Người chiến sĩ cách mạng kiệt xuất
Tin tức - Ngày đăng : 09:24, 02/04/2014
Trên cương vị Phó Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng dành nhiều thời gian đi xuống nhà máy, công trường, hợp tác xã nông nghiệp... để nắm tình hình thực tế sản xuất và đời sống của nhân dân. Trong ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng thăm Nam Định năm 1972 |
Cách đây 110 năm, ngày 2-4-1904, làng Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm (nay là thôn Đông, xã Thanh Tùng, Thanh Miện) chào đón một con người mà sau này có hơn nửa thế kỷ cuộc đời dành cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một tấm gương mẫu mực về tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đó chính là Anh Cả, Sao Đỏ - Nguyễn Lương Bằng.
Sớm giác ngộ cách mạng
Là con trai út trong một gia đình nhà nho nghèo có 4 chị em, từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Lương Bằng đã được cha dạy chữ và được cho đi học. 13 tuổi, cha mất, việc học bị dang dở nhưng những kiến thức học được đã giúp Nguyễn Lương Bằng hiểu ra rằng, chỉ có tri thức mới có thể giúp con người thay đổi cuộc đời mình. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ, cuộc sống của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân phong kiến cực khổ, lại được nghe ông, bà và cha kể về những tấm gương yêu nước, trung liệt của các bậc tiền bối: Tán Thuật, Đốc Tít, Phó Thủy, tấm gương hy sinh đầy khí tiết của Hoàng Diệu..., nên ý thức căm thù giặc Pháp đã sớm nhen lên trong ông. 17 tuổi, Nguyễn Lương Bằng rời quê ra Hải Phòng tìm việc làm. Sau nhiều tháng vất vả tìm kiếm, cuối cùng ông cũng được giới thiệu làm phụ bếp cho một khách sạn, rồi làm bồi bếp cho một gia đình người Pháp, một gia đình buôn vải người Ấn Độ ở Hải Phòng... Trong những ngày lao động vất vả đó, chứng kiến chính bản thân mình bị người Pháp rẻ rúng, khinh miệt, ông luôn trăn trở với câu hỏi làm thế nào, bằng cách nào để chống lại Pháp, buộc Pháp phải tôn trọng dân mình. Và ông nhận ra rằng, cần phải học tiếng Pháp, không phải chỉ để kiếm được việc làm mà còn để hiểu họ, hiểu văn hóa Pháp và hiểu vì sao họ lại coi thường dân ta. Cô Nguyễn Tường Vân, con gái của đồng chí Nguyễn Lương Bằng kể rằng, đầu tiên ông tự mua sách dạy tiếng Pháp về học. Nhưng vì chưa hiểu hết, nên lại mua thêm sách văn phạm về nghiên cứu, rồi dành dụm tiền công lao động của mình tìm thầy, tìm lớp học. Nhà chủ không cho dùng đèn điện hay đèn dầu, thì ông ra chân cột đèn gần nhà, nhờ ánh sáng của ngọn đèn đường để học. Với vốn ngoại ngữ ấy, mùa hè năm 1925, nhờ sự giúp đỡ của người bạn, ông xuống làm ở tàu Căng-tông (Quảng Châu), rời Hải Phòng đi Hồng Kông với hy vọng tìm việc làm và khám phá những điều mới lạ.
Chính tại Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Qua giới thiệu của đồng chí Hồ Tùng Mậu, với nhiệt tình cách mạng và lòng yêu nước của mình, ông gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội). Nguyễn Lương Bằng khi ấy 21 tuổi và là thành viên thứ 6 của tổ chức này. Đây cũng là lúc ông được tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin qua các bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hiểu rõ thế nào là cách mạng, cách mạng giải phóng dân tộc; lực lượng tham gia cách mạng...
Kiên cường đấu tranh
Tháng 6-1926, đồng chí Nguyễn Lương Bằng tình nguyện xin về nước hoạt động cách mạng, thực hiện nhiệm vụ mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao là truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, giác ngộ tinh thần cách mạng của quần chúng để gây dựng cơ sở trong nhân dân, gieo mầm xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ cụ thể là tổ chức thiết lập đường dây liên lạc đường thủy giữa Hải Phòng - Hồng Kông - Quảng Châu để đưa thanh niên trong nước ra nước ngoài và chuyển tài liệu sách báo ở nước ngoài về. Báo Thanh niên và cuốn Đường Kách mệnh là những tài liệu bí mật được đồng chí đem về nước và được phân phát cho nhiều đồng chí đang hoạt động ở các nơi, trong đó có tỉnh nhà. Hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin của đồng chí Nguyễn Lương Bằng và một số đồng chí trong Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam đã có tác dụng tích cực, góp phần thành lập các tổ chức quần chúng có tính chất cách mạng như: Hội Tương tế, Hội Ái hữu, Nông hội, Công hội ở nhiều nơi, trong đó có tỉnh Hải Dương. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng, một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 10-1929. Khi 3 tổ chức này hợp nhất, ông thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng ta.
