Vui mãi ngày toàn thắng
Tin tức - Ngày đăng : 07:57, 01/05/2014
Họ đều là lính lái xe đồng hương Hải Dương thuộc Trung đoàn 11, Sư 571, Binh đoàn Trường Sơn.
Những người lính Trường Sơn năm xưa thường xuyên gặp gỡ, động viên nhau trong cuộc sống. Trong ảnh: Biểu diễn văn nghệ
tại Đại hội đại biểu Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh nhiệm kỳ 2012-2017. Ảnh: Minh Mẫn
Trở về cuộc sống đời thường, họ thường xuyên gặp nhau, tuổi sáu, bẩy mươi rồi vẫn cười đùa như hồi trẻ, nhắc nhớ kỷ niệm chiến tranh, vui với niềm vui đất nước.
Nhập ngũ, học lái xe cấp tốc có ba tháng rưỡi, rồi nhận xe mới ở Lạng Sơn vận chuyển ngay súng đạn quân lương vào chiến trường. Trên đường rừng Trường Sơn luyện tay lái trong bom đạn, đêm tối, đèo cao, dốc ngược, suối gầm, thác đổ. Ban đầu đi đường đông Trường Sơn đổ “hàng” ở các binh trạm Tây Nguyên, Nam Bộ, sau đi đường tây Trường Sơn chi viện mặt trận Nam Lào, Cam-pu-chia. Đất nước hòa bình thống nhất chờ ngày ra quân về với vợ con thì bỗng lại có lệnh cấp tốc chở đạn, chở quân xuống biên giới Tây Nam... Họ không thể nhớ đã lăn bánh qua bao chặng đường, không thể cộng con số trên công-tơ-mét vì luôn phải thay xe đổi lái. Giữa đường gặp trận bom Mỹ đánh cháy xe hoặc núi lở lấp đường thì chỉ còn cách bốc dỡ hàng thật nhanh, rồi hò các em thanh niên xung phong xúm vào đẩy xe xuống vực, mở nhanh lối cho xe phía sau. Tiếc lắm, hầu hết là Din-khơ ba cầu (Liên Xô tài trợ) hoặc xe Giải Phóng (của Trung Quốc). Có điều thật lạ lùng, ngồi điểm lại danh sách số lính lái xe khóa 16 Trung đoàn 11 đồng hương Hải Dương ra trận giữa những năm chiến tranh khốc liệt nhất, nhưng chỉ hy sinh có một người. Nhưng xe thì... hy sinh khá nhiều! Không phải là của đi thay người mà chỉ là sự may mắn hy hữu. Để đến bây giờ họ còn được ngồi với nhau, tuổi sáu, bảy mươi rồi vẫn cười đùa như hồi trẻ, nhắc nhớ kỷ niệm chiến tranh. Như trường hợp binh nhất có tên Giám (quê Nam Định) chỉ trong mấy tháng liền bị máy bay bắn cháy và bị đổ tới tám chiếc xe, nhưng người không hề hấn gì! Anh Lê Công Huy và anh Lưu Đình Hạnh không nhớ hết những trận bom Mỹ đánh trúng đội hình đoàn xe. Bom nổ gần chỉ nghe một tiếng “ục” nhưng gió đánh mạnh có khi vỡ cả kính. Lần ấy sau tiếng bom anh Huy thấy máu chảy xuống ràn cả mặt. Hóa ra một mảnh bom phạt ngang qua đỉnh đầu bay cả mảng tóc và da đầu! Do anh cúi gập người ghì vô lăng đưa xe leo dốc, chứ ngồi thẳng lưng như đi trên đường chắc đã bị bom phạt… vỡ “gáo” rồi! Sau ngày ra quân, khi người về quê, người công tác làm ăn ở tỉnh ngoài nhưng anh em đồng hương trong đơn vị đã liên hệ hẹn gặp nhau vào một ngày của cuối tuần tháng tư để hàn huyên ăn mừng ngày toàn thắng. Không chỉ những người lính đã từng xông pha trận mạc mà tất cả các thế hệ người Việt Nam thời đánh Mỹ thì ngày vui nhất trong đời là ngày 30-4-1975 toàn thắng, ngày đất nước hòa bình thống nhất. Trong cuộc sống cung bậc niềm vui nỗi buồn của mỗi con người là ở mục tiêu, khát vọng mà người ta theo đuổi trong gian khổ, thậm chí phải hy sinh để đạt tới. Anh Huy kể rằng trong những năm chiến tranh anh “tổng kết” lại có ba lần nghe tin vui... sướng nhất