Liên kết làm giàu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:32, 02/04/2014
Mạnh dạn dấn thân, nhiều thanh niên nông thôn đã liên kết để phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho những người khác...
Nhờ liên kết đầu tư máy nông nghiệp, mỗi thanh niên của nhóm anh Phạm Văn Pho thu lãi
từ 80-100 triệu đồng mỗi năm
Nhiều mô hình hiệu quả
Thời gian qua, Huyện đoàn Gia Lộc đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế nhằm thu hút TNNT tham gia như mô hình “Thanh niên thâm canh thủy sản tập trung”, “Thanh niên làm kinh tế giỏi”. Qua đó đã tập hợp đông đảo thanh niên tham gia, tạo cho họ môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, nhân lên những điển hình trong phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi. Anh Phạm Văn Pho ở thôn Vô Lượng (xã Thống Nhất) là một trong những thanh niên làm kinh tế giỏi. Tuổi đời chưa tới 30, nhưng từ năm 2012, anh đã mạnh dạn đứng lên vận động một số thanh niên trong thôn góp vốn thành lập mô hình liên kết “Đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp”. Những ngày đầu thành lập, mô hình gặp vô vàn khó khăn. Song với vai trò “nhạc trưởng” anh Pho đã động viên mọi người cùng tìm cách tháo gỡ. Được sự giúp đỡ của Đoàn xã, anh và 2 thành viên khác được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua một chiếc máy gặt đập liên hợp. Qua vụ đầu nhận thấy nhu cầu thuê máy móc của bà con ngày càng tăng, năm 2013, anh cùng mọi người đầu tư thêm một chiếc máy gặt và hai máy cày. Nhờ luôn đúng lịch hẹn nên anh không chỉ ký được nhiều hợp đồng làm đất, thu hoạch lúa cho nông dân trong xã mà còn nhiều xã lân cận khác. Với mô hình này, hiện nay anh Pho đang tập hợp được 3 TNNT tham gia, vào cao điểm mùa vụ, anh thường thuê thêm từ 6 - 8 lao động, hầu hết đều là thanh niên. Năm 2013, mỗi người trong nhóm tham gia mô hình của anh Pho thu lãi từ 80 - 90 triệu đồng. Vụ đông năm 2013, nhóm anh Pho còn thuê, mượn 2 ha đất để trồng cây vụ đông, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo anh Pho, mô hình mới chỉ tạo việc làm cho mọi người theo mùa vụ. Vì vậy, để tạo việc làm thường xuyên, bền vững cho TNNT, hiện anh cùng cả nhóm đang tìm hiểu để đầu tư trồng nấm sạch và phát triển một số dịch vụ phục vụ nông nghiệp khác.
Trong những năm qua, các cấp bộ đoàn huyện Nam Sách luôn quan tâm phát triển, mở rộng các mô hình, câu lạc bộ (CLB) thanh niên làm kinh tế giỏi. Anh Nguyễn Minh Tuyên ở thôn Ngô Đông (xã Nam Hưng) là một trong những thanh niên đi đầu tham gia CLB thanh niên làm kinh tế giỏi. Hiện tại, gia đình anh đang tạo việc làm cho từ 15 - 18 TNNT, mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng. Anh Tuyên cho biết: Là địa phương có nghề mộc truyền thống, toàn thôn có gần 100 gia đình làm nghề, trong đó gia đình thanh niên chiếm phần lớn. Trước đây, các gia đình không liên kết sản xuất, mỗi gia đình một kiểu dáng, mẫu mã, mạnh ai nấy làm. Năm 2008, sau khi Ban Chấp hành Đoàn xã triển khai kế hoạch xây dựng mô hình CLB thanh niên làm kinh tế giỏi, tôi cũng như nhiều thanh niên đã mạnh dạn tham gia. Hiện nay, CLB thôn Ngô Đông đã thu hút khoảng 20 gia đình trẻ tham gia, mỗi gia đình trung bình tạo việc làm cho từ 8 - 10 lao động, đều là thanh niên địa phương. Hằng tháng, hằng quý CLB đều tổ chức giao lưu, gặp mặt chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, động viên, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Hiện nay, 100% số hội viên trong CLB đều sản xuất, kinh doanh có lãi, nhiều hội viên thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ngoài những mô hình thanh niên làm dịch vụ, thanh niên sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, thì các mô hình thanh niên phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi thủy sản cũng đang được nhiều thanh niên khu vực nông thôn thực hiện. Với mô hình chăn nuôi gà đồi, nuôn lợn thịt theo hướng công nghiệp trên diện tích gần 3.000 m2 và kinh doanh thuốc thú y, từ năm 2010 đến nay, anh Phạm Danh Đạo, hội viên CLB thanh niên phát triển kinh tế trang trại phường Văn An (Chí Linh) đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 TNNT với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm doanh thu của gia đình anh đạt từ 700 - 800 triệu đồng, trừ chi phí anh thu lãi khoảng 250 triệu đồng...
