Điện Biên Phủ nhìn từ bên kia chiến tuyến

Tư liệu - Ngày đăng : 05:10, 07/05/2014

Người Pháp hiểu rằng súng đạn, hỏa lực hiện đại cũng không thể chiến thắng được sức mạnh của sự đoàn kết, sự khao khát giành độc lập của một dân tộc thuộc địa...



Mặc dù thất bại cay đắng nhưng những người bên kia chiến tuyến đều phải thừa nhận
Điện Biên Phủ là trận chiến họ đã thua Việt Minh một cách "tâm phục, khẩu phục"


Sự kiện quân Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 gây rúng động thế giới. Những câu hỏi đại loại như “kiến trúc sư trưởng” Na-va đã sai lầm khi xây dựng tập đoàn cứ điểm, hay lỗi của viên Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Kỳ-tướng Cô-nhi đã không  làm tròn trách nhiệm, hay là sự yếu kém trong chỉ huy phòng ngự của  viên Tư lệnh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - tướng Đờ Ca-xtơ-ri… 60 năm sau vẫn đang được các nhà nghiên cứu quân sự thế giới đi tìm câu trả lời. Còn đối với những người trong cuộc thì họ lại có cái nhìn về Điện Biên Phủ, về tướng Na-va theo cách của riêng mình.

Nói về Na-va, ông A-lanh Gri-ốt-tơ-rây, nguyên Tuỳ viên quân sự Pháp tại Đông Dương cho rằng: “Na-va là điển hình của một con người thẳng thắn, cứng rắn nhưng ngang bướng và cũng rất khó hiểu. Ông ta thực sự rất thông minh. Có lẽ vậy nên ông ta chỉ tin vào những nhận định của bản thân. Ý định của Na-va rất rõ ràng, đó là chế ngự toàn bộ quân đội của Việt Minh và để chứng minh cho Việt Minh thấy rằng họ không bao giờ có cơ hội chiến thắng”.

Vào thời điểm Na-va chọn cánh đồng Mường Thanh để xây dựng cho quân đội Pháp một cứ điểm hùng mạnh bậc nhất Đông Dương, không ít binh lính viễn chinh có mặt tại Điện Biên Phủ vào thời điểm đó đã bày tỏ sự lo ngại về một kết cục không có lợi... Ông  An-le, nguyên trung uý sĩ quan quân đội Pháp nhớ lại:  “Bản thân tôi khi đặt chân tới Điện Biên Phủ đã không muốn ở lại, tôi cảm thấy điều gì đó rất không ổn ở đây. Thung lũng này quá lớn và tôi có cảm giác chúng tôi ở vào thế bị động ”.         

Với những toan tính ban đầu của mình Na-va đưa quân lên Điện Biên Phủ nhằm ngăn chặn hành động uy hiếp quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với vùng đất Thượng Lào. Nhưng khi có các nguồn tin những đại đoàn chủ lực của bộ đội Việt Minh di chuyển lên Tây Bắc, trong đầu ông ta hình thành một kế hoạch mới đó là sẽ thu hút và tiêu diệt phần lớn quân chủ lực của Việt Minh tại thung lũng Mường Thanh hẻo lánh này... Và tất nhiên Na-va tin ông ta cầm chắc phần thắng - Điện Biên Phủ sẽ là một lối mở cho quân đội Pháp thoát khỏi sự sa lầy ở chiến trường Đông Dương trong danh dự. Về điều này, ông Hen-ri Phro-măng Mo-rít, nguyên cố vấn ngoại giao Pháp cho rằng tính toán của Na-va là có cơ sở: “Mặc dù thực tế rất khó khăn nhưng vào thời điểm đó chúng tôi nghĩ rằng nếu quân đội Pháp tập trung toàn bộ sức mạnh vào Điện Biên Phủ thì sẽ có cơ hội để chiến thắng Việt Minh”.

Na-va cho rằng, tương quan lực lượng của hai bên tham chiến là không đồng đều, tuy nhiên quân đội Pháp lại chiếm thế thượng phong về sức mạnh các loại hỏa lực... Ông ta và binh lính của mình tin rằng: với 24 khẩu pháo 105mm, một tiểu đoàn xe tăng, 4 khẩu đại pháo 155mm cùng nhiều súng cối 120mm sẽ dư sức đè bẹp đối phương. Trong khi những chiếc máy bay trinh sát, máy bay ném bom quần thảo ngày đêm sẽ dễ dàng khống chế toàn bộ các nguồn vận chuyển hậu cần của Việt Minh từ Khu 4, Việt Bắc và từ Trung Quốc về Điện Biên Phủ. Thế nhưng trung sĩ Ba-tô, nguyên phi công máy bay do thám của quân đội Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã miêu tả: “Rất nhiều các con đường, đó là một hoạt động được tổ chức rất tốt, những mục tiêu thường thoắt ẩn thoắt hiện. Chúng tôi có những bức hình đã được phân tích khá rõ về một tuyến đường vận chuyển của Việt Minh và tuyến đường đó hoàn toàn bị phá huỷ bởi máy bay của chúng tôi, nhưng chỉ 12 giờ sau, tuyến đường hoàn toàn được khôi phục một cách hoàn hảo”.  Còn ông Clốt - nguyên sĩ quan không quân Pháp khẳng định: “ Họ (Việt Minh) làm đường vào buổi đêm, và ngay ngày hôm sau đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bạn nên nhớ rằng họ không bao giờ để việc vận chuyển bị ngừng lại”.

Bước vào chiến dịch, đối mặt với tinh thần chiến đấu kiên cường với hệ thống hào giao thông ngày càng siết chặt cùng những cơn mưa dầm và cả những màn tra tấn của ruồi muỗi, xác chết ngày một nhiều trong trận địa co cụm, quân Pháp rơi vào cảnh cùng quẫn. Ông Gin-đrây, nguyên trung uý quân y Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ hồi tưởng: "Mặt đất biến thành bùn, một thứ bùn nhão nhoét ở khắp mọi nơi. Chúng tôi không bao giờ được khô ráo, bùn bắn vào cả những vết thương, thật kinh khủng”.

Đúng như những dự cảm bất an ngày đầu đặt chân đến Điện Biên Phủ, sau này nhớ lại thời điểm đánh dấu chấm hết của quân Pháp tại cánh đồng Mường Thanh vào chiều  7-5-1954, ông An-le viết: “Buổi chiều tối hôm đó, khi hầu hết các khu vực đã hoàn toàn bị phong tỏa, tôi cô độc trong hầm trú ẩn và cố tìm kiếm một người chỉ huy. Tôi suy nghĩ về tòa án binh, suy nghĩ về chiến dịch mà chúng tôi đã hoàn toàn thất bại. Với khẩu súng trong tay, tôi đã suy nghĩ về cái chết, thật khó để sống trong sự hổ thẹn này…”

LÊ THÀNH VINH