Làm giàu từ nghề mộc

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:11, 14/04/2014

Đầu tư nhiều máy móc hiện đại, sản phẩm làm ra đẹp, chất lượng bảo đảm, xưởng mộc của anh Nguyễn Minh Tuấn ngày càng làm ăn phát đạt...



 Xưởng của anh Nguyễn Minh Tuấn đang tạo việc làm cho 12 lao động ở địa phương
 với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng


Ngắm cơ ngơi khang trang của anh Nguyễn Minh Tuấn (sinh năm 1979, ở thôn Văn Hội, xã Văn Hội, Ninh Giang), chúng tôi không khỏi khâm phục bởi từ cửa cho đến sàn, trần, cầu thang, nội thất hay những đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo đều là sản phẩm từ xưởng sản xuất gỗ nội thất của gia đình anh.

Năm 1995, nhận thấy sản xuất nông nghiệp không thể thoát nghèo, anh Tuấn bắt đầu trăn trở tìm hướng đi cho mình. Sau thời gian tham khảo thị trường, nhận thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm nội thất bằng gỗ ngày càng tăng, anh quyết tâm học và làm nghề mộc. Chỉ 6 tháng học nghề, anh đã nắm được những điều cơ bản và bắt đầu làm mộc tại nhà. Lúc đầu, anh nhận làm một số sản phẩm như giường, tủ, bàn ghế, tủ thờ… Ngay ngày đầu khởi nghiệp, anh đã xác định mình phải tập trung vào chất lượng sản phẩm. Từ mẫu mã cho đến chất liệu, anh đều cẩn trọng lựa chọn để sản phẩm hoàn thiện nhất. Các sản phẩm anh làm thường từ chất liệu gỗ quý như lim, dổi, lát, nghiến, chò… Với giá thành hợp lý nên sản phẩm của anh ngày càng được nhân dân quanh vùng tín nhiệm. Năm 2006, anh bắt đầu mở xưởng chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất rộng 100 m2, thuê 4 công nhân. Lúc đó, trong xưởng của anh chỉ có một chiếc máy cưa nhỏ, tất cả công việc còn lại đều làm bằng tay. Để duy trì hoạt động của xưởng, trả lương cho công nhân, hai vợ chồng anh phải vay mượn nhiều nguồn như vay của ngân hàng, nguồn vốn của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã... Ngoài việc chạy đi chạy lại lo nhập gỗ, xẻ gỗ, anh Tuấn tích cực học hỏi để cải tiến mẫu mã của sản phẩm. Cùng với sản xuất đồ nội thất, anh còn sản xuất các đồ thủ công mỹ nghệ. Năm 2013, anh mở rộng diện tích xưởng sản xuất thành 230 m2. Từ 2006 đến nay, mỗi năm anh đều đầu tư thêm máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất: máy cuốn to, máy bào, máy tubi, máy đục, máy xẻ gỗ, máy phun sơn, lò sấy… Hiện nay, sản phẩm gia đình anh sản xuất rất đa dạng: bàn ghế, giường, tủ, sập, hoành phi, câu đối, sàn, trần, đồ thủ công mỹ nghệ… Tiếng lành đồn xa, tuy xưởng sản xuất gỗ nhà anh nằm trong làng, đi lại không mấy thuận tiện nhưng vẫn được nhiều người tìm đến đặt hàng. Khách hàng chủ yếu là các gia đình quanh vùng và từ các tỉnh khác như Hà Nội, Quảng Ninh… Hiện nay, xưởng tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động, thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013, doanh thu từ cơ sở sản xuất của anh Tuấn đạt 3 tỷ đồng, lãi khoảng 300 triệu đồng. Gia đình anh đã được Hội Nông dân tỉnh công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2013.

Dù rất bận rộn với công việc, anh Tuấn vẫn nhiệt tình tham gia các phong trào do địa phương phát động. Anh là cây hài xuất sắc trong đội văn nghệ của thôn Văn Hội. Năm 2013, khi địa phương tu bổ chùa Đại Quang, anh công đức bằng chính công sức của mình. Quyết tâm theo nghề và giữ nghề, anh Nguyễn Minh Tuấn đã làm giàu trên quê hương mình.

VIỆT QUỲNH