"Loạn" nước tinh khiết đóng bình
Thị trường - Ngày đăng : 05:55, 09/05/2014
Lựa chọn sản phẩm nước tinh khiết nào để bảo đảm sức khỏe giữa hàng trăm thương hiệu đang tồn tại trên thị trường là "bài toán" khó với người tiêu dùng...
Tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Duệ (TP Hải Dương), một bình nước
tinh khiết được bán với giá 5.000 đồng không tính vỏ
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nước tinh khiết đóng bình của người dân ngày càng phổ biến. Đáp ứng nhu cầu này, số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước tinh khiết xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, lựa chọn sản phẩm nước tinh khiết nào để bảo đảm sức khỏe giữa hàng trăm thương hiệu đang là vấn đề nhiều người tiêu dùng quan tâm.
Vàng thau lẫn lộn
Chỉ cần 5.000 đồng chị có thể mua được một bình nước tinh khiết 20 lít là lời giới thiệu của cô em họ tôi tên Hương, đang là sinh viên năm thứ 2 của Trường Cao đẳng Hải Dương về một cơ sở bán nước đóng bình giá rẻ trên đường Nguyễn Thị Duệ (TP Hải Dương). Hương cho biết: "Cả xóm trọ em đều mua nước ở đây để uống. Giá bán nước rẻ như vậy nhưng nếu chị mua 10 bình vẫn được bà chủ khuyến mãi thêm một bình". Để "mục sở thị" cửa hàng bán nước giá rẻ này, tôi vào vai một người cần mua nước. Vừa tới cửa hàng, bà chủ đon đả giới thiệu: “Chị mua máy lọc nước về phục vụ gia đình nhưng dùng không hết nên lọc thêm để bán cho các cháu sinh viên. Nếu em mua nhiều chị có thể bán giá rẻ hơn”. Nơi đặt máy lọc nước của cửa hàng này nằm ở một ngách nhỏ, tối tăm. Các bình nước thương hiệu Belmon, Saiga, Merry... được xếp chồng đống ở một góc tường. Bình sau khi được sục, rửa rồi chứa nước đem bán.
Tại cơ sở sản xuất nước tinh khiết Nghĩa Dung ở phường Nam Đồng (TP Hải Dương), bình đóng nước bày ngổn ngang ngay lối đi vào xưởng. Mặc dù khu nhà xưởng rộng hơn 200 m2 nhưng cơ sở này không có khu phân biệt bình chưa sục rửa với bình đã sục rửa. Công nhân vận hành máy và đóng bình nước đều không được trang bị bảo hộ lao động.
Nước thành phẩm được bán trên thị trường cũng lộn xộn về giá cả và chất lượng. Nhiều loại nước có thương hiệu còn bị làm nhái rất tinh vi. Tại cửa hàng tạp hóa Hồng Nhung ở khu Xuất Khẩu, thị trấn Gia Lộc (Gia Lộc), có bán sản phẩm nước tinh khiết đóng chai 20 lít của hãng Laska và sản phẩm nhái của nó là Lacka. 2 bình nước tinh khiết này có màu sắc nhãn sản phẩm khá giống nhau, nếu để cạnh nhau nhìn qua cũng khó phân biệt. Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ cửa hàng cho biết: "Nước Lacka chỉ 15 nghìn đồng/bình, nước Laska 38 nghìn đồng/bình".
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, toàn tỉnh hiện có 77 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước tinh khiết, chủ yếu trên địa bàn thị xã Chí Linh và TP Hải Dương. Hầu hết các cơ sở đều đăng ký sử dụng hoàn toàn bằng nước thủy cục (theo TCVN 6096:2007 đạt tiêu chuẩn về vệ sinh, có thể uống). Tuy nhiên, ngoài 77 cơ sở kinh doanh được cấp phép quản lý trên, hiện nay một số cơ sở kinh doanh nước tinh khiết đóng bình lén lút sản xuất tại nhà, chưa được cấp phép. Phần lớn những hộ sản xuất này có quy mô nhỏ, lẻ. Các cơ sở thường mua máy lọc nước nhỏ sau đó lấy vỏ bình của các hãng khác để đóng nước bán với giá rẻ. Ông Đinh Quang Tuấn, Trưởng phòng Thông tin truyền thông và Quản lý ngộ độc thực phẩm (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) cho biết: "Định kỳ 6 tháng 1 lần, chi cục thành lập đoàn kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh của 77 cơ sở sản xuất nước tinh khiết trên. Đến nay, chưa mẫu nước của cơ sở nào vi phạm về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra chi cục chỉ phát hiện một số cơ sở vi phạm các vấn đề về vệ sinh môi trường, công nhân hết hạn tập huấn, chưa có giấy khám sức khỏe…”. Nước uống đóng chai không bảo đảm chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Với một dây chuyền sản xuất hiện đại, nước được kiểm nghiệm, lưu mẫu thường xuyên, vỏ bình được sục rửa bằng thủy lực... khó có thể bán với giá chỉ 5.000 đồng/bình.
Người tiêu dùng lo lắng
Do tiện dụng nên mỗi tháng gia đình chị Nguyễn Tuyết Nhung ở khu 2, phường Việt Hòa sử dụng từ 1-3 bình nước tinh khiết. Ngoài dùng để uống, chị còn dùng để nấu ăn, pha sữa cho con. Giá bán bình nước tinh khiết cũng không quá đắt lại được phục vụ tận nhà nên chị Nhung sử dụng loại nước này đã gần 2 năm nay. Tuy nhiên, chị Nhung thú nhận: “Tôi khó có thể biết chất lượng nước thông qua mắt thường. Thời gian gần đây đọc báo thấy thị trường nước tinh khiết rối loạn, không biết chất lượng đến đâu tôi cũng rất lo lắng. Những bình nước ở nhà tôi để lâu cũng thấy có vẩn đục không biết là tạp chất gì? Nghe đài, xem báo tôi thấy ở Hà Nội người ta đã phát hiện nước đóng bình có chứa trùng mủ xanh. Có lẽ, tôi cũng chuyển sang dùng nước đun sôi để nguội cho an toàn".
Theo các nhà khoa học, nước tinh khiết chỉ có trên lý thuyết hoặc trong phòng thí nghiệm, không có trong thực tế (là nước chỉ có ô-xy và hy-đrô kết hợp). Nước được gọi là tinh khiết trên thị trường chỉ bảo đảm về mặt vệ sinh, chứ không tốt về mặt sức khỏe, đặc biệt là dùng lâu dài. Hơn nữa, những loại nước “tinh khiết” do các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, yếu tố vệ sinh chưa chắc đã bảo đảm. Do đó, gần đây đã có không ít người tiêu dùng thay vì sử dụng nước đóng bình đã chuyển sang dùng nước sôi hoặc đầu tư máy lọc nước để tự lọc sử dụng trong gia đình.
Thời tiết mùa hè nóng, ẩm, nhu cầu nước uống sẽ tăng. Để bảo đảm sức khỏe người dân nên chọn uống những loại nước đóng bình uy tín, được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận an toàn, vệ sinh thực phẩm. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.
LAN ANH