Còn nhiều khó khăn

Môi trường - Ngày đăng : 05:59, 30/04/2014

Mặc dù được đầu tư lớn nhưng việc vận hành công trình cấp nước ở đây cũng còn một số khó khăn, hạn chế cần được giải quyết...



Trạm cấp nước tập trung xã Hiệp Hòa bỏ hoang nhiều năm nay trong khi người dân
địa phương chưa được dùng nước sạch


Những năm gần đây, tỉnh ta xây dựng nhiều công trình cấp nước sạch ở huyện miền núi Kinh Môn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, việc đầu tư, vận hành công trình cấp nước ở đây cũng còn một số khó khăn, hạn chế cần được giải quyết.

Phấn khởi vì có nước sạch


Năm 2011, Nhà máy Nước sạch xã Thái Thịnh đi vào hoạt động với công suất thiết kế ban đầu 800 m3/ngày, đêm, tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Năm 2013, khi nhu cầu sử dụng nước tăng lên, Công ty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Hải Dương tiếp tục đầu tư 4 tỷ đồng lắp đặt hệ thống máy móc, nâng công suất vận hành của nhà máy đạt mức 2.000 m3/ngày, đêm, cấp nước cho 2 xã Thái Thịnh, Hiến Thành. Do nhu cầu sử dụng nước cao nên gần như Nhà máy Nước sạch Thái Thịnh phải vận hành 24/24 giờ. Nhiều tháng gần đây, mỗi tháng nhà máy có thêm khoảng 15 hộ dân đăng ký dùng nước sạch.

Khi được dùng nước sạch từ nhà máy này, người dân rất phấn khởi. Đến nay, xã Thái Thịnh có gần 1.600 hộ dùng nước sạch, chiếm 93% tổng số hộ của xã. Từ năm 2011 về trước, nhiều hộ dân dùng nước mưa, giếng khoan cho sinh hoạt hằng ngày nhưng vẫn chưa yên tâm về chất lượng nước. Có những hộ phải mua nước sạch từ nơi khác để sử dụng với giá vài chục nghìn mỗi m3. Bà Đinh Thị Loan ở thôn Tống Buồng cho biết: “Trước đây, mỗi tháng tôi phải mua 4-5 m3 nước sạch để dùng với giá 30 nghìn đồng/m3. Ngoài ra, tôi dùng nước mưa nhưng cũng lo nguồn nước này không bảo đảm vệ sinh. Khi có nước sạch của nhà máy, tôi dùng hoàn toàn nguồn nước này vì rất yên tâm về chất lượng. Mỗi tháng, tôi sử dụng hơn 20 m3, giá mua nước chỉ có 6.500 đồng/m3 đối với 10 m3 đầu”.

Đến nay, xã Hiến Thành cũng có tới 1.560 hộ dùng nước sạch, chiếm 67% tổng số hộ dân. Ông Vũ Xuân Xanh, Chủ tịch UBND xã Hiến Thành cho biết: “Trước đây, người dân dùng nước mưa, giếng khơi, một số hộ phải mua nước sạch với giá đắt. Sau khi nhà máy nâng công suất vận hành, đến nay nguồn nước có thể lên đến tầng 2, người dân rất phấn khởi. Hằng tháng, nhà máy đều gửi  giấy xét nghiệm chất lượng nước về xã, chất lượng nước bảo đảm theo quy định”.

Không chỉ ở 2 xã Thái Thịnh, Hiến Thành mà người dân nhiều xã, thị trấn khác của huyện Kinh Môn cũng đã được dùng nước sạch, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong những năm qua, nhiều công trình cấp nước ở huyện Kinh Môn đã được xây dựng. Đến cuối tháng 3-2014, 20 xã, thị trấn ở Kinh Môn đã được sử dụng nước sạch, có công trình cấp nước đang thi công hoặc được lập dự án đầu tư cấp nước. Nguồn vốn để xây dựng công trình cấp nước khá đa dạng, từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vốn WB đến vốn của doanh nghiệp, người dân đóng góp.



Năm 2013, Nhà máy Nước sạch xã Thái Thịnh được đầu tư 4 tỷ đồng nâng công suất cấp nước cho 2 xã Thái Thịnh, Hiến Thành

Điện “phập phù” ảnh hưởng đến cấp nước

Tuy đã được quan tâm đầu tư công trình cấp nước song việc đầu tư, khai thác, sử dụng nước sạch ở huyện Kinh Môn cũng còn một số khó khăn, hạn chế. Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, tính đến cuối tháng 3 - 2014, huyện Kinh Môn vẫn còn nhiều xã chưa được dùng nước sạch như: An Sinh, Hiệp Hòa, Lê Ninh, Phúc Thành, Hoành Sơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân những xã này chủ yếu dùng nước ngầm, nước mưa hoặc mua nước với giá đắt đỏ để phục vụ sinh hoạt. Một số người chưa yên tâm về chất lượng nguồn nước này.

Ở xã Hiệp Hòa có công trình cấp nước sạch bỏ không từ nhiều năm nay trong khi người dân chưa được dùng nước sạch. Công trình này được xây dựng từ năm 2000 với nguồn vốn gần 493 triệu đồng nhưng chưa hoạt động do UBND xã vi phạm cam kết không huy động vốn đối ứng đầu tư đường ống về các thôn, xóm. Người dân chủ yếu dùng nước ngầm, nước mưa cho sinh hoạt. Nhiều hộ dân phải mua nước từ một số gia đình ở địa phương khai thác nước ngầm với giá 15-25 nghìn đồng/m3. Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa, người dân địa phương rất cần nước sạch. Việc sử dụng nguồn nước nào để tạo ra nước sạch thì đơn vị cấp nước cần có khảo sát cụ thể vì ở địa phương có nguồn nước ngầm trên núi khá dồi dào.

Hiện nay, việc cung ứng nước sạch cho người dân chưa ổn định vì các nhà máy nước hay bị mất điện. Khi mất điện, nhiều người dân không có nước sạch để sử dụng nên rất bức xúc, đặc biệt là vào mùa hè. Ông Bùi Đức Nam, cán bộ phụ trách Nhà máy Nước sạch Thái Thịnh cho biết: “Từ đầu năm 2014 đến ngày 25-4 vừa qua, nguồn điện cung cấp cho nhà máy bị mất 13 lần. Có những lần thời gian mất điện tới hơn 2 giờ. Mỗi lần mất điện, nhà máy phải dừng hoạt động, nhiều người dân không có nước sử dụng nên rất bức xúc, nhất là các tháng mùa hè. Chúng tôi đã có hợp đồng sử dụng điện sản xuất với Điện lực huyện Kinh Môn nhưng nhiều lần điện sinh hoạt của người dân bị cắt thì chúng tôi cũng bị cắt. Mặc dù chúng tôi đã đề nghị Điện lực huyện Kinh Môn giải quyết tình trạng này nhưng điện vẫn còn phập phù”.

Tỉnh ta phấn đấu đến hết năm 2015, tất cả các xã nông thôn sẽ được xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung và cơ bản số dân người dân nông thôn được dùng nước sạch. Vì vậy, những xã còn lại của huyện Kinh Môn rất cần được cơ quan chức năng, doanh nghiệp quan tâm đầu tư công trình cấp nước để cung ứng nước sạch cho người dân. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương cũng cần quan tâm bảo đảm nguồn điện cho các nhà máy nước sạch vận hành.

NINH TUÂN