Chứng cứ đầy đủ, không hủy bản án Dương Chí Dũng

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 15:37, 24/04/2014

Trong phần tranh luận chiều 24-4, đại diện VKSND Tối cao nói chứng cứ vụ án đã rõ, hành vi phạm tội của các bị cáo là có, không oan, không có cơ sở hủy án...


>>Dũng, Phúc cùng nhận tiền nhưng "kình mặt" nhau





Dương Chí Dũng tiếp tục bị tòa phúc thẩm đề nghị mức án tử hình

Sau khi nghe các luật sư bào chữa, chiều 24-4, đại diện VKSND tối cao đối đáp lại cho rằng bản luận tội đã nêu rất rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, áp dụng điều luật, điều khoản cụ thể để quy trách nhiệm dân sự, hình sự của các bị cáo. VKS đã nêu các căn cứ để chứng minh có việc tham ô tài sản. Lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn chỉ là một trong 6 căn cứ mà VKS kết luận về tội tham ô.

Với ý kiến các luật sư về việc phải hủy án, điều tra lại vụ án, đại diện VKS cho rằng hồ sơ vụ án đã có đầy đủ chứng cứ. Nếu việc tương trợ tư pháp từ Nga và Singapore có kết quả thì sẽ xử lý sau. Hành vi tham ô của các bị cáo đã rõ ràng, VKS xét thấy không nhắc lại.

Về quan điểm luật sư Trần Đình Triển cho rằng không có kháng nghị mà VKS đề nghị tăng mức án một số bị cáo là chưa đúng, đại diện VKS cho biết VKS chỉ đề nghị tăng mức bồi thường đối với một số bị cáo.

Về quan điểm cho rằng giải quyết việc bồi thường dân sự khi chưa có đơn yêu cầu là vi phạm pháp luât, VKS cho biết đây không phải dân sự thông thường, đây là dân sự trong hình sự, hình sự quy định rất rõ người gây ra hành vi phạm tội phải bồi thường do hành vi gây ra.

“Vụ án này không cần Vinalines có đơn yêu cầu mới bồi thường. Nếu Vinalines không đòi bồi thường thì nhà nước mất tiền à?", đại diện VKS nêu vấn đề.

Với các ý kiến của luật sư cho rằng ụ nổi còn ở đó, chưa thanh lý được mà vẫn bắt các bị cáo bồi thường, đại diện VKS cho biết tổng số chi phí bỏ ra cho ụ nổi tính đến 17-5-2012 (thời điểm khởi tố vụ án) là trên 500 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí mua ụ nổi (37 tỷ đồng) và các khoản khác thì tổng thiệt hại mới còn hơn 366 tỷ. “Đến giờ số tiền thiệt hại còn lớn hơn nhiều rồi. Mỗi tháng ụ nổi đều ngốn hết 1 tỷ đồng”- VKS cho biết

Theo VKS, căn cứ Luật Hàng hải, hồ sơ pháp lý ụ nổi đã được Nga đăng ký là tàu biển, tên của ụ trong hồ sơ cũng là tàu biển, Đăng kiểm VN cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển. Vì vậy nó nằm trong chế định quản lý tàu biển.

“Mua ụ gây thất thoát hàng trăm tỷ mà không ai chịu trách nhiệm, vậy chính sách của nhà nước này phải xem xét lại. Hoàn toàn có đủ căn cứ để xác định ụ nổi được quản lý theo các căn cứ pháp lý của tàu biển”- VKS nhận định

Về việc các luật sư cho rằng vốn mua ụ nổi không phải của nhà nước, VKS cho rằng Vinalines là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tiền mất đi một đồng là tiền của nhà nước, tiền của dân chứ không phải của ai. Mất đi một đồng là tiền của dân. Vinalines có đúng ra bảo lãnh vay ngân hàng thì nhà nước vẫn phải trả.

Mai Văn Phúc: không "đội trời chung" với Dương Chí Dũng!

Trước đó, trong phần bào chữa bổ sung chiều 24-4, Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) nói "không đội trời chung" với Dương Chí Dũng nên làm gì có chuyện ăn chia tiền với Dũng?

Ngoài phần bào chữa của luật sư, bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) cũng tự bào chữa bổ sung, nói mong tòa xem xét lại bởi lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) về bị cáo là bịa đặt, man trá. 

Mai Văn Phúc cho rằng không có chuyện bị cáo nhận 10 tỉ đồng, không có chuyện Sơn hẹn bị cáo nhiều lần để đưa tiền. Bị cáo Phúc khẳng định lại những lời khai của mình trước đây là đúng.

