Nhiều người lớn mắc sởi biến chứng viêm não
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 16:13, 17/04/2014
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, phần lớn bệnh nhân sởi trong số 313 ca bệnh là người lớn. "Có nhiều ca nặng, nhưng đến giờ chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào. Đó là điều chúng ta an tâm trong bối cảnh hiện nay", tiến sĩ Kính nói.
Theo ông Kính, bất cứ ai chưa có miễn dịch (chưa tiêm phòng, chưa từng mắc) thì đều có nguy cơ bị sởi, người lớn cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, nếu trẻ thường biến chứng chủ yếu là bội nhiễm đường hô hấp dẫn tới suy hô hấp nặng thì ở người lớn là biến chứng viêm não.
Khi đến thăm, chăm con bị sởi nhiều người lớn có thể bị lây hoặc mang virus lây lan ra ngoài cộng đồng. Ảnh: N.Phương |
Trước diễn biến phức tạp của dịch, chiều 16-4, lãnh đạo Hà Nội đã làm việc với Sở Y tế về công tác phòng chống bệnh. Những tuần gần đây, số mắc mới chững lại nhưng vẫn ở mức cao, trong đó, 89% chưa tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, 24% là trẻ dưới 9 tháng tuổi. Số ca sốt phát ban nghi sởi đã trên 1.000 trường hợp, tăng 150% so với cùng kỳ.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh (Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội), từ tháng 12-2013 đến nay, thành phố ghi nhận 1.062 trường hợp mắc sởi phân bố rải rác tại 329/584 xã, phường của 30 quận, huyện, trong đó có 14 trường hợp tử vong. Các quận, huyện tập trung nhiều bệnh nhân nhất là Hai Bà Trưng (122 trường hợp), Đống Đa (97), Hoàng Mai (95), Hà Đông (76), Ba Đình (58). Bệnh nhân chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 60,6%); trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm 20,4%; trường hợp nhỏ nhất là trẻ 1,5 tháng tuổi và lớn nhất là 42 tuổi. 88,5% bệnh nhân sởi chưa tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, trong đó 24% là trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm phòng). |
Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu ngành y cần có sự chuyển động trong công tác chỉ đạo, bên cạnh giải pháp cũ cần tăng cường biện pháp mới. Hiện công tác tiêm vét của Hà Nội mới đạt 75%, vẫn còn gần 2.000 trẻ phải tiêm. Ngành y Hà Nội cũng được yêu cầu trực chiến 24/24h. Sở GD&ĐT cần phổ biến thông tin đến từng trường, từng thầy cô giáo. Các tổ dân phố cần xuống làm việc, động viên các gia đình chưa đưa con đi tiêm.
“Có công bố dịch hay không không quan trọng, quan trọng nhất là phải triển khai quyết liệt và có hiệu quả công tác phòng chống dịch, khống chế dịch”, bà Phó chủ tịch nhấn mạnh.
Tiến sĩ Kính cảnh báo, theo truyền thống của người Việt Nam khi một cháu ốm thì 3-4 người đi theo. Một số người đã có miễn dịch nhưng lại mang virus trong đường hô hấp, quay trở lại gia đình làm lây lan virus. Vì thế, mỗi cá nhân cũng cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh chung như đeo khẩu trang y tế ở chỗ đông người, bệnh viện; rửa tay bằng dung dịch sát khẩu...
Sau ba năm không có ca nào, sởi bùng phát trở lại từ tháng 12-2013, trùng với chu kỳ 3-5 năm mà ngành y tế ghi nhận. Dịch nhanh chóng lan rộng ra 61/63 tỉnh thành với hơn 7.000 người mắc. Nguyên nhân tái phát sởi là việc tiêm vắcxin chưa thực hiện đầy đủ. Số ca tử vong tăng cao được cho là có nguyên nhân vì ngành y tế chậm triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng trước những hậu quả do sởi gây ra và bày tỏ sự mong mỏi các cơ quan hữu trách vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
Năm 2009-2010, dịch sởi cũng bùng phát tại Việt Nam. Trong gần 2 tháng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 340 ca sởi người lớn nhập viện, Bệnh viện Nhi Trung cũng ghi nhận 100 ca sởi ở trẻ.
NAM PHƯƠNG (VnE)