Tứ Kỳ "chia lửa" với Điện Biên Phủ
Tin tức - Ngày đăng : 08:56, 29/04/2014
Cùng với các đơn vị trong tỉnh Hải Dương, Đại đội Nguyễn Huệ tập kích vào vị trí địa phương quân Quý Cao (xã Nguyên Giáp) diệt và làm bị thương một số tên...
Đại tá Trương Đình Hiệp khi nghỉ hưu còn đảm trách Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tứ Kỳ trong nhiều năm.
Giờ đây, ông đã nghỉ công tác nhưng những ký ức về năm tháng "chia lửa" với Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn
Một ngày trung tuần tháng 4, tôi tìm về thôn Báo Đáp, xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) gặp đại tá Trương Đình Hiệp để nghe kể về những ngày tháng hào hùng ông cùng bộ đội huyện Tứ Kỳ "chia lửa" với chiến trường Điện Biên Phủ.
Đánh bốt giữ làng
Năm 1953, sau vài năm tham gia du kích ở địa phương, ông Hiệp gia nhập Đại đội bộ đội địa phương huyện Tứ Kỳ (Đại đội Nguyễn Huệ). Trong trí nhớ của người cựu chiến binh già, từ năm 1950-1953, phong trào chống địch, lập vành đai trắng, đòi địch phá bỏ công sự trên đê để chống lụt ở huyện diễn ra mạnh mẽ. Trước diễn biến của chiến cục Đông - Xuân 1953-1954, tỉnh ta được Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu Tả Ngạn liên tục chỉ đạo và bổ sung nhiệm vụ, bám phương châm và nhiệm vụ "tích cực nắm sơ hở của địch, giành chủ động tiến công, đẩy mạnh hoạt động du kích, chú trọng đánh phá càn quét nhỏ để phối hợp với chiến trường chính". Thực hiện chủ trương đó, Đại đội Nguyễn Huệ cùng bộ đội chủ lực và nhân dân liên tục phá càn, đánh giao thông, vây hãm đồn bốt, tháp canh của địch, đồng thời kêu gọi binh lính địch đầu hàng, gây cho chúng nhiều tổn thất. "Tôi còn nhớ rất rõ, dịp giáp Tết Nguyên đán 1954, Đại đội Nguyễn Huệ có chủ trương đánh bốt An Thổ. Bốt này trong làng An Thổ để phối hợp với bốt cầu An Thổ, khống chế khu vực xã Nguyên Giáp. Bốt có lô cốt kiên cố với khoảng 60 tên địch, được trang bị súng tiểu liên và súng cối, trong khi bộ đội chỉ có vũ khí thô sơ. Tôi chỉ huy một mũi quân tiến vào bốt. Do quân ta đánh theo phương châm bí mật, bất ngờ nên khống chế toàn bộ địch trong lô cốt, bắt sống hơn 50 tên, thu toàn bộ vũ khí. Sau trận đó, tôi được cấp trên khen thưởng, được kết nạp vào Đảng và đề bạt làm cán bộ trung đội", ông Hiệp kể.
Khi bị ta tiến công dồn dập trên các chiến trường, quân địch thiếu hụt và thương vong nhiều, nên các tháng đầu năm 1954, địch càng tích cực bắt thanh niên, có nơi chúng còn chủ trương bắt cả phụ nữ vào lính. Địch đã mở những cuộc càn vào nơi giáp ranh, vây ráp vùng tạm chiếm để bắt thanh niên. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy huyện, xã, nhân dân đã tích cực đấu tranh chống địch bắt thanh niên, đặc biệt là việc bắt phụ nữ vào lính; tổ chức chống càn để bảo vệ thanh niên.
Hòa nhịp với chiến trường chính
Ngày 13-3-1954, ta tiến công Him Lam, chính thức mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Căn cứ vào phương châm tác chiến Đông Xuân, các chiến trường đều đẩy mạnh các hoạt động để phối hợp với chiến trường chính. Nhận được chỉ thị của Trung ương phối hợp với chiến trường chính, rồi được tin bộ đội chủ lực tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bộ đội và du kích huyện như được tăng thêm sức chiến đấu mới, càng quyết tâm đánh địch giải phóng quê hương.
