Sự toàn thắng của trí tuệ Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 10:02, 30/04/2014
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của chiến thắng 30-4-1975 vẫn còn nguyên vẹn.
Nhân dân Sài Gòn dự mít-tinh mừng chiến thắng
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của nhân dân ta, đã kết thúc cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ xâm lược trong cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm (1954- 1975). Thắng lợi đó được Đại hội IV của Đảng ta đánh giá như "một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người ".
Người ta vẫn còn đi tìm lời giải cho sự thất bại của một cường quốc về kinh tế và quân sự như Mỹ trước một đối thủ Việt Nam có tiềm lực kinh tế và quân sự thấp kém hơn nhiều. Song chiến thắng 30-4 đã phản ánh đúng quy luật muôn thuở của chiến tranh: mạnh được, yếu thua. Ở đây, mạnh và yếu trong toàn bộ cuộc chiến không thể giải thích bằng sự so sánh về sức mạnh vật chất, mà phải trên cơ sở so sánh về sức mạnh tổng hợp được tạo nên bởi trí tuệ của mỗi bên tham chiến. Chính bằng trí tuệ nổi trội so với đối phương, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã biết phát huy sở trường của mình, khoét sâu vào sở đoản của địch để tạo nên sức mạnh áp đảo, dồn đối phương vào thế phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sự toàn thắng của trí tuệ Việt Nam trong cuộc đối đầu lịch sử này thể hiện ở 3 phương diện chủ yếu: đánh giá đúng đối phương, có đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh sáng tạo.
Nói đến trí tuệ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước hết, phải nói đến trí tuệ của lãnh tụ Hồ Chí Minh, của Đảng ta trong việc đánh giá đúng sức mạnh của Mỹ và có quyết tâm dám đánh, quyết đánh Mỹ. Đứng trước một thế lực có tiềm lực kinh tế to lớn, bộ máy quân sự đồ sộ, lại rất tàn bạo và xảo quyệt như Mỹ lúc bấy giờ, ngay cả một số người ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta cũng đánh giá không đúng sức mạnh của Mỹ, lo ngại cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta sẽ bị Mỹ đè bẹp, không muốn ta đẩy mạnh đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Thế nhưng, vượt lên trên trí tuệ của thời cuộc, ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đi đến kết luận mà ít ai lúc đó nhận ra là: Mỹ giàu nhưng không mạnh như người ta tưởng và nhân dân ta hoàn toàn có thể đánh thắng Mỹ. Đây không phải là một nhận định duy ý chí, mà ngược lại, là một nhận định trí tuệ, có cơ sở khoa học vững chắc, dựa trên sự phân tích đúng đắn cả về thế và lực của địch, lẫn của ta với phương pháp luận của chủ nghĩa Mác- Lê-nin và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong khi không coi thường sức mạnh của vũ khí, trang bị và số lượng quân đội tập trung trong chiến tranh, Đảng ta xem xét so sánh lực lượng theo quan điểm phát triển, căn cứ vào sự đánh giá tổng hợp cả quân sự và chính trị, cả thế, lực và thời cơ; cả điều kiện khách quan và nghệ thuật lãnh đạo, cùng sự vận động của các yếu tố đó trong không gian và thời gian nhất định. Đảng ta thấy rõ những chỗ mạnh gắn với tiềm lực kinh tế và quân sự to lớn của Mỹ, nhưng cũng tỉnh táo phát hiện ra những chỗ yếu trí mạng, mà cái yếu nhất là về chính trị, bắt nguồn từ bản chất xâm lược và chính sách thực dân mới của nó. Những chỗ yếu trí mạng đó sẽ dẫn cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ đến thất bại tất yếu trước sức mạnh tổng hợp của cả một dân tộc có truyền thống tổ chức và tiến hành chiến tranh nhân dân chống giặc ngoại xâm, lại được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Nhận định có tính chiến lược đó đã đặt nền tảng cho việc sáng tạo nên đường lối và phương pháp cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do".
Sức mạnh của trí tuệ Việt Nam làm nên thắng lợi mùa xuân 1975 còn thể hiện ở việc Đảng ta có phương pháp cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh độc đáo, sáng tạo, cho phép hạn chế đến mức thấp nhất điểm yếu của ta, khoét sâu đến mức cao nhất những điểm yếu của địch để tạo nên sức mạnh tổng hợp áp đảo đối phương. Đó là sử dụng bạo lực cách mạng tổng hợp (gồm lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân) để chống lại bạo lực phản cách mạng dựa trên sức mạnh của vũ khí hiện đại. Đó là việc chỉ đạo và tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng phương thức tiến hành chiến tranh chính quy của thế lực xâm lược có tiềm lực quân sự, kinh tế vượt trội. Trong khi bạn bè quốc tế lo lắng cho cuộc chiến đấu của nhân dân ta trước sức mạnh quân sự của Mỹ, thì nhân dân ta vẫn vững tin vào khả năng đánh thắng bằng sức mạnh của chiến tranh nhân dân, gan góc "bám thắt lưng địch" để tìm cách vô hiệu hoá sức mạnh vũ khí của chúng, không cho chúng đánh theo cách đánh sở trường, mà phải đánh theo cách đánh và trong thế trận của ta. Bằng cách tổ chức và tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, Đảng ta đã huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia, khai thác và phát huy được mọi tiềm lực của đất nước, làm cho địch không thể phát huy được sức mạnh của vũ khí, lâm vào tình trạng quân đông mà hoá ít, mạnh mà hoá yếu, mắc vào những mâu thuẫn không sao giải quyết được giữa tác chiến tập trung và phân tán, giữa tiến công và phòng ngự, đánh nhanh giải quyết nhanh với đánh kéo dài…, dẫn đến hao mòn cả lực lượng và vật chất, suy sụp về tinh thần, cuối cùng phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh tổng hợp áp đảo giữa tiến công và nổi dậy của quân và dân ta. Chính với bản lĩnh và trí tuệ sắc sảo của mình, trên cơ sở kế thừa và phát triển nghệ thuật tổ chức đánh giặc của dân tộc, tiếp thu những bài học kinh nghiệm của nhân dân thế giới và tổng kết thực tiễn đấu tranh của nhân dân ta trong mấy chục năm chống Pháp và chống Mỹ, Đảng ta đã đưa nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lên đỉnh cao của chiến tranh nhân dân với những hình thức đấu tranh cực kỳ phong phú và sáng tạo. Đó là sự kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa từng phần của quần chúng với chiến tranh cách mạng, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ; thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ; vừa nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài, vừa biết tạo thời cơ và khi thời cơ đến thì kiên quyết mở những cuộc tiến công chiến lược đè bẹp quân địch, giành toàn thắng. Đó cũng là nghệ thuật đánh thắng địch từng bước, buộc Mỹ phải cút trước, sau đó dùng sức mạnh áp đảo để lật đổ chế độ nguỵ quyền tay sai; kết hợp vừa đẩy mạnh tiến công địch ở miền Nam, vừa bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, kiềm chế không gian chiến tranh và đánh thắng địch trong phạm vi miền Nam Việt Nam, không để lan tỏa thành chiến tranh thế giới. Có thể nói, những sáng tạo trong nghệ thuật tổ chức và tiến hành chiến tranh nhân dân của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là bí quyết thắng lợi của một nước nhỏ chống lại sự xâm lược của một tên đế quốc có tiềm lực quân sự và kinh tế to lớn. Bí quyết ấy vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay của nhân dân ta và của nhân dân thế giới.
NGUYỄN NGỌC HỒI