“Bị cáo muốn nói rằng những kết quả điều tra do cơ quan điều tra đưa ra, không có chuyện bị cáo nhận tiền. Mọi việc họ thương thảo hoàn tất việc ăn chia xong hết rồi thì bị cáo mới về. Bị cáo không liên quan, không tham gia đến khoản tiền 1,666 triệu USD. Bị cáo về sau, liệu họ có cởi áo cho người xem lưng không ạ? Mong HĐXX minh xét cho bị cáo”, Mai Văn Phúc nói.

Thường xử xong thì các bị cáo được dẫn ra phòng chờ, riêng bị cáo Dương Chí Dũng ở lại một mình trong phòng xử.

Cuối giờ chiều, trong khi  các bị cáo được lực lượng dẫn giải đưa ra xe tù thì bị cáo Dương Chí Dũng được giữ lại rất lâu trong phòng xử để "né" ống kính của các phóng viên, nên vì thế các phóng viên rất khó chụp được hình bị cáo Dương Chí Dũng.

Mai Văn Phúc cho rằng bị cáo Sơn khai gian dối và man trá cho bị cáo. "Bị cáo lên chức Tổng giám đốc không có tay, không có chân, không có chân rết. Đặc biệt là với bị cáo Dương Chí Dũng thì không đợi trời chung thì không thể làm ăn gì được”, bị cáo Mai Văn Phúc nói. HĐXX phải ngắt lời bị cáo vì bị cáo đã trình bày rất nhiều lần các ý này.

Trong khi đó, đầu giờ buổi làm việc của tòa chiều 24-4, Dương Chí Dũng sau khi bắt tay, trò chuyện thân mật với các luật sư còn cười rất vui vẻ, bắt tay chào bị cáo Mai Văn Phúc.

Luật sư đề nghị xem lại là ụ nổi hay tàu biển

Trước đó, tại phần bào chữa cho 3 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng hậu quả vụ án nếu có giám định thiệt hại thì chỉ đặt ra trách nhiệm cho các bị cáo là lãnh đạo Vinalines. Căn cứ vào việc ụ nổi nhập khẩu về VN không sử dụng mà quy kết các cán bộ hải quan có lỗi là không chấp nhận được.

“Trong khi nguyên đơn dân sự là Vinalines chưa có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại mà tòa sơ thẩm tuyên buộc các bị cáo bồi thường là chưa đáp ứng điều 52 Bộ Luật tố tụng hình sự", luật sư Phúc nói.

Luật sư Đào Hữu Đăng, bào chữa cho bị cáo Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN)cho rằng Lê Văn Dương chỉ là người khảo sát ụ nổi. Lê Văn Dương không có mục đích, động cơ gì của việc làm trái mà là nạn nhân của một kế hoạch từ trước. Các bị cáo khác đã đưa Dương vào một kế hoạch, âm mưu từ trước. 

Luật sư cho rằng Lê Văn Dương làm theo yêu cầu của khách hàng. Báo cáo giám định của Lê Văn Dương không phải là căn cứ để mua ụ nổi. Hồ sơ thể hiện ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc không đọc báo cáo giám định của Lê Văn Dương. Về việc sửa chữa ụ nổi và hoạt động khác thuộc Vinalines không liên quan đến bị cáo Dương.

"Chúng ta đặt giả thiết nếu ụ nổi hoạt động có lãi thì Lê Văn Dương có được chia lãi không? Rõ ràng là không. Nhưng nảy sinh thiệt hại thì bị cáo Dương phải chịu. Nguyên tắc là phải bồi thường do hành vi trực tiếp của mình gây ra. Đề nghị tòa xem xét giảm án cho bị cáo Dương và giảm tiền bồi thường thiệt hại”, Luật sư Đăng nói.

bị cáo Lê Văn Dương cho biết đã có đơn kêu oan đến Bộ GTVT. Trong đơn, bị cáo đề nghị Bộ GTVT tổ chức hội thảo mời các chuyên gia đầu ngành hàng hải phân tích xem ụ nổi có phải là tàu biển không, ụ nổi bị điều chỉnh bởi các quy phạm nào...

Trong phần bào chữa, các luật sư cũng cho rằng văn bản luật quy định chưa rõ ràng giữa ụ nổi và tàu biển nên gây tranh cãi.

Bị cáo Trần Hải Sơn

Bị cáo Trần Hữu Chiều

TÂM LỤA(Tuổi trẻ)