Tính chuyên nghiệp trong các giải đấu được nâng cao

Trong nước - Ngày đăng : 02:54, 24/04/2014

Đại hội Thể dục thể thao tỉnh đã đi được non nửa chặng đường và ngày càng khẳng định tính chuyên nghiệp...



Tại đại hội lần này, chất lượng các vận động viên cao hơn so với lần trước

Đến ngày 22 - 4, Ban Tổ chức Đại hội Thể dục, thể thao (TDTT) tỉnh lần thứ VII đã tổ chức thành công 7 trong tổng số 17 môn trong chương trình. Việc hoàn thành các môn thi đấu đã cổ vũ, động viên phát triển phong trào ở các địa phương, tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong quần chúng nhân dân.


Tổ chức khoa học

Ông Vũ Năng Anh, Trưởng phòng Nghiệp vụ TDTT (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: "Các giải trong chương trình Đại hội TDTT tỉnh có tính chất, ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều so với những giải được tổ chức thường niên. Đây đều là giải vô địch và 4 năm mới tổ chức một lần. Qua các giải, Ban Tổ chức đánh giá kết quả phát triển phong trào, xếp hạng các đơn vị. Công tác tổ chức giải luôn được thực hiện chu đáo, nghiêm túc".

Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII thu hút12 huyện, thị xã, thành phố và Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham gia thi đấu. Đến nay, sau khi hoàn thành thi đấu 7 môn thể thao trong chương trình, TP Hải Dương đang tạm thời dẫn đầu với 13 huy chương vàng (HCV), 6 huy chương bạc (HCB), 10 huy chương đồng (HCĐ). Huyện Thanh Hà chiếm vị trí thứ 2 với 9 HCV, 6 HCB, 4 HCĐ. Huyện Kinh Môn giành được 7 HCV, 12 HCB, 12 HCĐ, xếp thứ 3. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh là đoàn duy nhất chưa giành được huy chương nào.

Để không ngừng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức giải, ngay từ đầu năm 2013, Ban Chỉ đạo Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn, điều lệ thi đấu và thông báo cụ thể về thời gian, địa điểm tới các đơn vị. Do đó, các đơn vị có sự chủ động trong việc tuyển chọn, huấn luyện, bồi dưỡng vận động viên (VĐV). Các môn đều được xây dựng kế hoạch tổ chức thi đấu khoa học, bài bản và thành lập các tiểu ban giúp việc, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên. Trước khi vào giải, Ban Tổ chức tiến hành họp chuyên môn với các đoàn để thống nhất chương trình, phương pháp tổ chức, đánh giá kết quả, điều hành. Trong thời gian diễn ra giải, các bộ phận phối hợp nhịp nhàng. Sau khi kết thúc giải, Ban Tổ chức đều họp tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và thông báo kết quả cụ thể đến các đơn vị. Trong thời gian diễn ra giải, những thắc mắc, kiến nghị của các đơn vị được giải quyết kịp thời.

Điều lệ thi đấu các môn được xây dựng chặt chẽ, toàn diện hơn so với đại hội lần trước. Đặc biệt, những quy định về việc nhập, chuyển nhượng đã được thực hiện theo luật, tránh việc nhập ồ ạt VĐV của các địa phương, không phản ánh đúng chất lượng phong trào. Khi bước vào giải, hồ sơ, lý lịch của từng VĐV được kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng.

Đội ngũ trọng tài tham gia các giải được coi trọng. Ban Tổ chức rà soát, kiểm tra đánh giá đội ngũ trọng tài của tỉnh để lựa chọn những người tốt nhất cho từng môn. Một số môn thể thao mới như: Vovinam, aerobich, Ban Tổ chức mời chuyên gia trung ương về tập huấn, hướng dẫn. Trước mỗi giải, các trọng tài đều được tập huấn, phổ biến rõ nhiệm vụ, những thay đổi về điều lệ, luật thi đấu của môn đó nếu có. Từ việc chuẩn bị kỹ nên thời  gian qua công tác trọng tài luôn bảo đảm yêu cầu, xác định khách quan, chính xác kết quả thi đấu của từng VĐV nên chưa xảy ra khiếu kiện.

Coi trọng chất lượng

Qua các môn đã thi đấu, một điều đáng ghi nhận, đó là số lượng đoàn, VĐV tham gia giải đông hơn so với đại hội lần trước. Đại hội trước, bình quân mỗi môn thi đấu có 5 - 7 đoàn, đại hội lần này thường xuyên có 8 - 10 đoàn. Tại đại hội lần này, các đơn vị đều dành sự quan tâm cao cho các đội tuyển. VĐV được chuẩn bị "dài hơi", công tác huấn luyện, tập huấn được coi trọng. Chất lượng VĐV của các đơn vị đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Qua các giải, những địa phương có sự quan tâm đầu tư, chuẩn bị tốt về lực lượng đều gặt hái được thành công như: môn vật dân tộc của các huyện Tứ Kỳ, Nam Sách, Cẩm Giàng; môn bắn súng của các huyện Thanh Hà, Gia Lộc; môn cầu lông của TP Hải Dương, các huyện Cẩm Giàng, Thanh Miện; môn bóng bàn của TP Hải Dương, huyện Gia Lộc...

Các giải khi tổ chức đã lựa chọn thời điểm gắn với các ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm của đất nước, địa phương, góp phần tạo không khí sôi nổi, vui tươi trong cộng đồng dân cư.

Ngoài những kết quả tích cực, các giải còn bộc lộ một số hạn chế cần được điều chỉnh, khắc phục. Một số huyện có phong trào phát triển nhưng do thiếu sự quan tâm của chính quyền cơ sở nên đã không cử đoàn đi tham gia thi đấu, không chỉ làm ảnh hưởng đến quy mô, tính cạnh tranh của giải, còn không động viên phong trào của địa phương. Những VĐV được một số đơn vị "nhập" từ tỉnh khác về, ngoài việc hồ sơ bảo đảm nhưng chưa được bổ sung thông tin về trình độ, đẳng cấp để Ban Tổ chức có điều kiện xác định chính xác. Chương trình thi đấu của một số giải chưa sát dẫn đến kéo dài thời gian, gây tốn kém cho các đoàn về tham dự. Một số môn, Ban Tổ chức còn bị động trong việc xây dựng, công bố chương trình thi đấu của các nội dung khiến VĐV thiếu chủ động. Công tác tuyên truyền, giới thiệu về các môn thi đấu còn hạn chế nên nhiều người dân không biết để đến cổ vũ, động viên...

  DANH TRUNG