Những vấn đề cần quan tâm

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 03:52, 23/04/2014

Tình trạng công nhân đình công đòi hỏi quyền lợi phần nào cho thấy năng lực của cán bộ công đoàn cơ sở khu vực này còn nhiều hạn chế...



Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Tổ chức Nhân dân Úc vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại (APHEDA)
tổ chức tập huấn về cách phòng, tránh bệnh ung thư nghề nghiệp cho cán bộ công đoàn và công nhân, lao động trong tỉnh  


Hiện nay trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước ở tỉnh ta vẫn xảy ra các vụ ngừng việc tập thể của công nhân, lao động (CNLĐ) và còn nhiều vi phạm Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn... Điều này có một nguyên nhân quan trọng do năng lực của cán bộ công đoàn cơ sở khu vực này còn nhiều hạn chế, cần được nâng cao.

Chưa làm tròn trách nhiệm

Cách đây chưa lâu, chúng tôi chứng kiến một vụ ngừng việc tập thể của hơn 100 CNLĐ ở một doanh nghiệp sản xuất cơ khí có vốn đầu tư nước ngoài ở cụm công nghiệp Cao An (Cẩm Giàng). Để dàn xếp vụ việc, đồng chí cán bộ công đoàn cơ sở đã ra giải thích, vận động CNLĐ tiếp tục vào làm. Tuy nhiên, CNLĐ không nghe, thậm chí có người còn bỏ đi chỗ khác. Anh Nguyễn Văn D., một công nhân ở đây bức xúc cho biết: "Chỉ khi nào chủ doanh nghiệp nói thì chúng tôi mới nghe. Nghĩa là họ chấp nhận phải thay đổi việc thực hiện các chính sách đãi ngộ với công nhân sao cho thỏa đáng. Chứ cán bộ công đoàn nói thì còn phải thỏa thuận với lãnh đạo, mà kết quả chưa biết có lợi cho CNLĐ chúng tôi hay không". Chỉ đến khi Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện và các cơ quan chức năng về giải quyết thì vụ việc mới chấm dứt, doanh nghiệp chấp nhận thỏa thuận một số điều khoản có lợi cho CNLĐ.

Theo ông Trần Ngọc Bính, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh, chỉ tính riêng trong năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 19 cuộc ngừng việc tập thể với sự tham gia của trên 9.400 CNLĐ, hầu hết ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và không đúng quy định của pháp luật. Phân tích nguyên nhân dẫn đến các vụ tranh chấp lao động và dừng việc tập thể những năm gần đây cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp vi phạm, chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật lao động, Luật Công đoàn. Nhiều doanh nghiệp xâm hại đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) như: ký hợp đồng thời vụ với thời hạn dưới 3 tháng, không tham gia các chế độ bảo hiểm cho NLĐ đủ tiêu chuẩn, tổ chức làm tăng ca, thêm giờ quá quy định, không thanh toán kịp thời, đầy đủ các chế độ lương, thưởng... Đây đều là những vi phạm của chủ doanh nghiệp với NLĐ mà cán bộ công đoàn cơ sở không kịp thời nắm bắt để yêu cầu giải quyết trước khi xảy ra ngừng việc tập thể. Vì vậy, có thể khẳng định để xảy ra ngừng việc tập thể một phần nguyên nhân do cán bộ công đoàn cơ sở chưa phát huy hết khả năng và trách nhiệm của mình.

Qua công tác kiểm tra của công đoàn các cấp năm vừa qua cũng chỉ ra nhiều vi phạm của các công đoàn cơ sở. Ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước vẫn còn phổ biến hiện tượng chưa trích đủ kinh phí công đoàn 2% quỹ tiền lương. Tình trạng nộp chậm, thất thu kinh phí hoặc không báo cáo dự toán  và quyết toán ngân sách công đoàn với công đoàn cấp trên... cũng là một hạn chế ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Một trong các vi phạm trên từng xảy ra ở những doanh nghiệp như: May Trấn An, Global (TP Hải Dương), Masan (khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương), Đông Tài (Kim Thành), Sees Vina (Tứ Kỳ), SSV (Gia Lộc)... Đây đều là những sai phạm trong hoạt động công đoàn mà cán bộ công đoàn cơ sở phải chịu trách nhiệm (trừ những trường hợp doanh nghiệp có lý do chính đáng được các cơ quan chức năng chứng thực).

Nhiều khó khăn


Có nhiều lý do khiến hoạt động của các công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn nhiều bất cập, không phát huy hết trách nhiệm của cán bộ công đoàn. Hiện nay, toàn tỉnh đang có khoảng 470 doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tổ chức công đoàn. Trong đó chỉ có một vài doanh nghiệp có cán bộ công đoàn chuyên trách, còn lại hầu hết là kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo nghiệp vụ công tác công đoàn. Đây vừa là thuận lợi nhưng cũng là khó khăn đối với hoạt động công đoàn. Thuận lợi vì cán bộ công đoàn kiêm nhiệm sẽ sâu sát với tình hình sản xuất và có mối quan hệ tốt với chủ sử dụng lao động. Còn khó khăn chính là cán bộ công đoàn ăn lương do chủ doanh nghiệp trả nên có tâm lý ngại đưa ra ý kiến và thường né tránh trước những vi phạm của chủ doanh nghiệp đối với NLĐ. Theo ông Phạm Hồng Hải, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh, thực tế cho thấy công tác xây dựng và tổ chức các hoạt động công đoàn ở khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn do đặc thù sản xuất công nghiệp, cơ chế tạo điều kiện của chủ doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, nội dung và phương pháp hoạt động của công đoàn cơ sở còn lúng túng, chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên công đoàn. Công tác bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ hoạt động công đoàn mới chỉ dừng lại ở số cán bộ công đoàn chủ chốt (những người trong ban chấp hành), chứ chưa được mở rộng đến đối tượng là cán bộ công đoàn bộ phận và các tổ trưởng công đoàn.

Việc nâng cao kiến thức nghiệp vụ và nhận thức về trách nhiệm cho cán bộ công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước là việc làm hết sức cần thiết. Bởi cán bộ công đoàn tốt sẽ bảo đảm được quyền lợi cho hàng chục nghìn CNLĐ làm việc trong các doanh nghiệp này. Trước hết, các cấp công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ công đoàn cơ sở. Bên cạnh việc quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, cần chú trọng đến các kỹ năng "mềm" để có thể tham mưu hiệu quả cho chủ sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật và có nhiều chính sách hỗ trợ về kinh tế và điều kiện làm việc cho CNLĐ. Cán bộ công đoàn khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước thường hay thay đổi, nên phải kịp thời nắm bắt và trang bị các kỹ năng nghiệp vụ trong hoạt động công đoàn. Bản thân cán bộ công đoàn cơ sở cũng phải thường xuyên tự học hỏi cách làm của những đơn vị bạn hoạt động tốt để xứng đáng với vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi NLĐ của mình.

PV