đời. Hai lần khi được nghe tin, anh cùng đồng đội nhảy múa reo hò hết cỡ. Còn một lần khi hay tin anh chỉ muốn reo lên nhưng phải giấu lại vì là chuyện riêng tư gia đình. Tháng 2-1973, đoàn xe đang ở mặt trận Cánh đồng Chum (Lào) thì đại tá tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đi xe con ngược lại dang tay thông báo: Hiệp định Pa-ri lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Lính lái xe và lính bộ binh nhảy cả ra đường vỗ tay reo mừng. Thời gian sau tuy các cuộc bắn phá của địch đã giảm đi nhưng hoạt động vận tải cho chiến trường vẫn không ngừng nghỉ. Sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, bọn ngụy hoảng hồn rút chạy khỏi Tây Nguyên. Vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, đoàn xe của các anh chuyển sang chở toàn lính của Sư đoàn 320. Từ Gia Lai theo quốc lộ 14 tiến xuống quân cảng Cam Ranh. Địch bỏ lại cả máy bay xe cơ giới súng ống la liệt. Họ hành quân “tốc chiến tốc thắng” trên quốc lộ 1 tiến về Sài Gòn ngày đêm không ngừng nghỉ mà xe pháo lại không thể tăng hết tốc lực. Là vì sau thời gian vật vã trên những cung đường rừng núi gập ghềnh khiến xe bị rệu rã mòn trục, chạy trên đường nhựa mà xe nào bánh trước cũng lắc lư lảo đảo tưởng như có thể văng ra bất cứ lúc nào. Trưa 30-4, đoàn xe tạm dừng ở đầu xa lộ Biên Hòa. Pháo địch không rõ từ đâu vẫn câu tới, nổ gần. Phải cảnh giác tàn quân ngụy bắn tỉa. Mọi người đang sắp sửa ăn cơm trưa thì chiếc xe con của chính ủy Đinh Công Huy lao qua báo tin: "Quân ta vừa cắm cờ trên dinh Độc Lập. Tổng thống ngụy Dương Văn Minh vừa đã tuyên bố đầu hàng". Thế là mọi người nhảy túa lên reo mừng, ôm lấy nhau, miệng cười mà nước mắt cứ trào ra… Cùng lúc ấy anh lính chợt nhớ về quê, có hình bóng người vợ trẻ… Sau tháng 4-1975, lính lái xe Binh đoàn Trường Sơn tuy vẫn chưa được rời tay lái nhưng cũng bớt nỗi khắc khoải với câu ca dao: “Bao giờ săng lẻ ra hoa/ Ta luy ngang nước, ta ra Quảng Bình”. Khi những cánh rừng săng lẻ nở hoa là Tây Nguyên vào mùa mưa. Những con đường Trường Sơn nước ngập ta luy thì xe phải nằm lại ở các binh trạm hoặc đưa về bảo dưỡng ở hậu cứ Quảng Bình. Đó cũng là dịp cánh lái xe thấp thỏm vì có thể được tranh thủ về phép thăm nhà. Điểm lại, hầu hết lính xế đơn vị cưới vợ hoặc vợ có mang là vào mùa hạ. Nhưng cũng có anh số đen được mấy ngày phép ngắn ngủi nhưng lại không đúng chu kỳ vợ thụ thai. Thì chỉ có cách chờ đến mùa hoa săng lẻ năm sau. Anh Huy cũng thuộc diện ấy. Cưới năm 1974 nhưng phải đợi qua bảy mùa săng lẻ ra hoa mới được vợ báo tin vừa sinh con gái đầu lòng. Anh bảo đó là tin vui sướng thứ ba của đời lính. Thiếu úy Lưu Đình Hạnh cũng vậy. Người bạn thân cùng đơn vị vun vén cho cô em gái cùng quê, anh đã “tốc chiến tốc thắng” sau có bảy ngày nghỉ phép. Nhưng sau khi anh lên Phòng Tuyên huấn trung đoàn kỳ nghỉ phép về quê của anh thì không chỉ anh Huy mà cả đơn vị đều phấp phỏng trông đợi. Anh được đơn vị giao nhiệm vụ về thăm gia đình một chiến sĩ trùng tên với anh - Nguyễn Đình Hạnh là thương binh do vấp phải bom bi bị mù cả hai mắt - để tìm hiểu xem vợ anh Hạnh, chị Khéo, tuổi mới tròn hai mươi, có còn thực lòng chung thủy