Phụ huynh đổ xô đưa con đi tiêm phòng

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 13:51, 21/04/2014

Giữa lúc dịch sởi đang "nóng" lên từng ngày, nhiều phụ huynh đã đổ xô đưa con đi tiêm vắc-xin phòng sởi.



Rất đông người dân đưa trẻ đến tiêm phòng sởi tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Ảnh: Đức Thành


Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và nguồn tin của Báo Hải Dương, tỉnh ta đã có 3 trẻ tử vong sau khi có biểu hiện của bệnh sốt phát ban nghi sởi. Giữa lúc dịch sởi đang "nóng" lên từng ngày, nhiều phụ huynh đã đổ xô đưa con đi tiêm vắc-xin phòng sởi.

3 trường hợp tử vong nghi sởi

Mấy ngày nay, người dân ở thôn Đồng Xá Nam, xã Đồng Gia (Kim Thành) xôn xao về việc cháu Nguyễn Hoàng Sơn (5 tháng tuổi), con trai anh Nguyễn Văn Vương và chị Hoàng Thị Chinh, tử vong tại Bệnh viện Nhi Hải Dương ngày 16-4. Hiện tại, gia đình anh Vương vẫn đang chăm sóc, điều trị bệnh sởi cho cháu Nguyễn Hoàng Oanh (anh em sinh đôi với cháu Hoàng Sơn) tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).

Theo ông Vũ Văn Quân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Gia, khoảng đầu tháng 4, gia đình anh Vương cho cả 2 cháu Sơn và Oanh vào điều trị ở Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành trong tình trạng bị viêm phổi, không có dấu hiệu nhiễm sởi, sau đó gia đình xin được chuyển các cháu lên Bệnh viện Nhi Hải Dương. Tại đây, khi điều trị viêm phổi thì cả 2 cháu đều có dấu hiệu mắc sởi nghi do lây nhiễm từ các bệnh nhi mắc sởi khác cùng phòng. Tình trạng của cháu Sơn ngày càng xấu đi và đã tử vong, cháu còn lại được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị. Ngay sau khi nhận được thông tin cháu Sơn tử vong, Trạm Y tế xã đã báo cáo lên Trung tâm Y tế huyện để tiến hành điều tra xử lý. Sau khi 2 cháu Sơn và Oanh vào Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành điều trị, gia đình mới quay trở lại Trạm Y tế xã để xin giấy giới thiệu đi vượt tuyến. Trạm Y tế không trực tiếp khám cho 2 cháu, mà chỉ được gia đình thông báo lại sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của cháu Oanh đã có những dấu hiệu khả quan. "Vì cả 2 cháu đều lây nhiễm ở ngoài xã nên địa phương cũng chưa tiến hành biện pháp nào để ngăn ngừa dịch bệnh", ông Quân nói.

Cùng ngày 16-4, cháu Đinh Thị Kim Duyên (16 tháng tuổi) ở phố Triệu Quang Phục, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) cũng tử vong do viêm phổi nặng, suy hô hấp và có biểu hiện sốt phát ban nghi sởi. Chị Phạm Thị Ly, mẹ cháu Duyên cho biết: "Ban đầu cháu chỉ bị viêm loét miệng, do điều trị chung phòng với bệnh nhân sởi ở Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hải Dương nên cháu mới bị lây". Sau đó, cháu bị biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp. Cháu đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị kịp thời, đến khi ổn định cháu được chuyển lại Bệnh viện Nhi Hải Dương điều trị. Tuy nhiên, bệnh của cháu lại chuyển biến xấu, khi chuyển trở lại Bệnh viện Nhi Trung ương thì đã không kịp. Được biết, cháu Duyên chưa được tiêm vắc-xin sởi.

Trước đó, ngày 10-4, cháu Nguyễn Ngọc Như Băng (10 tháng tuổi) ở khu đô thị phía đông (TP Hải Dương) cũng tử vong khi đang điều trị bệnh sốt phát ban dạng sởi tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Theo gia đình cháu Băng, ngày 4-4, cháu Băng có biểu hiện chảy nước mũi, ho, mắt đỏ, được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, bác sĩ chẩn đoán mắc viêm phế quản và cho thuốc về uống tại nhà. Sau 3 ngày điều trị, cháu Băng có biểu hiện sốt cao, toàn thân phát ban đỏ, được gia đình đưa vào điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Điều trị trong 3 ngày, cháu Băng có biểu hiện khỏe hơn, ban đã bay hết, ăn uống tốt. Tuy nhiên, ngày 10-4, cháu đột ngột bị khó thở, tím tái và tử vong ngay sau đó.

