Nàng dâu hư
Đời sống - Ngày đăng : 07:47, 13/05/2014
Bà Hồng đau khổ và buồn lắm khi con trai ra tòa bỏ vợ bởi mong ước cuối đời của bà là được nhìn thấy con hạnh phúc trong một gia đình êm ấm thuận hòa...
Ngày cậu Tuấn, con trai bà Hồng lấy vợ, ai ai trong xóm cũng mừng vui cho gia đình bà. Nhà bà thuộc dạng vất vả, nghèo khó nhất xóm, khi chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con một mình. Tuấn, con trai bà đã ngoài 30 tuổi, bà phải giục mãi mới chịu lấy vợ về để cho mẹ vui, đồng thời có thêm người để gánh vác việc đồng áng, chung tay vực dậy nền kinh tế vốn lúc nào cũng thiếu đói vài ba tháng trong một năm. Sở dĩ Tuấn lấy vợ muộn vì cậu luôn đưa ra lý do với mẹ là: “Nhà mình nghèo quá, liệu có cô gái nào chịu lấy mình không? Với lại, liệu nghèo quá khi lấy được vợ rồi cuộc sống có hạnh phúc?”.
Những trăn trở, đắn đo của Tuấn rồi cũng bị dẹp bỏ khi có người làng làm mai mối cho một cô gái ở làng kế bên năm nay vừa tròn 20 tuổi. Cô gái không xinh nhưng gia đình thuộc dạng có điều kiện kinh tế hơn nhà Tuấn, và đám cưới diễn ra nhanh chóng sau 2 tuần Tuấn sang tìm hiểu.
Đám cưới xong, hàng xóm gặp bà Hồng đều tay bắt mặt mừng nói rằng từ nay bà sẽ đỡ vất vả vì mọi chuyện đã có con dâu, con trai lo. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ được độ vài tháng, nàng dâu của bà bắt đầu lộ hết những bản tính hư xấu khiến bà từ thất vọng chuyển qua đau khổ. Những buổi đi làm đồng về, thấy bà sửa soạn cơm nước chưa xong nàng dâu của bà mặt nặng mày nhẹ, thậm chí có hôm cô còn không thèm chào hỏi bà. Vì nghĩ con còn trẻ nên bà cũng không nói qua nói lại gì mà để hết trong bụng. Giai đoạn đầu con dâu bà Hồng chỉ dám “đá thúng đụng nia” thế thôi, về sau thì cô “bật” lại bà tanh tách, bà nói một câu là con dâu cãi lại ngay, bất kể đúng, sai. Có bữa ở đồng về, thấy bà Hồng đang nấu cơm trong bếp, lúc đó đã là hơn 11 giờ trưa, Thủy - con dâu bà nói đổng vọng từ giếng nước: “Ở nhà nấu có mỗi bữa ăn mà giờ này chưa xong! Chẳng biết làm gì, sờ sẫm gì mà giờ này mới nấu…”. Nghe con dâu nói vậy, bà Hồng rất buồn, nhưng bà vẫn để bụng, đợi giờ cơm tối xong, đợi con trai đi chơi bên nhà hàng xóm bà mới gọi con dâu ra bảo: “Thủy này, con đừng có cái kiểu nói xách mé, trống không như thế với mẹ! Ở nhà mẹ cũng phải làm bao việc không tên chứ mẹ có chơi đâu. Nếu con cảm thấy mẹ ở nhà là nhàn hạ thì mai mẹ ra đồng…”. Không chịu tiếp thu là mình sai, Thủy đốp chát lại ngay: “Mẹ nói việc không tên là những việc gì? Mẹ chỉ giỏi sang nhà hàng xóm buôn dưa lê chứ mấy cái việc không tên như quét dọn nhà cửa, nấu cơm nước con làm rốt. Nếu mẹ thích thì mẹ cứ ra đồng làm, việc đó trưa đi làm về con sẽ đảm nhiệm hết…”.
Từ bữa mẹ chồng con dâu sinh ra nhiều chuyện hục hặc, đôi lúc mặt nặng mày nhẹ đến cả tuần không chào hỏi nhau, Tuấn cũng khó xử và buồn lắm. Nếu anh nói, dạy vợ thì Thủy lại đổ vạ cho anh bênh mẹ, mà góp ý với mẹ thì mang tiếng là bênh vợ, hắt hủi mẹ. Nhiều lần thấy Thủy cãi mẹ quá đáng, Tuấn đã tát vợ nhưng không ngờ sau đó Thủy lại càng láo với bà Hồng vì nghĩ bà xúi giục chồng đánh mình.
Đỉnh điểm sự hư láo của Thủy là sau một hôm cãi nhau to, Thủy đã nhất quyết “đuổi” bà Hồng ra ăn riêng, chứ không ăn chung nồi chung mâm nữa. Thủy nói với bà Hồng rất xấc láo: “Từ ngày hôm nay bà ăn riêng ra. Nếu nhà tôi không đồng ý như vậy thì giải tán luôn chứ không thể chấp nhận được. Ruộng của bà bà làm, của vợ chồng tôi, tôi làm…”. Tuấn không có nhà do thường xuyên đi làm thuê trên tỉnh nên không được chứng kiến nhiều vụ cãi cọ nhau giữa mẹ và vợ, anh chỉ nghe lời kể lại của hàng xóm và từ hai phía, một bên là mẹ và một bên là vợ. Hôm ở tỉnh về sau một chuyến làm thêm, thấy mẹ dọn mâm ăn cơm một mình, Tuấn hỏi: “Ở nhà mẹ với cái Thủy lại cãi nhau hay sao mà như vậy?”. Bà Hồng kể lại sự việc cho con trai nghe. Sau khi sang dò hỏi thông tin từ những người hàng xóm và nghe họ góp ý, ngay ngày hôm đó, đợi Thủy đi làm về, Tuấn đã đuổi cô về bên ngoại. Trước khi đuổi vợ, Tuấn đã chỉ thẳng mặt bảo: “Mẹ tao là người đã quá khổ, đã hy sinh cả tuổi thanh xuân chỉ để bù đắp cho tao, vậy mà mày không biết! Mày quá hư láo khi suốt ngày sinh chuyện với mẹ. Nếu mẹ tao là người không biết nghĩ phải trái trước sau thì đã dắt mày về trả bố mẹ mày từ lâu rồi chứ không đợi đến bây giờ…”.
Bà Hồng cũng đau khổ và buồn lắm khi con trai ra tòa bỏ vợ bởi mong ước cuối đời của bà là được nhìn thấy con hạnh phúc trong một gia đình êm ấm thuận hòa… Nhưng hàng xóm ai cũng an ủi bà, nỗi buồn rồi sẽ nguôi ngoai theo thời gian, một người con hiếu thảo như Tuấn nhất định sẽ tìm được một người con gái khác phù hợp hơn.
NGUYỄN LONG