Cải tạo giống dâu, tằm

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:32, 16/04/2014

Ở thôn Trần Xá, xã Lạc Long (Kinh Môn), hầu như nhà nào cũng trồng dâu nuôi tằm.



Các hộ nuôi tằm trong tỉnh đều nuôi bằng nong, vừa tốn công chăm sóc, vệ sinh khó khăn mà hiệu quả lại không cao


Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng thôn Trần Xá thì cả thôn có 153 hộ nuôi tằm, quy mô trung bình khoảng 4 vòng/hộ (mỗi vòng tằm nuôi được từ 13 - 14 nong). Mỗi năm, mỗi hộ nuôi được từ 8 - 10 lứa, trung bình mỗi lứa từ 20 - 25 ngày. Trừ giống vốn, khấu hao tài sản, dụng cụ, một lứa tằm, mỗi nhà cũng thu lãi khoảng 3,2 - 4 triệu đồng. Hằng năm, mỗi hộ nuôi tằm thu lãi khoảng 30 - 50 triệu đồng, nuôi tốt có nhà còn đạt hiệu quả gần trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Trần Quốc Sẻ, người có vài chục năm trong nghề nuôi tằm cho biết, trước đây nông dân nuôi tằm thuần, sau đó nhập tằm lai về nuôi vì năng suất tằm lai cao hơn nhiều. Lúc đầu, họ còn nhập tằm Triều Tiên - một loại tằm to con cho năng suất rất cao. Song, loại này chỉ nuôi được ở vụ xuân không nuôi được ở vụ hè. Vì thế, những năm gần đây, họ thay bằng giống tằm lai Trung Quốc (giống tằm trắng và tằm vàng Ngọc Lâm) nuôi được cả vụ xuân và vụ hè. Nhưng nhiều lứa tằm gần đây năng suất không cao (từ 12-15 kg kén/vòng trứng thì nhiều năm gần đây chỉ thu được 8-10 kg/vòng, thậm chí chỉ còn 7 kg/vòng trứng). Nguyên nhân chủ yếu là do tằm nuôi hay bị bệnh, khó chữa nên bị chết nhiều. Ông Sẻ cho rằng, vì nuôi nhiều năm, nó quen nên thoái hóa...

Đang chăm dâu ngoài ruộng, anh Trương Văn Linh cho biết: "Giống dâu của địa phương đang phát triển đã có từ rất lâu rồi! Nông dân gọi là dâu ta. Chính vì cứ duy trì liên tục trong nhiều vụ, nhiều năm lại cùng trên một chân đất, nông dân cũng không chăm bón được đầy đủ phân bón nên năng suất lá dâu ngày càng giảm mạnh. Trung bình một sào chỉ thu được khoảng 0,8 - 1 tấn lá dâu. Có năm không thuận lợi, sâu bệnh hại nhiều, năng suất lá dâu chỉ còn 10-13 tấn/ha. Việc phòng trừ sâu bệnh cũng gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều tiền mua thuốc mà có những bệnh mãi không khỏi…".

Anh Linh và nhiều hộ khác nuôi tằm đều mong muốn có được một giống dâu mới năng suất cao hơn, kháng sâu bệnh tốt hơn để thay thế. Nông dân còn thường xuyên sử dụng cả thuốc Bi58 để phun trừ rệp cho cây dâu mà không biết hiện nay, thuốc này không được phép phun cho rau nên rất độc cho tằm. Trong khi đó nhiều vụ tằm trong những năm gần đây, người nuôi hầu như rất hiếm được tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cũng không nắm được nhiều thông tin về những tiến bộ mới của nghề này. Chủ yếu các hộ nuôi tằm chỉ đúc rút kinh nghiệm từ thực tế và học lại từ cha ông và học hỏi lẫn nhau.

Tìm hiểu về cách nhập tằm, chúng tôi được biết: Đa số các giống tằm Trung Quốc đều được nhập vào nước ta theo con đường tiểu ngạch, không có kiểm tra dịch bệnh của kiểm dịch. Cho nên, tằm nuôi không thể kiểm soát được dịch bệnh, gây nhiều khó khăn cho người nuôi. Mặt khác, qua thực tế tìm hiểu được biết, tại 2 huyện nuôi tằm của tỉnh, nông dân đều không biết phương pháp nuôi tằm lớn dưới nền nhà mà chỉ nuôi trên nong nên rất tốn công chăm sóc, vệ sinh khó khăn và tốn dụng cụ đựng tằm. Trong khi đó, qua các báo cáo, thông tin khoa học của các cơ quan nghiên cứu nước ta thì nuôi tằm có thể áp dụng qua 2 giai đoạn (tằm con nuôi tập trung và tằm lớn nuôi dưới nền nhà) rất hiệu quả.

Trước thực trạng trên, đề nghị các cơ quan chuyên môn cần cử cán bộ chuyên ngành về địa phương tập huấn, tư vấn kỹ thuật tiến bộ, phương pháp nuôi tằm mới, bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả... Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các sở với các viện, trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ, các công ty kinh doanh... để có những đề tài, dự án, cải tạo được giống dâu, tằm, phát triển những giống cây, con ưu việt nhất, hiệu quả cao, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người nuôi tằm, giúp người nuôi yên tâm hơn, vững tin hơn với nghề truyền thống này.

 TRẦN THỊ LIÊN