Làm giàu từ nuôi ong lấy mật

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:31, 23/04/2014

Ông Trương Văn Phượng (55 tuổi, khu dân cư số 1, thị trấn Phú Thứ, Kinh Môn) nổi tiếng với nghề nuôi ong mật từ nhiều năm nay.


Trước đây, ông Phượng mở xưởng mộc, nhưng do thu nhập không cao, lại vất vả nên ông quyết định chuyển nghề. Trong một lần đi thăm bạn ở Hưng Yên, thấy nghề nuôi ong mật không quá vất vả, thu nhập lại ổn định nên ông đã học hỏi kinh nghiệm để nuôi ong lấy mật. Ban đầu ông mua 20 đàn ong giống về nuôi thử nghiệm ngay trong vườn nhà. Do không có kinh nghiệm nên ong mắc nhiều loại bệnh: bệnh thối ấu trùng, bị chết, ong bỏ đàn… Không đầu hàng trước khó khăn, ông đi học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế từ những người nuôi ong lâu năm ở Hưng Yên, Quảng Ninh, mua sách báo về học hỏi. Nhờ kiên trì học, ông đã nắm được những kỹ thuật nuôi ong cơ bản. Đến nay, gia đình ông đã phát triển được hơn 100 đàn ong.

Ông Phượng chia sẻ: "Nuôi ong chỉ để lấy mật dùng thì khá dễ nhưng nuôi số lượng lớn để làm giàu rất khó, phải am hiểu thời tiết, địa lý nhiều nơi và hiểu được đặc tính của loài ong". Sau Tết âm lịch, khi thời tiết ấm áp là ông chuẩn bị cho ong xây tổ, gây đàn, mùa thu mật từ tháng 2 đến tháng 5. Để nâng cao chất lượng mật ong, mỗi năm vào mỗi vụ hoa, ông đều di chuyển đàn ong đến những vườn cây có nhiều hương hoa để đáp ứng đủ lượng nguyên liệu cho ong. Không chỉ đưa ong đến các khu vườn trong tỉnh, ông còn thường xuyên di chuyển, đưa đàn ong đi lấy mật tại các địa phương khác, xa nhất là Quảng Ninh. Ông thường đặt đàn ong nhờ tại các nhà dân, nơi gần vùng cây ăn quả như: vải, nhãn…

Theo ông Phượng, mật cũng có nhiều loại khác nhau, từ mật nhãn, mật vải, mật hồng, đến mật của cây keo, cây bạch đàn…, mỗi loại cây cho một loại mật khác nhau với giá trị kinh tế khác nhau, được đánh giá cao nhất là mật ong nhãn. Không chỉ lấy mật, phấn từ hoa, ong còn có thể lấy mật từ kẽ lá của cây, đặc biệt khi trời nắng to, cây sẽ tiết nhiều mật ở kẽ lá hơn. Chính vì vậy, ông luôn chú ý trong việc chăm sóc và kịp thời di chuyển đàn ong đến khu vực có nhiều nguyên liệu trong mùa hoa. Việc di chuyển đàn ong cũng gặp nhiều khó khăn, phải trong đêm vì thời gian này đàn ong về tổ ngủ, có như thế ong mới không bị phân tán đàn và bị chết do thay đổi khí hậu đột ngột. Ong được nuôi trong các thùng gỗ, mỗi thùng chỉ có khoảng 4-5 cầu ong để dễ kiểm soát số lượng ong. Nắm bắt được các đặc tính cơ bản của ong, ông áp dụng các biện pháp thích hợp để chống rét, chống nóng, thường xuyên vệ sinh thùng nuôi khô ráo và sạch sẽ, để bảo đảm đàn ong khoẻ mạnh và cho năng suất mật cao, chất lượng.

Vào mùa mật, trung bình mỗi tổ ong, ông thu được 11- 12 lít mật. Với 100 thùng ong, ông quay được khoảng 300 lít mật. Ngoài nuôi ong lấy mật, ông còn chủ động nhân giống, gây đàn để bán ong giống và luôn sẵn sàng tư vấn cách chăm sóc và truyền đạt kinh nghiệm cho các hộ có nhu cầu. Chất lượng mật ong bảo đảm nên mật được người dân và các lái buôn tới thu mua tận nhà. Mỗi năm, từ việc bán mật và giống ong, gia đình ông cũng thu nhập thêm khoảng 100 triệu đồng.

           TRẦN HIỀN