và văn vần. Báo in xong được phát tán đi ngay, ngoài Hải Dương, báo còn được chuyển đến các địa bàn khác ở miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên...
Cuối năm 1933, thực dân Pháp khủng bố ráo riết. Trong khi đi tìm liên lạc với cơ sở của Trung ương ở Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bị địch bắt. Báo Công Nông ngừng hoạt động. Tuy chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, song báo Công Nông đã phần nào đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng tại Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên... Tờ báo đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, về chủ nghĩa Mác - Lê nin, đồng thời liên kết những thanh niên tiến bộ với nhau, thúc đẩy phong trào phát triển. Báo Công Nông cũng ghi một dấu mốc quan trọng, mở đầu cho báo chí cách mạng Hải Dương.
Nối tiếp dòng chảy
Tại tỉnh ta, sau năm 1945, báo chí của Đảng càng phát triển mạnh mẽ. Cùng với việc phát hành sâu rộng các báo và tạp chí của Trung ương, của khu 3, đầu năm 1946, Tỉnh ủy Hải Dương ra tuần san Hải Dương, phát hành 500 bản mỗi kỳ. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Tỉnh bộ Việt Minh Hải Dương ra báo Khói lửa, thể hiện quyết tâm kháng chiến, tiếp đó Đảng bộ tỉnh ra tờ nội san Quyết thắng để cổ vũ tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta. Ngoài ra, còn có tờ Tiếng gọi của Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, tờ nội san Tin tưởng của Ty Thông tin; báo Thanh niên của Đoàn Thanh niên cứu quốc; báo Xung phong của thiếu nhi huyện Ninh Giang. Các tờ báo được in ấn rất thô sơ như in trên đất thó, in trên đá nhưng vẫn được xuất bản đều đặn, phát hành rộng khắp trong tỉnh. Năm 1948, các tờ Khói lửa và Xung phong đã được Bác Hồ gửi thư khen.
Sau khi hòa bình lập lại năm 1954 đến trước ngày 1-12-1961, tỉnh ta có tờ Tin Hải Dương, là cơ quan thông tin của tỉnh, làm nhiệm vụ truyền đạt các chủ trương công tác của tỉnh, đồng thời phản ánh mọi mặt hoạt động của nhân dân... Các đoàn thể của tỉnh còn xuất bản tạp chí, tập san, bản tin chuyên ngành. Song song với báo viết, hệ thống phát thanh tỉnh cũng nhanh chóng trưởng thành. Ngoài máy thu và vài chiếc loa nén ở thị xã Hải Dương, thị trấn Ninh Giang làm nhiệm vụ tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam, những năm 1954-1956, hầu khắp các làng, xã trong tỉnh đều duy trì loa tay, chòi phát thanh. Năm 1957, Đài Truyền thanh đầu tiên của tỉnh được thành lập tại thị xã Hải Dương. Sau đó, Đài Truyền thanh tỉnh kéo dài hệ thống đường dây và hệ thống loa tới nhiều huyện, một số huyện bước đầu xây dựng được trạm máy truyền thanh riêng...
Một mốc quan trọng của báo chí cách mạng Hải Dương là ngày 1-12-1961, tờ Hải Dương mới (nay là báo Hải Dương) ra đời. Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, là công cụ giúp Tỉnh ủy chỉ đạo công tác.
Đến nay, báo chí của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Báo Hải Dương, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh đã phát hành hằng ngày với các ấn phẩm: Hải Dương thời sự, Hải Dương cuối tuần, Hải Dương hằng tháng và Hải Dương online. Số lượng phát hành đạt hơn 10 nghìn bản/kỳ. Báo Hải Dương online ngoài liên tục cập nhật tin tức trong và ngoài tỉnh, còn sản xuất các video clip về những vấn đề thời sự nổi bật, những vấn đề được dư luận quan tâm, lượng truy cập đạt cao. Hệ thống phát thanh, truyền hình toàn tỉnh phát triển với 1 Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, 12 đài phát thanh cấp huyện và 265 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh còn có 9 tờ tạp chí, đặc san và hàng chục bản tin, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, đoàn thể...
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn coi báo chí là phương tiện hữu ích tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia các phong trào cách mạng. Mỗi tờ báo do đồng chí xuất bản hoặc tham gia làm có một cách thể hiện riêng phù hợp với đối tượng tuyên truyền, kết hợp nhiều thể loại như xã luận, thơ ca, hò vè… Học tập phong cách làm báo của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, báo chí của tỉnh luôn thể hiện vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung, hình thức thể hiện. Báo chí của tỉnh còn là cầu nối thông tin giữa Đảng với dân, góp phần cổ vũ các phong trào thi đua cách mạng, phát hiện và biểu dương các điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực, phê phán những biểu hiện tiêu cực, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng.
Để ghi nhớ công lao người xuất bản tờ báo cách mạng đầu tiên ở tỉnh, năm 2000, UBND tỉnh quyết định lập giải thưởng báo chí mang tên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Giải tổ chức 5 năm một lần, có ý nghĩa lớn đối với đội ngũ những người làm báo tỉnh Hải Dương. Qua đây, các nhà báo tiếp tục học tập tấm gương cách mạng kiên cường, liêm khiết, chí công vô tư của đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong hình thành tác phong, quan điểm báo chí cách mạng. Giải thưởng đã tạo ra một phong trào thi đua trong giới báo chí tỉnh nhà, tập hợp được nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc.
Hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đội ngũ những người làm báo Hải Dương lại về dâng hương tưởng niệm nhà cách mạng, nhà báo tiền bối Nguyễn Lương Bằng tại Nhà tưởng niệm của đồng chí ở thôn Đông, xã Thanh Tùng (Thanh Miện), để tri ân người đã xuất bản tờ báo cách mạng đầu tiên ở tỉnh ta. Cùng với khu nhà tưởng niệm, ấp Dọn cũng là một “địa chỉ đỏ” của những người làm báo Hải Dương.
PV