Tạo nhiều sản phẩm xử lý ô nhiễm môi trường

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 04:30, 24/04/2014

Khoảng 3 năm trở lại đây, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) đã tích cực đưa công nghệ mới vào xử lý ô nhiễm môi trường.



Nhân viên trung tâm đóng gói sản phẩm Fito-Biomix RR


Đơn vị đã chuyển giao thành công dây chuyền sản xuất chế phẩm sinh học xử lý đáy ao nuôi thủy sản và bước đầu làm chủ được công nghệ sản xuất chế phẩm xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ.

Tiếp nhận nhanh

Tỉnh ta hiện có khoảng 10,5 nghìn ha nuôi thủy sản, là tỉnh có diện tích, sản lượng cá nước ngọt lớn nhất đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, những năm trước đây môi trường ao nuôi chưa được xử lý tốt, nguồn nước ô nhiễm khiến cho cá thường xuyên bị bệnh.

Trước thực trạng đó, năm 2012, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học đã thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm xử lý đáy ao nuôi thủy sản”. Bước đầu thực hiện dự án, trung tâm phải mua chế phẩm ở Công ty CP Công nghệ sinh học (Hà Nội) để cấp cho nông dân xử lý. Thấy rõ được yêu cầu bức thiết cần sản xuất chế phẩm tại chỗ, đầu năm 2013, dự án được Công ty CP Công nghệ sinh học chuyển giao công nghệ sản xuất giống vi sinh vật hữu ích phục vụ cho sản xuất chế phẩm sinh học xử lý đáy ao nuôi thủy sản (BIOF). Hệ thống máy móc được trung tâm đầu tư với kinh phí hơn 700 triệu đồng, gồm: máy trộn, máy nghiền, tủ sấy vô trùng, tủ cấy vô trùng đơn, khay cấy men... Hiện tại, trung tâm có 4 phòng sản xuất, gồm: nhân giống và kiểm tra chất lượng sản phẩm, lên men, đóng gói, kho thành phẩm. Trung tâm đã đào tạo được 5 cán bộ kỹ thuật chuyên vận hành máy móc, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Giống vi sinh vật hữu ích sau khi được sản xuất sẽ đưa đến các hộ nuôi thủy sản để sản xuất chế phẩm BIOF bằng cách sử dụng phân chuồng phơi khô, ủ với vôi bột, trộn đạm, lân NPK, sau đó cấy vi sinh vật hữu ích, ủ trong 1 tháng sẽ được chế phẩm sinh học BIOF. Khi thu hoạch cá xong, nông dân rắc chế phẩm xuống đáy ao, phơi khô, khử trùng sẽ tạo được môi trường nước sạch, bảo đảm an toàn cho cá. Ông Vũ Văn Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học, Chủ nhiệm dự án cho biết: “Hiện nay, môi trường nước không còn an toàn cho thủy sản. Vì thế, việc xử lý môi trường nước để bảo vệ thủy sản trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục mở rộng sản xuất chế phẩm sinh học BIOF tại hộ nuôi thủy sản để cải thiện nguồn nước, nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Sau vụ thu hoạch lúa, hầu hết các địa phương đều xảy ra tình trạng đốt rơm, rạ ảnh hưởng đến môi trường không khí, nguồn nước. Từ thực tế đó, giữa năm 2013, trung tâm được Công ty CP Công nghệ sinh học chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR xử lý rơm, rạ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trung tâm đã đầu tư hơn 600 triệu đồng để mua sắm máy móc, tu sửa nhà xưởng để làm khu sản xuất rộng 50m2. Nguyên liệu dùng sản xuất chế phẩm được lấy từ Công ty CP Công nghệ sinh học. Cuối năm 2013, trung tâm bắt tay vào sản xuất chế phẩm. Cán bộ trung tâm được đào tạo tiếp nhận và làm chủ công nghệ. Các quy trình sản xuất chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR được giám sát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng. Công suất đạt hơn 20 tấn/năm. Đến nay, trung tâm đã sản xuất được hơn 5 tấn chế phẩm. Hiện tại, dây chuyền đang tiếp tục sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý rơm, rạ trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Hiện nay, cán bộ trung tâm đều đã làm chủ được 2 công nghệ mới. Chế phẩm sinh học dùng xử lý rơm, rạ và xử lý đáy ao nuôi thủy sản lần đầu tiên được sản xuất tại Hải Dương hứa hẹn cải thiện môi trường nông thôn.

Sản phẩm hữu ích

Đến nay, trung tâm đã sản xuất được 300 tấn giống vi sinh vật hữu ích, xử lý được 100 ha ao nuôi thủy sản tại 10 huyện, thị xã. Chế phẩm sinh học BIOF đã khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường ao nuôi, giúp cá khỏe mạnh và phát triển hơn so với những ao nuôi không qua xử lý. Năm 2013, HTX Thủy sản sạch chất lượng cao Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) sử dụng vi sinh vật hữu ích sản xuất chế phẩm BIOF xử lý 37 ha ao nuôi. Đến nay, đáy ao không còn tảo độc, nước sạch hơn, cá không bị chết, tiết kiệm chi phí thức ăn khoảng hơn 10 triệu đồng/ha. Năng suất cá đạt từ 13-14 tấn/ha, thu hơn 400 triệu đồng/ha, cao hơn ao nuôi thông thường khoảng 25 triệu đồng/ha.

Cũng giống như chế phẩm BIOF, Fito-Biomix RR xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ, có ích cho đồng ruộng, làm tốt cho cây trồng. Nếu tận dụng được nguồn phân bón này, nông dân sẽ giảm chi phí mua phân bón.  Trước đây, nông dân phải đặt mua chế phẩm ở Hà Nội, nhưng đến nay chế phẩm đã được sản xuất và bán tại Hải Dương rất thuận lợi. Sản phẩm mua tại trung tâm có giá 180 nghìn đồng/kg, giảm 20 nghìn đồng so với bên ngoài. Công nghệ được UBND tỉnh đầu tư và hoàn thành các quy trình sản xuất, phấn đấu đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn hiện tượng đốt, xả rơm bừa bãi.

 Ông Nguyễn Cao Đam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học cho biết: “Cả hai công nghệ được chuyển giao thành công, đi vào thực tiễn. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản xuất. Trung tâm sẽ cử kỹ sư, cán bộ trực tiếp hướng dẫn nhân dân sử dụng các chế phẩm sinh học hiệu quả hơn…”.

Tuy nhiên, để duy trì công nghệ mới, UBND tỉnh và các sở, ngành cần quan tâm hơn nữa, góp phần bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Các địa phương tăng cường tuyên truyền cho nhân dân sử dụng các loại chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước và rơm, rạ, nhằm bảo vệ môi trường, tăng độ phì nhiêu của đất và bảo đảm sản xuất nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, trung tâm cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm, có biện pháp hỗ trợ hợp lý về giá, giúp nông dân thấy được hiệu quả từ các loại chế phẩm sinh học.

MINH NGUYỆT