Trong 3 trường hợp trên chỉ có duy nhất trường hợp cháu Sơn tử vong được ông Đặng Hữu Thung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xác nhận trong buổi làm việc với phóng viên Báo Hải Dương ngày 17-4. Theo ông Thung, cháu Sơn có tiền sử sinh non thiếu tháng, thai đôi, đẻ mổ, vốn có thể trạng yếu và từng phải điều trị thời gian dài tại Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Nhi Hải Dương). Nguyên nhân chính gây tử vong là do cháu bị viêm phổi nặng, suy hô hấp. Ngoài ra, lãnh đạo trung tâm cũng chưa nhận được báo cáo về các trường hợp khác. Vì vậy đến nay, trung tâm vẫn chỉ ghi nhận toàn tỉnh có 1 ca tử vong có liên quan đến sởi.

Tiêm vắc-xin tất cả các ngày trong tuần


Trước những biến chứng nguy hiểm mà bệnh sởi gây ra, nhiều phụ huynh đã đổ xô đưa con đi tiêm vắc-xin sởi với hy vọng không bị lây bệnh.

Phòng tiêm Sapo tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trong 2 ngày thứ bảy và chủ nhật đông nghịt phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc-xin sởi và vắc-xin 3 trong 1 phòng bệnh sởi-quai bị-Rubella. Anh Trần Quang Tùng ở phố Thiện Nhân, phường Hải Tân (TP Hải Dương) đưa con gái 2 tuổi đi tiêm vắc-xin 3 trong 1 cho biết: “Do thể trạng yếu nên cháu bỏ lỡ nhiều mũi tiêm. Sợ cháu bị lây sởi nên tôi cho cháu đi tiêm phòng, đây mới là mũi phòng sởi đầu tiên”. Có gia đình huy động nhiều trẻ đi tiêm, thậm chí cả các cháu đã được tiêm đủ 2 mũi phòng sởi. Chị Vương Thị Liên ở phố Hòa Bình, phường Quang Trung (TP Hải Dương) cho biết: “Con trai tôi 6 tuổi, cháu trai 9 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng sởi nhưng sợ tiêm lâu, miễn dịch kém nên tôi đưa các cháu đi tiêm nhắc lại mũi 3 cho yên tâm”.

Bệnh sởi hoành hành, trong lúc chưa đến ngày tiêm chủng hằng tháng, người dân đổ xô đưa con đi tiêm vắc-xin 3 trong 1 dẫn đến tình trạng “cháy” loại vắc-xin này. Đến ngày 20-4, Phòng tiêm Sapo đặt tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ còn khoảng 100 liều vắc-xin 3 trong 1, không thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Trước tình hình đó, ngày 20-4, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã bố trí thêm 1 phòng tiêm vắc-xin sởi miễn phí đặt cạnh Phòng tiêm Sapo, bố trí thêm kíp trực 4 người và 1 kíp trực cấp cứu phục vụ trẻ đến tiêm. Ông Bùi Huy Nhanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Hiện toàn tỉnh còn khoảng 5.000 trẻ chưa được tiêm vắc-xin sởi. Trung tâm sẽ duy trì phòng tiêm miễn phí này đến khi dịch sởi chấm dứt, đồng thời vẫn giữ lịch tiêm chủng hằng tháng như bình thường". Trung tâm vẫn còn khoảng 10 nghìn liều vắc-xin sởi, bảo đảm đủ tiêm cho trẻ. Người dân đưa con đến phòng tiêm vắc-xin miễn phí chỉ phải trả tiền công tiêm 14 nghìn đồng/trẻ.

Ngành y tế nhận định tình hình dịch bệnh chưa thể chấm dứt sớm do diễn biến thời tiết thất thường, nhất là tình trạng ẩm ướt càng dễ gây bệnh. Tuy tỉnh ta chưa công bố dịch nhưng các đơn vị trong ngành y tế hiện đang tập trung lực lượng, phương tiện tham gia tích cực trong công tác phòng, chống, nhất là công tác điều trị. Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Hải Dương) được chuyển sang khu mới rộng rãi hơn với quy mô gần 50 giường bệnh thay thế cho khu cũ chật chội, quá tải. UBND tỉnh cũng nhất trí phương án bổ sung một số máy móc như bơm tiêm điện, máy truyền dịch cho Bệnh viện Nhi Hải Dương kịp thời điều trị cho bệnh nhân…

PV