Tuy nhiên đây cũng là quãng thời gian hoạt động đầy cam go, thử thách của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, với nhiều lần bị địch bắt, hơn 10 năm ngồi tù. Nhưng ở đâu, lúc nào, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng thể hiện chí khí của một chiến sĩ cộng sản kiên trung, không nản chí, lùi bước trước khó khăn, không bị khuất phục bởi đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù; tranh thủ mọi cơ hội để tuyên truyền cách mạng, gây dựng cơ sở trong nhân dân. Khi bị giam trong nhà tù ở Hải Dương, đồng chí đã bí mật vận động anh em trong tù đấu tranh. Trong những ngày bị giam giữ ở nhà tù Hỏa Lò, đồng chí là một trong những người hăng hái vận động thành lập chi bộ Đảng trong nhà tù, được anh em tín nhiệm bầu làm đại diện trong các cuộc đấu tranh đòi cải thiện nhà tù. Từ những phong trào đấu tranh này, buộc bọn cai ngục phải nhượng bộ phần nào như: bỏ cùm, bỏ xích, cấp chăn, chiếu, bát đũa cho tù nhân... Trong giai đoạn đấu tranh quyết liệt này, đồng chí được anh em trong tù đặt cho bí danh "Sao Đỏ" (Người tù đỏ). Lúc bị đày đến Nhà tù Sơn La, một trong những nơi được coi là địa ngục trần gian, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn là người đi đầu cùng anh em tổ chức các cuộc đấu tranh chống lại bọn cai ngục, giữ vững khí tiết người cộng sản. Đồng chí luôn nêu cao tinh thần hy sinh, bất khuất trước kẻ thù, luôn sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho đồng chí, anh em. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cùng một số đồng chí khác tổ chức thành lập Chi bộ Nhà tù Sơn La, đảm nhiệm vai trò bí thư chi bộ lâm thời năm 1940. Chi bộ đã lãnh đạo anh em đấu tranh, bảo đảm đời sống và học tập, đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đấu tranh của tù chính trị ở Sơn La.
Cống hiến không mệt mỏi
Lần thứ 2 vượt ngục thành công, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bắt được liên lạc với Trung ương Đảng, được phân công phụ trách công tác tài chính và công tác binh vận. Từ cuối năm 1943 cho đến năm 1945, với những đề xuất sáng tạo, phương pháp làm việc khoa học, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tích cực đóng góp cho các hoạt động hướng tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 . Đề xuất Thường vụ Trung ương Đảng cho chủ trương phát hành tín phiếu, tiền tín phiếu để lấy kinh phí hoạt động cho Đảng là cách làm mới, sáng tạo và hiệu quả của đồng chí Nguyễn Lương Bằng khi đảm nhiệm vai trò là Tổng trưởng tài chính của Tổng bộ Việt Minh đã góp phần giúp tài chính của Đảng ngày một dồi dào hơn, tạo điều kiện phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ cách mạng.
Năm 1945 tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào đã bầu đồng chí vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng toàn quốc. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là đại diện của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh cùng một số đồng chí khác vào Huế tịch thu ấn tín của vua Bảo Đại Ngày 28-8-1945, Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam đổi thành Chính phủ lâm thời, nghe theo tinh thần đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã xin rút khỏi Ủy ban Thường trực của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam để nhường chỗ cho các nhân sĩ yêu nước còn ở ngoài Mặt trận Việt Minh.
Trong suốt quá trình công tác từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến khi từ trần (tháng 7-1979), đồng chí luôn một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ở nhiều lĩnh vực. Là Tổng giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đồng chí là người đặt nền móng xây dựng tổ chức và hoạt động của ngành ngân hàng. Là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Việt Nam tại Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, đồng chí đã góp phần tích cực vào việc củng cố và phát triển tình hữu nghị anh em và tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô. Trên cương vị là Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng chí luôn xác định rõ nhiệm vụ của ngành, gần gũi khi tiếp dân. Đồng chí cũng là người đặt nền tảng cho nhiều vấn đề lý luận cho công tác kiểm tra của Đảng khi giữ vai trò là Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương. Trong gần 10 năm là Phó Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất, trí dũng song toàn. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tinh thần cao cả, là tấm gương sáng về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tác phong cần cù giản dị. Tâm niệm sống suốt đời của đồng chí là "Làm thì nhìn lên, hưởng thụ thì nhìn xuống" đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cảm phục, các đồng chí kính trọng gọi bằng cái tên thân mật "Anh Cả".
Trương THCS Nguyễn Lương Bằng (thị trấn Thanh Miện) luôn quan tâm giáo dục cho học sinh về tấm gương
sáng ngời của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng
Đối với Đảng bộ và nhân dân Hải Dương, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là niềm tự hào của nhiều thế hệ. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa để tưởng nhớ nhà cách mạng lớn, người con ưu tú của quê hương Hải Dương. Cán bộ, đảng viên trong tỉnh tiếp tục thi đua học tập tấm gương của nhà cách mạng lão thành Nguyễn Lương Bằng, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, phấn đấu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh phát triển toàn diện cả về kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng, xứng với truyền thống của lớp người đi trước.
