Cơn ác mộng địa chính trị của Mỹ

Bình luận - Ngày đăng : 07:08, 06/04/2014

Sự trỗi dậy của Bắc Kinh cùng với những “thỏa hiệp chiến thuật tiềm năng” với Nga thời gian qua đang rung lên một hồi chuông cảnh báo đối với các chiến lược gia của Mỹ.



Nga - Trung hợp tác là thách thức lớn đối với Mỹ. Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Putin


Trong khi nhiều chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang tìm cách đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine (U-crai-na)/Crimea (Crưm) thì một thách thức lớn và dài hạn đối với cấu trúc an ninh quốc tế lại xuất hiện ở hướng đông, đó là Trung Quốc.

Sự trỗi dậy của Bắc Kinh

Sự trỗi dậy của Bắc Kinh cùng với những “thỏa hiệp chiến thuật tiềm năng” với Nga thời gian qua đang rung lên một hồi chuông cảnh báo đối với các chiến lược gia của Mỹ. Theo chuyên gia Greg R.Lawson (Gri R.Lau-xơn) tại Viện Phân tích địa chiến lược Wikistrat của Australia (Ô-xtrây-li-a, có trụ sở chính tại Mỹ), sự quyết đoán mới của Trung Quốc ở Biển Đông và chiến thuật “lát cắt xúc xích" (lấn dần từng bước) đã khiến những lo ngại trong khu vực ngày càng tăng cao.

Căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản cũng đang leo thang. Với tiền lệ sáp nhập Crimea vào Nga mới đây, trong khi Mỹ phải chú tâm đối phó với cuộc khủng hoảng ở châu Âu sẽ không thể có đủ thời gian quan tâm đến chính sách xoay trục chiến lược sang châu Á, dù không ai nói đến việc Bắc Kinh sẽ theo gương Nga, thì hành động của Moscow (Mát-xcơ-va) không gặp phản ứng mạnh mẽ của Washington (Oa-sinh-tơn) sẽ kích thích các nhà chiến lược Trung Quốc rộn lên với hy vọng một ngày nào đó sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ theo hướng mà Nga vừa làm.

Ông Lawson cho rằng, các hành động của Nga ở Crimea đòi hỏi cần một đối trọng lớn để tránh xảy ra các trường hợp tương tự, nhưng quan trọng hơn, Trung Quốc nên là trọng tâm chính trong mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ.

Thách thức lớn đối với Mỹ

Mặc dù Bắc Kinh và Moscow có một số “rắc rối” trong lịch sử, nhưng “gấu” Nga và “rồng” Trung Quốc dường như đang có chung quan điểm trong một số vấn đề quốc tế quan trọng. Điều này thể hiện qua việc thành lập và mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Bên cạnh đó, Bắc Kinh và Moscow thường có chung cách bỏ phiếu đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nó cũng giải thích tại sao Nga lại đồng ý bán các loại vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc mà cuối cùng có thể được sử dụng như một phần của chiến lược A2/AD của Bắc Kinh.

Tổng thống Nga cũng đã phê chuẩn Hiệp định giữa Chính phủ Nga và Chính phủ Trung Quốc về việc thông báo lẫn nhau về các vụ phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa đẩy. Bên cạnh hợp tác song phương, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga chú trọng tăng cường quan hệ hợp tác với Ấn Ðộ, trong khuôn khổ SCO, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Bra-xin, Nga, Trung Quốc, Ấn Ðộ và Nam Phi), trong G-20 và cơ cấu diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, cũng như thúc đẩy trật tự quốc tế theo hướng công bằng và dân chủ.  Đáp lại, Trung Quốc coi Nga là đối tác chiến lược đáng tin cậy và quan trọng nhất.

Mỹ đang đứng trước sự lựa chọn địa chính trị không hề đơn giản, hoặc tiếp tục gây áp lực với các đồng minh châu Á là Tokyo (Tô-ki-ô) và Seoul (Xơ-un) nhằm tăng cường cô lập Nga sau vụ sáp nhập Crimea hoặc cho phép các đồng minh châu Á của mình dừng lại ở biện pháp trừng phạt mang tính biểu tượng. Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc không làm ăn với Nga, Moscow ắt sẽ nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc rõ ràng sẽ gây khó khăn cho Mỹ và đồng minh trong việc cân bằng cán cân quyền lực, đặc biệt trong bối cảnh tình hình trong nước bấp bênh hiện nay của Mỹ.

CÔNG THUẬN(TTXVN)