Cảm hứng cội nguồn

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 16:01, 09/04/2014

Như nốt nhạc hòa vào âm hưởng bản hùng ca viết về vùng linh thiêng Đất Tổ, bài thơ “Nghĩa Lĩnh lúc

Nghĩa Lĩnh lúc không giờ

NGUYỄN HƯNG HẢI

Ngỡ chim lạc bay về trên những tán chò xanh
Gió xao động một vùng trời cổ tích
Mưa nhè nhẹ đủ cho người thanh lịch
Bước lên đền không phải dùng ô

Bao đôi lứa như ta có mặt lúc không giờ
Trên Nghĩa Lĩnh đầu trần không ướt tóc
Đã nghìn năm những thân chò thẳng tắp
Đứng như người đang đứng trước lư hương
Trong cảm giác không giờ cây lá cũng
thiêng hơn

Bao đôi lứa như ta cùng đứng vái
Bao đôi lứa như ta đầu trần quên đi nhiều khôn dại
Nhớ thêm nhiều nỗi nhớ chẳng gì che
Lúc không giờ bao đôi lứa như ta, như chim lạc bay về cùng lặng lẽ đứng nghe

Tiếng rậm rịch, tiếng thậm thình, tiếng leng keng cộng hưởng
Trong tâm tưởng có cơn mưa trút xuống
Những cây chò nghìn tuổi đứng che ô
Che cho những cánh chim bay lạc đường trời trong tầm tã gió mưa
Không phải lúc không giờ.
Nghĩa Lĩnh lúc không giờ lửa bén chân nhang, ta và em sống lại thời chim Lạc.
Trong tâm tưởng Vua Hùng che cho những lứa đôi.

không giờ” của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải đã nói thay tấm lòng của ngàn vạn người con đất Việt hướng về nguồn cội.


“Nghĩa Lĩnh lúc không giờ” viết về một đề tài lớn: đất nước - nguồn cội, nhưng đề tài lớn ấy được tác giả gửi vào thơ một cách tự nhiên, giản dị, không hề gò ép. Bài thơ có cấu trúc khá linh hoạt, thể hiện mạch suy nghĩ của người viết về một đề tài rộng, đòi hỏi sức ôm chứa lớn. Chính việc lựa chọn một đề tài rộng đã khiến tác giả có sự tập trung cao độ của cảm xúc, sự chọn lọc khắt khe của chi tiết bởi nếu không sẽ không tạo được sự thống nhất, liền mạch trong suy nghĩ, sự vững bền trong kết cấu nội tại chung của bài thơ.

Bắt đầu từ những hình ảnh trong đời sống khá giản dị của tự nhiên “Ngỡ chim lạc bay về trên nhữngtán chò xanh/Gió xao động một vùng trời cổ tích/Mưa nhè nhẹ đủ cho người thanh lịch/Bước lên đền không phải dùng ô”, nhà thơ đã gửi gắm tâm sự, niềm day trở, để từ đó soi chiếu lại những giá trị của đời sống hôm nay. Bằng giọng thơ chiêm nghiệm triết lý của một cây bút chuyên nghiệp, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải đã đặt ra một không gian “đặc biệt” (Trên đỉnh Nghĩa Lĩnh - đỉnh núi thiêng liêng của vùng đất Tổ nơi có đền Thượng uy linh, có lăng mộ Vua Hùng đầy huyền thoại), trong một thời gian “đặc biệt” (lúc không giờ) tạo thành điểm nhấn dẫn người đọc hòa mình giữa quá khứ - hiện tại và tương lai. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, trước sự hiển hiện bởi quá khứ hào sảng của tổ tiên qua hình ảnh “Đã nghìn năm những thân chò thẳng tắp” dẫn dụ con người trở nên thảnh thơi, thoát ra ngoài trần tục “Ta đầu trần quên đi nhiều khôn dại/Nhớ thêm nhiều nỗi nhớ chẳng gì che” để hòa mình vào không gian thiêng liêng ùa về từ quá khứ “Lúc không giờ bao đôi lứa như ta, như chim lạc bay về cùng lặng lẽ đứng nghe”. Quá khứ ấy hiện hữu quanh con người hôm nay bằng những âm thanh, hình ảnh cụ thể, góc cạnh, có màu sắc và dư vị “Tiếng rậm rịch, tiếng thậm thình, tiếng leng keng cộng hưởng/Trong tâm tưởng có con mưa trút xuống/Những cây chò nghìn tuổi đứng che ô”. Lựa chọn lối thơ tự do với những câu thơ dài, ngắn đan xen, những xuống dòng bất chợt, sự vắt dòng đã tạo nên một liên khúc mới thể hiện cảm xúc ào ạt, dâng trào của người viết… Có điều gì như mới mẻ, như cách tân, như say, như ùa vào lồng ngực mỗi người trong nhịp liên tưởng của cả đoàn tàu trở về với cội nguồn dân tộc. Âm hưởng thơ dồn dập mà vẫn giữ sự nhịp nhàng, đón đỡ, gần với âm hưởng thơ truyền thống tạo nhạc điệu rất riêng cho cả bài thơ.

Viết về cội nguồn, nhưng cội nguồn trong “Nghĩa Lĩnh lúc không giờ”  của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải luôn đồng hành với cuộc sống hôm nay: “Nghĩa Lĩnh lúc không giờ lửa bén chân nhang, ta và em sống lại thời chim Lạc/Trong tâm tưởng Vua Hùng che cho những lứa đôi”. Cội nguồn trong bài thơ là cội nguồn tác giả đón nhận từ trải nghiệm, một thứ trải nghiệm thiên về cảm xúc, thiên về sự rung động để chuyển tải tâm tư. Vì thế nó giúp cho con người hiện tại suy ngẫm sâu sa hơn về truyền thống, về những giá trị nhân văn ông cha ngàn đời để lại… từ đó tiếp nối nâng mình lên sống tốt  đẹp hơn.

Tất cả những điều ấy tạo nên nét độc đáo của “Nghĩa Lĩnh lúc không giờ”, tạo dấu ấn của bài thơ đối với độc giả và tạo nên nét đẹp hiện đại trong lối thể hiện riêng của nhà thơ khi viết về đề tài rộng lớn: đề tài về đất nước và nguồn cội nhân dân.

HOÀNG THƯƠNG