Thủy thủ phà Sewol khẳng định được lệnh rời phà

Tin tức - Ngày đăng : 17:34, 24/04/2014

Ngày 24-4, một thành viên thủy thủ phà Sewol tiết lộ cô và các đồng nghiệp “được lệnh” rời phà chứ không tự ý bỏ chạy trong khi các hành khách còn bị mắc kẹt bên trong.


Các thợ lặn vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích dưới biển - Ảnh: Reuters


Theo hãng tin Reuters, thuyền viên này đã đưa ra lời khẳng định trên với giới báo chí khi bị cảnh sát đưa từ tòa đến nơi tạm giam. Cô không nói rõ người ra lệnh có phải là thuyền trưởng Lee Joon Seok hay không.

Yonhap cho biết hiện 20 trong tổng số 29 thành viên thủy thủ đoàn phà Sewol, bao gồm thuyền trưởng Lee, đã bị bắt giữ và bị điều tra. Ông Lee là người đã ra lệnh cho các hành khách, phần lớn là học sinh trung học, ở yên một chỗ trong cabin khi phà bắt đầu lật.

Hôm qua, nhà chức trách Hàn Quốc khám xét văn phòng của công ty Cheonghaejin Marine, chủ sở hữu phà Sewol, và nhà của tỷ phú Yoo Byung-Eun, người kiểm soát công ty này. Tại Hàn Quốc, ông Yoo có tiếng là “tỷ phú giấu mặt” vì hiếm khi ông xuất hiện trước giới truyền thông.

Đến nay, số người thiệt mạng trong vụ lật phà Sewol tăng lên 169 người và vẫn còn 133 người mất tích. Các thợ lặn cho biết nhiều khả năng họ bị mắc kẹt trong tầng bốn của chiếc phà xấu số. Hiện nhà chức trách đang nỗ lực tìm kiếm các thi thể trong ngày cuối cùng thời tiết thuận lợi.

Dự kiến từ chiều tối nay nước thủy triều sẽ dâng và có mưa ở vùng biển ngoài khơi đảo Jindo, nơi vụ tai nạn xảy ra. Chính quyền điều động tổng cộng 700 thợ lặn và chuyên viên thuộc lực lượng tuần duyên, hải quân và dân sự tới hỗ trợ hoạt động tìm kiếm.

Hôm nay các thợ lặn tìm thấy thi thể của cậu học sinh gọi cú điện thoại cấp cứu đầu tiên từ phà Sewol. Học sinh này tên Choi, gọi số điện thoại khẩn cấp 119 ba phút trước khi thủy thủ đoàn phát tín hiệu cấp cứu.

Theo AFP, hiện một số phụ huynh các học sinh mất tích đang yêu cầu nhà chức trách phải khám nghiệm tử thi các nạn nhân để chứng minh rằng họ sống sót trong chiếc phà bị lật trong một khoảng thời gian và chỉ thiệt mạng vì công tác cứu hộ diễn ra chậm chạp.

Trường học mở cửa trở lại

Ngày 24-4, trường trung học Danwon ở phía nam Seoul mở cửa trở lại sau thảm họa đắm phà Sewol khiến hàng trăm học sinh của trường thiệt mạng và mất tích.

Theo hãng tin Yonhap, trường trung học Danwon tạm thời ngừng hoạt động kể từ ngày 16-4 khi chiếc phà Sewol chở hơn 300 học sinh của trường bị lật trên biển. Gần 250 học sinh và giáo viên của trường đã thiệt mạng và mất tích.

Hôm nay các học sinh năm cuối của trường bắt đầu quay trở lại lớp học với tâm trạng buồn bã. “Cháu chỉ ở nhà suốt cả tuần qua. Hôm nay khi đến trường cháu đã cảm thấy rất buồn bã và chán nản” - Yonhap dẫn lời một học sinh họ Kim cho biết.

Các học sinh cuối cấp khác cũng cho biết họ cảm thấy bị sốc và tâm trạng ảm đạm dù đang phải bận rộn chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. “Khi trường đóng cửa, cháu chỉ ngồi nhà xem TV vì không thể tập trung học được. Cháu cảm thấy trống rỗng” - một học sinh khác cho biết.

Ban giám hiệu trường Danwon đã thuê hàng chục chuyên gia tư vấn tâm lý tới hỗ trợ các em học sinh đối phó với cú sốc tâm lý sau thảm họa chìm phà. Các học sinh năm cuối sẽ không trở lại các buổi học bình thường mà sẽ tham gia vào các buổi tư vấn tâm lý.

Tuần sau các học sinh năm đầu cũng sẽ quay trở lại trường. Hãng tin BBC cho biết phần lớn học sinh thoát chết từ phà Sewol vẫn đang ở trong bệnh viện. Chưa rõ bao giờ các em sẽ đi học trở lại.

Trong suốt cả tuần qua, trường Danwon trở thành nơi tưởng niệm các nạn nhân vụ chìm phà. Những bó hoa chất đầy bên ngoài cổng trường. Hàng nghìn dảy ruy băng vàng, biểu tượng của niềm hi vọng, được cột ở cổng trường và cây cối gần đó.

Trong các lớp học, các học sinh viết lên bảng những thông điệp như: “Nếu được gặp lại bạn, mình sẽ nói rằng mình rất yêu quý bạn. Mình chưa nói điều đó đủ nhiều”. Một thông điệp khác viết: “Mình muốn gặp lại bạn. Mình rất yêu quý bạn và đang cầu nguyện cho bạn”.

Rất nhiều học sinh bày tỏ sự tiếc nuối vì không thể giúp đỡ cho bạn học của mình trong thời điểm họ cần sự hỗ trợ nhất.

NGUYỆT PHƯƠNG(Tuổi trẻ)