Những vần thơ lấp lánh sắc màu

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 14:31, 22/04/2014



Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa cho ra mắt tập thơ có nhiều điểm lạ của ba tác giả là kiến trúc sư, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương. Lạ từ tên sách: "Hai và Một" có ý nghĩa là hai tác giả nữ Đỗ Minh Thúy, Nguyễn Phương Liên và một tác giả nam là Phạm Quang Huynh. Lạ ở cách trình bày, với rất nhiều minh họa và ảnh nền, mỗi trang đều có thể là một tác phẩm hội họa đứng riêng được. Một điều lạ nữa là ba cây bút, ba bút pháp khác nhau, lại gặp nhau trong một tập thơ mang nhiều sắc màu như thế.

Phần thơ Đỗ Minh Thúy như những nét phác thảo, ký họa các mảng không gian, thời gian dài rộng lên những tấm voan của riêng mình. Bài "Khúc hành trang" là một bài như thế:

Xé một vuông hoàng hôn tim tím
Trải nhẹ nhàng lên mặt cỏ xanh


Những nét cọ thả sức tung hoành, để rồi: "Gói cả lại mảnh hoàng hôn tím/Khoác lên vai xuyên mộng đêm dài/ Đi về phía mặt trời rực rỡ/Thả tung vào mơ ước ngày mai". Cùng mô típ ấy, bài "Người đàn bà đi ngược nắng" thì "Ngày ngủ gật trên võng mây trắng/Người đàn bà đi ngược về phía nắng", cứ thế "Chuyện trò thú vị cùng cơn gió", "Kẽo kẹt đi vào màu xanh thẳm muôn kiếp của tre". Nhiều bài thơ mang tính ước lệ, như "Luân hồi", "Mỹ khúc", "Vũ khúc của đá"… nói trời nói đất, kỳ thực là sự đời, sự đời đã mất không thể nào níu kéo: "Năm tháng lọt kẽ tay/Trượt dấu chân kỷ niệm vơi đầy/Thương nhớ xiết qua miền ký ức" (Gọi yêu dấu xưa).

Trái với Đỗ Minh Thúy, 23 bài thơ của Nguyễn Phương Liên lấy đề tài trong cuộc sống đời thường. Cũng là những cảm nhận, những lay gợi, non một nửa số bài làm theo thể lục bát khá nhuần nhị. Nhiều miền đất quê hương đã vào thơ, nhưng đọng lại trong người đọc là cái tình đầy dư âm và gợi tưởng, như trong bài "Theo câu lục bát về làng":

Vin câu lục bát tôi về
Lần theo khúc hát
sông quê bồi hồi
Dòng sông ai xẻ làm đôi
Nửa trong
Nửa đục
Lở bồi nắng mưa


Hay da diết: "Trái tim lại loạn nhịp yêu/ Sóng ngân dìu dặt nửa chiều chơi vơi/ Buồn lá rụng xạc xào rơi/ Mình tôi riêng với một trời nhớ thương" (Đại Lải và sóng). Hay suy tư: "Lưng trời diều sáo nhặt thưa/ Gập ghềnh khắc khoải nắng mưa địa đầu" (Hoàng hôn địa đầu).

Chốt lại tập thơ là Phạm Quang Huynh ,một cây biếm họa quen thuộc của nhiều tờ báo. Thơ của anh cũng mang những tiếng cười sắc lẻm, nhưng vượt lên tính hài quen thuộc là những phát hiện sắc sảo. Thơ anh mạnh về ý, về tứ. Trong bài "Hoa lan đất", ai cũng thích loài hoa hướng về mặt trời, nhưng nhà thơ lại ca ngợi những người phụ nữ chân luôn bám đất, "lặng lẽ thả hương cho đất đã nuôi mình". Bài "Nhớ cha" như một câu chuyện ngắn. Ba người uống rượu. Một người thương cha mình xưa khổ quá, bật khóc. Thế là cả ba cùng khóc. Và: "Hỡi phải chăng? Sự sám hối của những người con/ Là phần thưởng diệu kỳ/ Để cho những người cha luôn sống bên con". Với những người bệnh tâm thần, đôi lúc bị người đời xa lánh, nhưng chính họ lại lóe sáng (các bài "Chép ở bệnh viện tâm thần", "Người thương binh bị điên"). Có bài là những nét phê phán sắc sảo về tính vô cảm như bài "Vô đề 1", thực dụng với bài "Vịnh tranh hổ". Anh cũng có bài thơ trữ tình có tìm tòi, như bài "Ghen": "Anh sang nhà bên/Xin lửa một lần/Thằng nhỏ quyết không cho/Nó sợ anh lấy hết lửa/Ở ngọn đèn nhà nó". Để rồi đến lượt anh:

Hôm nay bên em
Anh lại như thằng nhỏ
Sợ mọi ánh nhìn
Sẽ lấy mất lửa
Ở nơi em!


Tập thơ Hai và Một, thực sự là "ba". Ba nhà thơ làm nghề kiến trúc, nhưng họ có cơ hội khám phá thêm ngôn từ thi ca để "kiến trúc" nên Hai và Một khá sang trọng.

VƯƠNG BẠCH