Người trồng rau thiệt hại nặng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:08, 12/04/2014

Những ngày qua, mưa kéo dài đã làm một số diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh bị hỏng, gây thiệt hại cho nông dân.



9 sào cà chua vụ đông xuân năm nay của ông Đỗ Quang Viết ở xã Thượng Đạt
(TP Hải Dương) chỉ thu được 2 triệu đồng


Diện bị ảnh hưởng rộng

Vừa dọn ruộng cà chua bị thối, ông Đỗ Quang Viết ở thôn Đông Giàng, xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) vừa buồn rầu: “23 năm kinh nghiệm trồng cà chua của tôi cũng không chống đỡ được với tình trạng mưa kéo dài trong thời gian qua. Mưa liên tục làm cho cây non không ra hoa, chết rũ, cây nào đã đậu quả thì quả lại bị đốm. Cứ ngớt mưa là tôi tranh thủ phun thuốc trừ sâu, bón phân… nhưng ngày hôm sau mưa lại làm trôi hết thuốc. Mưa nhiều khiến lá, ngọn bị thối, dẫn đến thối quả, dù tôi đã cắt hết cả ngọn và lá đi thì những quả còn lại vẫn bị đốm. 9 sào mà đến nay mới thu về được 2 triệu đồng, xót của lắm”.


Toàn bộ 7 ha cà chua vụ đông xuân ở xã Thượng Đạt gần như bị mất trắng

Vườn cà chua của chị Đặng Thị Chinh ở gần đấy cũng trong tình trạng tương tự. “Ruộng cà chua của tôi thối hết, không thu được một quả nào, đến cà chua ăn tôi cũng phải đi mua. Không chỉ nhà tôi, ở xung quanh đây nhiều nhà đều bị mất trắng, chỉ số ít mới được thu hoạch song chất lượng quả cũng kém lắm", chị Chinh nói.

Vụ đông xuân năm nay, xã Thượng Đạt trồng 7 ha cà chua, tập trung chủ yếu ở thôn Đông Giàng. Do trời mưa, khoảng 95% diện tích cà chua không cho thu hoạch. Tính ra, xã bị mất 385 tấn cà chua, tương đương 2,7 tỷ đồng. Đây là vụ cà chua chịu thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay của địa phương.

Không chỉ cà chua, các loại rau, củ, quả khác cũng bị thiệt hại. Do mưa kéo dài đã làm hỏng cả 3 sào cải bắp nên chị Nguyễn Thị Hưởng ở xã Liên Hồng (Gia Lộc), phải phá bỏ để trồng lại cho kịp thời vụ. Chỉ tay ra những hộ xung quanh, chị Hưởng cho biết: "Nhiều gia đình trồng rau cũng trong tình trạng tương tự. Chúng tôi cũng mới chỉ trồng lại, bởi vì thời gian trước cứ mưa liên tục, nếu trồng ngay thì rau cũng không sống được. Tính ra, đợt rau này chúng tôi lỗ tiền giống, phân bón và công chăm sóc".

Ông Vũ Đình Phiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Thời gian qua do mưa phùn kéo dài nên vải sớm bị rụng nhiều quả non. Những trà vải ra hoa gặp nhiệt độ thấp bị rụng nhiều, còn những trà vải ra hoa gặp thời tiết ấm thì tỷ lệ đậu quả chỉ đạt từ 30-50%".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều vườn vải sớm trong tỉnh khi nở hoa gặp mưa phùn kéo dài gần như bị rụng hết quả, đặc biệt là trà vải u trứng. Riêng tại huyện Thanh Hà, tỷ lệ đậu quả ở vải sớm đạt 80% do nông dân thực hiện tốt các biện pháp chống rụng quả. Mưa nhiều cũng làm 1.020 ha vải bị nhiễm bệnh sương mai, chiếm 9% tổng diện tích vải cả tỉnh. Bệnh gây hại với tỷ lệ trung bình từ 7-10%, nơi cao từ 10-15% số cành hoa.

Giá rau tăng

Thời tiết ảnh hưởng đến rau màu, cây trồng và kéo theo tác động tới thị trường. Những người nông dân phải bán với giá rẻ, còn người tiêu dùng thì lại phải mua với giá cao.

Bà Nguyễn Thị Bắc ở thôn Uyên Đức, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) cho biết: Do mưa liên tục từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 4 khiến cây cà rốt bị thối lá, thối củ, nứt. Thương lái cứ vin vào chất lượng cà rốt thấp nên chỉ mua của chúng tôi từ 1.800 - 2.000 đồng/kg. Mọi năm, vào thời điểm cuối vụ, giá cà-rốt tăng lên từ 4.000-5.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi sào chúng tôi chỉ còn lãi từ 1,5-2,5 triệu đồng, giảm nhiều so với năm trước.


Bà Nguyễn Thị Bắc ở thôn Uyên Đức, xã  Cẩm Văn (Cẩm Giàng) nhổ bỏ cà rốt bị nứt thối


Tuy giá bán tại ruộng giảm, nhưng tại một số chợ trên địa bàn TP Hải Dương thời gian gần đây giá các loại rau đều tăng. Hiện nay, rau cải ở chợ Thanh Bình có giá 5.000 đồng/mớ, rau muống 8.000 đồng/mớ, bí xanh 10 nghìn đồng/kg... Nguyên nhân do thời tiết mưa kéo dài làm sản lượng rau giảm.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, bà Vũ Thị Hà, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: "Do mưa phùn kéo dài nên hầu hết các diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng. Để khắc phục tình trạng trên, đối với diện tích bị hỏng toàn bộ, nhân dân cần dọn vệ sinh đồng ruộng để trồng lại. Với diện tích bị hỏng 1 phần, người dân cần tập trung bón các loại phân phù hợp để thúc đẩy cây sinh trưởng, phát triển”.

Năm nào cũng vậy, thời tiết đều ảnh hưởng đến việc trồng rau của người dân và tác động tới thị trường. Song bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là người nông dân vì được mùa thì giá bán thấp và mất mùa thì giá bán cũng không cao.

PV