Khao khát yêu và được yêu

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 07:43, 29/04/2014

Tâm sự nàng Thúy Vân

Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chứ em nước mắt đâu dành chàng Kim

Ơ kìa, sao chị ngồi im
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên

Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ khuất, đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu

Là em nghĩ vậy thôi Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường

Chị nhiều hờn giận yêu thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị, đánh lừa trái tim

Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Giấu đấy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu?

TRƯƠNG NAM HƯƠNG

Xét cho cùng, điều quan trọng nhất của đời người phụ nữ là yêu và được yêu. Được yêu, nghĩa là họ được hạnh phúc, thỏa mãn niềm khát khao của phận liễu yếu đào tơ có một chỗ dựa vững chãi ở đời. Ngược lại, bất hạnh thay cho những ai rơi vào tình cảnh lẻ loi, hoặc đang sống với người đàn ông hững hờ, lạnh nhạt. Thấu hiểu được nỗi đau âm thầm ấy, bằng cái nhìn nhân văn chan chứa cảm thông, nhà thơ Trương Nam Hương đã gửi gắm nỗi niềm của mình qua nhân vật nàng Thúy Vân “trang trọng khác vời”, phúc hậu mà mang nhiều cay đắng về hôn nhân không thể giãi bày cùng ai được. Bài thơ độc đáo bởi tứ thơ “có vấn đề”, làm đảo lộn bao cách nhìn, cách cảm lâu nay về nàng Thúy Vân tội nghiệp.

Đọc Truyện Kiều, hẳn nhiều người còn nhớ cảnh tượng Thúy Kiều cúi đầu lạy Vân để “trao duyên” cho nàng trong một tình cảnh éo le hiếm có: “Cậy em, em có chịu lời/Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”. Trước tâm sự đầy cảm thương và sự thắt buộc có tình, có lý của chị, Thúy Vân ngoan ngoãn vâng lời như một điều đã sắp đặt sẵn, có muốn cưỡng cũng không được. Mối tình duyên vợ chồng oan nghiệt kiểu “chắp mối tơ thừa” với Kim Trọng ấy làm sao Vân lại không đau đớn, chạnh lòng, cho dù chàng Kim có hào hoa phong nhã đến đâu, với Vân chưa hẳn đã là người lý tưởng. Giờ nhớ lại sau “mười lăm năm đắm con đò xuân xanh” của đời mình, Thúy Kiều mới vỡ lẽ ra một sự thật:
Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chứ em nước mắt đâu dành chàng Kim


Đọc đoạn thơ đầu tiên của bài Tâm sự nàng Thúy Vân, chúng ta không khỏi giật mình vì cách tiếp cận nhân vật hết sức mới lạ của tác giả. Theo cách nghĩ lâu nay của nhiều độc giả, Thúy Vân chỉ là nhân vật làm nền để so sánh khi làm nổi bật sắc đẹp “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” cũng như tài năng “sắc đành đòi một, tài đành họa hai” của Thúy Kiều. Với Trương Nam Hương, bi kịch của nàng Vân là đau nỗi đau của người phụ nữ có chồng, có con, nhìn vẻ bề ngoài rất hạnh phúc nhưng kỳ thực lại đắng cay nuốt lệ vào lòng với một bi kịch gia đình không dễ gì chia sẻ:
Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên

“Lấy người yêu chị làm chồng” vì gia đình rơi vào tình cảnh tai ương, “gặp cơn bình địa ba đào” chứ em nào muốn vậy. Thúy Vân cố tình tâm sự, giãi bày nỗi niềm bất hạnh không giống ai của mình với chị, nhưng cũng là để nói với người đời quá bất công khi nhận xét về mình. Cái vòng oan khiên từ khi lấy Kim Trọng cứ đeo đẳng Vân, day dứt đến không cùng. Chị thương người mất là Đạm Tiên nằm dưới mồ kia lẽ nào chị không nghĩ đến tình cảnh của em:
Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ khuất đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu


Nói là nói vậy, Thúy Vân phúc hậu, đoan trang vẫn chừng mực và chạnh lòng thương Thúy Kiều vô hạn. Có thể nói, đến bài thơ này, Trương Nam Hương đã giúp người đọc “cải thiện” cái nhìn vốn lãnh đạm, thậm chí thiếu thiện cảm vì cho rằng Thúy Vân hời hợt, nông cạn. Không, Vân sâu sắc và đa cảm nhiều hơn ta vẫn tưởng. Thật chua chát và trớ trêu khi em thành vợ chàng Kim - người một thời đã cùng chị thề non hẹn biển. Dù chị nhiều khổ nhục, tủi hờn, nhưng chị đã được sống, được yêu, được hờn giận và yêu thương đúng nghĩa. Trương Nam Hương đã không quá mạnh tay khi để Thúy Vân trực tiếp bộc lộ hết gan ruột của mình, nói thẳng bao nỗi niềm đắng chát cho chị hiểu. Không phản kháng, đổ thừa ai vì chuyện đã rồi, Thúy Vân chỉ muốn mọi người hãy thấu cho nỗi đau của mình, biết thương mình vì Thúy Vân cũng bất hạnh có thua gì Kiều đâu. Bi kịch của đàn ông trong tình yêu là không chinh phục được ái tình, bi kịch của phụ nữ là rơi vào tình cảnh hững hờ, lạnh nhạt, khát khao đến cháy lòng mà không được bù đắp tình yêu. Thúy Vân mòn mỏi, giấu đầy nỗi khát khao ấy vào trong đêm trường thăm thẳm hầu mong kiếm tìm một tình yêu đích thực:
Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu?


Kết thúc Truyện Kiều là một nỗi bi kịch dở dang, kết thúc "Tâm sự nàng Thúy Vân" là một câu hỏi không lời đáp: “Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu?”. Nỗi khao khát đầy nhân bản ấy đã đánh động vào lòng chúng ta bao điều trăn trở, nghĩ suy. Chợt ta hiểu ra rằng, biết đâu Thúy Vân còn đau khổ hơn cả Thúy Kiều khi xét trong cái lẽ bình thường mà người phụ nữ nào cũng hằng khao khát: Yêu và được yêu!

LÊ THÀNH VĂN