Khó khăn triền miên

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 04:20, 13/04/2014

Chăn nuôi trong tỉnh liên tiếp gặp khó khăn do cung vượt cầu, giá thức ăn chăn nuôi lại không ngừng tăng lên và dịch bệnh luôn rình rập...



Thị trường tiêu thụ khó khăn, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều người chăn nuôi bị thua lỗ

Chăn nuôi chiếm một phần quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên mấy năm gần đây, người chăn nuôi liên tiếp gặp khó khăn, khiến giá trị ngành chăn nuôi giảm, nhiều người phải dừng chăn nuôi hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.

Liên tục lỗ

Gia đình ông Nguyễn Xuân Chuyển là một trong những hộ chăn nuôi lớn ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng). Lúc cao điểm, ông chuyển nuôi đến 1.000 con vịt đẻ, 2.000 con gà thịt, 25 con lợn nái và hơn trăm con lợn thịt. Ông Chuyển cho biết: "Những năm trước đây, đến Tết, giá các loại thịt gà, thịt lợn thường tăng lên nhưng năm nay thì trái ngược hẳn. Trước Tết, gà ngon tôi mới bán được 45 nghìn đồng/kg nhưng lượng tiêu thụ cũng rất ít, thương lái chọn từng con một. Sau Tết, tôi còn đến gần 1.000 con gà thịt, trọng lượng trung bình gần 3 kg/con. Thời điểm đó, tôi lo lắng vô cùng, vì cứ mỗi ngày hết hơn 1 tạ cám. Đấy là tôi chỉ dám cho ăn cầm chừng, còn nếu cho ăn thoải mái thì còn tốn nữa. Mãi sau này tôi mới bán được lứa gà Tết, giá nào tôi cũng bán vì nếu cứ để thì không có tiền mua thức ăn. Trứng vịt cũng chỉ bán được với giá 1.400 - 1.500 đồng/quả. Lợn thịt cũng trong tình trạng tương tự, giá lợn hơi chỉ dao động từ 42 - 45 nghìn đồng/kg. Tôi cứ tưởng nuôi đón Tết thế nào cũng được lãi nhưng thành ra lại lỗ hơn 50 triệu đồng.  Từ năm 2011 đến nay, nhà tôi hầu như đều bị lỗ hoặc chỉ hòa vốn".

Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong chăn nuôi, anh Bùi Hữu Chót ở thôn Tân Tạo, xã Bình Dân (Kim Thành) cho biết: "Tôi nuôi trên 3.000 con vịt đẻ, trong đó 2.500 con đang cho khai thác. Hiện nay, giá trứng đã được 2.500 đồng/quả, chúng tôi cũng được lãi chút ít, song mức lãi đó không bù nổi những thua lỗ trước đây. Hiện nay, tôi rất lo lắng vì giá gia cầm, trứng bắt đầu nhích lên một chút nên sẽ có nhiều người tái đàn, thời gian tới giá sẽ lại giảm”.

Không chỉ có gia súc, gia cầm, người nuôi thủy sản cũng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Có những lúc, giá cá rô phi chỉ còn 30 - 32 nghìn đồng/kg, cá chép 60 nghìn đồng/kg, cá trắm 55 nghìn đồng/kg. Với giá bán như vậy, người chăn nuôi gần như không được lãi.

Cần cân đối giữa cung và cầu

Tình trạng khó khăn của ngành chăn nuôi đã kéo dài khoảng 3 năm nay. Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Khó khăn của ngành chăn nuôi tỉnh ta không nằm ngoài tình trạng chung của cả nước. Nguyên nhân là do nguồn cung lớn hơn so với nhu cầu của người dân. Lúc cao điểm, tỉnh ta có trên 10 triệu con gia cầm, 57 vạn con lợn, gần 10,5 nghìn con trâu, bò, ngoài ra còn lượng lớn trứng gia cầm thủy sản. Nguồn cung lớn như vậy đã làm cho giá sản phẩm xuống thấp hơn mức chi phí sản xuất. Có thời điểm, giá gà trắng chỉ còn 24 - 25 nghìn đồng/kg, gà lông màu cũng chỉ 38 - 40 nghìn đồng/kg, thịt lợn siêu nạc 45 - 47 nghìn đồng/kg, lợn thường 40 - 42 nghìn đồng/kg... Bên cạnh đó, thời gian qua, dịch cúm gia cầm xuất hiện đã làm cho việc tiêu thụ đã khó lại càng khó khăn hơn. Nhiều nơi gần như đóng băng trong việc xuất bán hoặc có thể bán được nhưng giá rất thấp. Thời tiết diễn biến thất thường cũng làm cho người chăn nuôi lo lắng, phải tốn thêm nhiều tiền bạc và công sức cho việc phòng, chống dịch bệnh”.


Chăn nuôi gặp khó khiến cho nhiều người phải thu hẹp quy mô hoặc ngừng tái đàn


Dự báo thời gian tới, ngành chăn nuôi tỉnh ta vẫn tiếp tục gặp khó khăn vì giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng nhanh hơn so với giá bán gia súc, gia cầm, cộng thêm nguy cơ dịch bệnh... Chính vì thế, để hạn chế tình trạng trên, người chăn nuôi phải tự điều tiết quy mô, nên chủ động giảm số lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm để thu hút người tiêu dùng, cần sản xuất những gì thị trường cần, lấy thị trường làm cơ sở để đầu tư chăn nuôi. Người dân nên từ bỏ tâm lý “bắt chước”, cứ thấy trên thị trường có con gì tiêu thụ nhanh, có giá trị, hoặc thời điểm lễ, Tết là nuôi ồ ạt. Trong chăn nuôi, nên tuân thủ nghiêm túc quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại để hạn chế dịch bệnh, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Hiện nay, tỉnh ta và TP Hà Nội đã ký giao ước về tiêu thụ gia cầm. Chính vì thế, Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ gà đồi Chí Linh cần thực hiện tốt vai trò của mình trong việc bao tiêu sản phẩm cho người dân. Các địa phương thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ người chăn nuôi như hỗ trợ lãi suất khi vay vốn ngân hàng, vắc-xin tiêm phòng, tinh lợn, trâu, bò... để người chăn nuôi giảm bớt khó khăn.

THANH HÀ