Từ tháng 3-1954, bộ đội địa phương cùng dân quân du kích huyện tiếp tục phá hoại đường giao thông, bao vây chặt các vị trí địch. Để cứu nguy cho những vị trí bị vây hãm, địch đã huy động từ 2 đại đội đến 1 tiểu đoàn lưu động địa phương mở những cuộc càn vào các xã Phượng Kỳ, Văn Tố, Tiên Động, Cộng Lạc... Nhưng chúng đều bị bộ đội và du kích đánh lui, không giải toả được những vị trí bị bao vây. Ông Hiệp kể, tháng 3-1954, tôi trực tiếp chỉ huy một mũi tiến công vào Nhà thờ Đại Lộ (nay thuộc xã Hà Thanh). Bốt này có hào bao quanh, kiên cố, rất khó đánh. Trong bốt có khoảng 100 tên địch, chủ yếu là người địa phương. Xác định được tầm quan trọng của bốt cũng như khó khăn khi tấn công trực tiếp, chỉ huy đại đội đã cử người bắt mối với một lính ngụy trong bốt tên là Bốn. Ông Bốn đã cho quân ta biết rõ bên trong bốt bố trí như thế nào, giờ giấc, quy định đổi gác... Đồng thời làm nhiệm vụ động viên, giác ngộ quân lính. Đến ngày giờ đánh bốt, ông Bốn mở cửa cho quân ta vào bất ngờ, quân địch không kịp trở tay. Nhờ đó, ta chiếm bốt an toàn tuyệt đối, bắt sống hơn 30 tên địch, từ chỉ huy đến binh sĩ.
Theo chỉ đạo của Quân khu Tả Ngạn về đợt hoạt động tổng công kích đường sắt, đường 5, bộ đội Tứ Kỳ đã được Tỉnh đội điều động lên cùng bộ đội các huyện Thanh Hà, Ninh Giang, Gia Lộc, Bình Giang và 2 tiểu đoàn của tỉnh tác chiến trên đoạn đường sắt, đường 5 từ Phú Thái về Cẩm Giàng. Đại đội Nguyễn Huệ lúc này lấy tên là Đại đội 79 tiến sâu vào vùng sau lưng địch ở huyện Kim Thành, tiêu diệt vị trí Cự Phạm và tham gia tiêu diệt các vị trí Phạm Xá, Cổ Dũng, An Bình, Quỳnh Khê. Trong suốt tháng 4 - 1954, trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, dân quân du kích càng đẩy mạnh các hoạt động tác chiến. Ở nhiều vị trí, địch bị bao vây chặt, buộc chúng phải tiếp tế bằng máy bay. Du kích lại tập trung bắn máy bay, làm cho một số dù tiếp tế không thả vào được vị trí. Địch không dám ra ngoài lấy nước ban ngày vì sợ du kích bắn tỉa.
Khi ta tổng công kích đợt 3 ở Điện Biên Phủ (đêm 1-5-1954), cùng với các đơn vị trong tỉnh Hải Dương, Đại đội Nguyễn Huệ tập kích vào vị trí địa phương quân Quý Cao (xã Nguyên Giáp) diệt và làm bị thương một số tên. Trong khi đó các bốt địch ở Đông Lâm, Hàm Hy, bốt đò An Thổ vẫn bị du kích bao vây chặt.
Trong suốt buổi nói chuyện, ông Hiệp luôn nhấn mạnh với chúng tôi về tài thao lược của Đảng ta và tầm quan trọng của chiến tranh nhân dân. Theo ông, bài học về phát huy sức mạnh nhân dân không chỉ có ý nghĩa trong thời chiến mà còn nguyên giá trị trong thời kỳ đẩy mạnh xây dựng đất nước hiện nay.
HẠNH DUYÊN