với chồng hay không? Họ cưới nhau được 1 tháng 5 ngày thì chồng nhập ngũ. Sau mấy tháng vắng bặt thư chồng thì chị Khéo liên tiếp nhận được những bức thư rất lạ. Đúng là lời lẽ của chồng chị nhưng chữ viết của những người khác và đều giấu không nói rõ vì sao, cũng không cho biết địa chỉ hòm thư. Và thư nào cũng viết: Bây giờ anh không còn có thể đem lại hạnh phúc cho em, và nhắc lại câu thơ của thư trước: “Em ơi thôi lấy chồng đi nhé/Cuộc đời anh như thế là xong”. Hoảng hốt, chị cùng bố chồng suốt năm ngày liền ăn bánh mỳ đi khắp các bệnh viện quân đội, trại thương binh ở Hà Nội hỏi xem có ai ở đây là thương binh quê Hải Dương tên là Nguyễn Đình Hạnh hay không? Trưa hôm ấy khi anh sĩ quan của đơn vị chồng tìm đến nhà, sau câu chuyện thăm dò, để tránh gây sốc cho ông bà già, anh gặp riêng chị Khéo ở bờ giếng trước nhà. Bây giờ anh mới đưa cho chị xem bức ảnh chụp chồng. Đúng là Hạnh chồng chị, đeo đôi kính râm. Anh ấy đã mất cả hai con mắt! “Dù anh ấy có tàn phế đến thế nào thì suốt đời em vẫn chung thủy”. Câu trả lời rắn rỏi cùng với sự cảm nhận từ tấm lòng người vợ trẻ xinh đẹp của người đồng đội khiến anh Lưu Đình Hạnh trở vào Quảng Trị hết sức phấn khởi tự tin báo cáo với cả đơn vị và nói với Hạnh thương binh rằng: Anh hoàn toàn có thể yên tâm tin tưởng ở vợ mình. Sau này mỗi lần qua Điềm Lộc, ghé thăm nhà Hạnh - Khéo, anh em đơn vị cũ rất mừng vì gia đình họ thật hạnh phúc! Vốn tính lạc quan, nhất là có trí thông minh biệt tài khéo léo của đôi bàn tay (dường như ông trời bù đắp cho sự thiệt thòi của đôi mắt) mà Hạnh cùng vợ xoay xở làm ăn kinh doanh rất thành đạt. Họ chăm sóc bố mẹ già, nuôi ba người con ăn học trưởng thành. Anh Hạnh đang năng nổ với vị trí công tác Phó Chủ tịch Hội Người mù của thị xã thì đột ngột ra đi do vết thương sọ não tái phát. Đông đảo cựu quân nhân đồng đội của anh đã có mặt, tổ chức tang lễ đúng với nghi thức quân đội… “Em mất chồng nhưng không để mất đồng chí bè bạn của chồng”. Chị Khéo nói vậy và không vắng mặt cuộc họp đồng ngũ nào của đơn vị chồng hằng năm vào dịp kỷ niệm 30-4. Cũng từ sau năm anh Hạnh mất, hội các anh ra “nghị quyết” không tổ chức luân phiên cuộc gặp mặt hằng năm ở các nơi như trước mà từ giờ chỉ tổ chức ở làng Điềm (nay đã lên phố), tại nhà anh Lê Công Huy, để năm nào các anh cũng ra nghĩa trang thắp hương cho người đồng đội dũng cảm tài hoa rồi mới về vào bữa liên hoan. Năm nay anh Huy rất vui sẽ đón khách tại ngôi nhà mới xây ba tầng, cửa và cầu thang đều bằng gỗ lim sang trọng, do tay nghề thợ mộc của anh xây dựng. Nhà chị Hạnh - Khéo thì người con út làm việc ở một tỉnh trong miền Nam mới đưa con gái cùng cô vợ (là gái mãi tận Bạc Liêu) về quê chung sống cùng mẹ. Anh Lưu Đình Hạnh sẽ báo tin với đồng đội là con trai anh sắp hoàn thành học vị tiến sĩ ở bên Úc, xong sẽ về nước làm việc. Người thành đạt trội nhất hội có lẽ là anh Quý, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu Quốc hội, là Tổng Giám đốc Công ty Đại Dương cũng mới điện về “đăng ký” sẽ tài trợ cuộc gặp mặt hôm này.
Mỗi niềm vui riêng sẽ góp đầy thêm cho cuộc vui chung. Họ sẽ còn vui mãi với ngày toàn thắng.
NGUYỄN PHÚC LAI