PV Tự hào có một người lãnh đạo ưu tú PHẠM THẾ DUYỆT Tấm gương sáng đối với cán bộ, công chức, thanh tra viên ngành thanh tra Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là tấm gương sáng, là niềm tự hào của nhân dân Hải Dương nói chung và cán bộ, công chức, thanh tra viên ngành thanh tra tỉnh Hải Dương nói riêng. Trong hơn 9 năm làm Tổng Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1956 - 1961) và Tổng Thanh tra của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (1961 - 1965), đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã dành nhiều thời gian để tiếp dân. Với tác phong cởi mở, chân tình, giản dị, đồng chí lắng nghe ý kiến của nhân dân. Đồng chí thường xuyên coi trọng việc đi cơ sở. Với những đơn thư khiếu tố của đảng viên, quần chúng nhân dân gửi đến, đồng chí luôn cử người đến tận nơi để xác minh sự việc, thậm chí đồng chí trực tiếp kiểm tra, xác minh lại... NGUYỄN THỊ OANH - Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Thấm nhuần phẩm chất quan trọng của người làm công tác kiểm tra Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã từng đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa III đến khóa IV (1960-1976). Đồng chí đã góp phần đặt nền tảng cho những vấn đề lý luận về công tác kiểm tra của Đảng trong thời kỳ cách mạng mới như: chỉ rõ vị trí, vai trò, nguyên tắc, phương châm, quy trình, nội dung, chức năng, nhiệm vụ của công tác kiểm tra; đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác kiểm tra. Những vấn đề đó đến nay vẫn có ý nghĩa to lớn đối với việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Bản thân đồng chí Nguyễn Lương Bằng, dù ở cương vị nào vẫn luôn là tấm gương mẫu mực về tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một trong những phẩm chất rất quan trọng của người làm công tác kiểm tra. ĐOÀN ĐÌNH TUYẾN - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Cẩm Giàng
Là người con quê hương Hải Dương, từ nhỏ đã được nghe kể về đồng chí Sao Đỏ -Nguyễn Lương Bằng, tôi luôn tự hào mảnh đất Hải Dương đã có một người lãnh đạo ưu tú như thế. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng không chỉ là một nhà cách mạng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, có nhiều đóng góp lớn cho Đảng, mà còn là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng - tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau, ở cương vị nào, đồng chí cũng nêu cao tinh thần đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống giản dị. Bản thân tôi trong suốt quá trình công tác cũng như khi đã nghỉ hưu vẫn luôn cố gắng học tập tinh thần ấy của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Trước đây có dịp ở gần nhà cũ của đồng chí, mỗi lần sang chơi, tôi thường được nghe bà Thục Trinh, phu nhân của đồng chí kể lại các câu chuyện về hoạt động, lối sống của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Nhìn phương tiện sinh hoạt của gia đình đồng chí, tôi thấy được việc một con người với lối sống trong sáng, giản dị như thế, được nhân dân cả nước yêu mến như đồng chí là điều dễ hiểu. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng, tôi rất mong cán bộ, đảng viên, nhân dân Hải Dương tiếp tục thi đua học tập tấm gương của nhà cách mạng lão thành Nguyễn Lương Bằng, xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, phấn đấu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh phát triển toàn diện cả về kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng, xứng với truyền thống của lớp người đi trước.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Thường vụ -Thường trực Bộ Chính trị,
nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, cán bộ, công chức, thanh tra viên trong toàn ngành tích cực học tập tấm gương, đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng bằng những việc làm cụ thể. Trước hết là tiếp tục giáo dục cho cán bộ, công chức, thanh tra viên trau dồi phẩm chất đạo đức, nhất là rèn luyện đức tính giản dị, khiêm tốn và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tiếp dân, lắng nghe ý kiến của công dân, giải thích hướng công dân đến đúng nơi và người có thẩm quyền giải quyết, tiếp nhận, phân loại, tham mưu xử lý đơn kịp thời, chính xác; làm tốt công tác tham mưu trong xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là học đức tính cẩn trọng, sâu sát thực tế, xác minh thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, kiểm tra hồ sơ, sổ sách tài liệu, làm việc với người khiếu nại, tố cáo, người bị khiếu nại, tố cáo và kiểm tra hiện trạng thực tế. Tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tăng cường giải thích pháp luật trong quá trình giải quyết; tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo thấu tình đạt lý nhằm chấm dứt khiếu kiện ngay từ cơ sở...
Là cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng, chúng tôi luôn thấm nhuần phương châm “Kiểm tra là để ngăn trước, ngừa sau, trị bệnh cứu người”; để bảo đảm sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, bảo đảm củng cố Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo đảm chấp hành mọi đường lối, chính sách của Đảng như đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã từng đề cập trong các bài viết về vai trò của công tác kiểm tra. Đây cũng là việc làm có ý nghĩa khi Đảng ta đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Noi gương đồng chí Nguyễn Lương Bằng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chúng tôi luôn cố gắng học tập, trau dồi đạo đức, phục tùng sự lãnh đạo của cấp ủy, dựa vào đảng viên và quần chúng để làm tốt công tác kiểm tra của Đảng.