Cơ sở của anh Đoàn Đức Chương ở thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) đầu tư máy nghiền nguyên liệu làm hương, tạo việc làm cho 3 lao động, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp sản xuất được 90 đến 120 tấn sản phẩm cung cấp cho thị trường phía Bắc, doanh thu từ 4 đến 5 tỷ đồng. Ảnh: Thành chung
Thông qua các mô hình sinh động đã tập hợp, thu hút đông đảo thanh niên tham gia, qua đó tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho TNNT. Có được điều đó, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên bằng nhiều hình thức: cho vay vốn khởi nghiệp với lãi suất ưu đãi, hướng nghiệp, dạy nghề miễn phí, giới thiệu việc làm, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho TNNT có cơ hội học tập nâng cao trình độ, tay nghề...
Đồng chí Sái Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 110 nghìn TNNT, chiếm khoảng 50% số thanh niên toàn tỉnh, phần đông không có chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, quan tâm dạy nghề, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho TNNT luôn được các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh quan tâm. Đặc biệt, công tác vận động các nguồn lực xã hội chăm lo, giúp đỡ TNNT được Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh coi là nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã nỗ lực khai thác, hỗ trợ vay vốn, tổ chức ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm, đáp ứng nhu cầu của hàng nghìn đoàn viên, thanh niên khu vực nông thôn. Tỉnh đoàn đã triển khai nhiều giải pháp khai thác các nguồn vốn cho thanh niên vay từ Quỹ "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" của Trung ương Đoàn, nguồn vốn vay ưu đãi dành cho thanh niên phát triển kinh tế; giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội... Các tổ chức đoàn, hội thanh niên luôn chủ động hỗ trợ TNNT lập dự án, phương án sản xuất, chăn nuôi, giải ngân nhanh chóng các món vay; thường xuyên tập huấn cho thanh niên và cán bộ phụ trách công tác vốn nhằm nâng cao hiểu biết đối với các vấn đề liên quan đến kinh tế; hướng dẫn việc thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, trao đổi, góp ý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng nguồn vốn... Thông qua hình thức ủy thác, đến nay các cấp bộ đoàn đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập được hơn 400 tổ vay vốn cho gần 11.000 thanh niên vay, với tổng dư nợ đạt gần 180 tỷ đồng. Ngoài nguồn vay tín chấp với ngân hàng, các hộ thanh niên còn được vay vốn giải quyết việc làm theo kênh của Trung ương Đoàn. Hằng năm, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh phối hợp tổ chức từ 120 - 130 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất mới cho 7.000 - 8.000 đoàn viên, thanh niên. Từ các hoạt động và mô hình thiết thực này đã tạo việc làm cho hàng nghìn TNNT, giúp họ tăng thu nhập, có việc làm, thu nhập ổn định.
NGÂN HÀ