Ấn tượng bản Lác
Du lịch - Ngày đăng : 13:59, 13/05/2014
Điều khác biệt ở bản Lác là hình thức du lịch theo nhà (homestay). Khách ăn, ngủ tại nhà sàn và được sống đúng với nếp sinh hoạt sẵn có của người bản địa.
Khung cảnh yên bình của bản Lác
Mỗi năm một lần chúng tôi được cơ quan cũ tài trợ một chuyến tham quan du lịch. Năm nay tôi tra mạng tham khảo 5 - 7 nơi và quyết định chọn Mai Châu (Hòa Bình).
Mai Châu là một huyện lỵ miền núi xinh đẹp. Đó là một thung lũng với núi rừng trùng điệp, ruộng bậc thang và những nếp nhà sàn lô nhô, xinh xắn. Từ Hà Nội, theo quốc lộ 6, qua thị trấn Xuân Mai, qua TP Hoà Bình, vượt dốc Cun hiểm trở (dài 12km), qua huyện Cao Phong, Tân Lạc, và đèo Thung Khe là tới Mai Châu. Tuy cách Hà Nội tới 130km, Mai Châu vẫn là điểm đến thú vị được nhiều du khách lựa chọn, đặc biệt là khách nước ngoài.
Đến Mai Châu, qua chiếc cầu Lác nhỏ là rẽ vào bản Lác. Thật bất ngờ! Tuy là nơi sinh sống lâu đời của người dân tộc thiểu số nhưng bản Lác có đường nhựa trải đến tận chân nhà sàn. Có cái gì đó đối nghịch gợi lên khi chúng tôi trông thấy hàng dãy xe Innova, Camry, Ford… nối đuôi nhau đậu san sát bên dưới các nhà sàn mộc mạc bằng gỗ.
Bản Lác là bản lớn. Nhà sàn trong bản vừa là nhà nghỉ, nơi bán vật kỷ niệm, vừa là nhà ăn phục vụ lữ khách những món ăn đặc sắc của người Thái. Điều khác biệt nhất ở nơi đây có lẽ là hình thức du lịch theo nhà (homestay). Tại bản, có khoảng gần 30 hộ kinh doanh dịch vụ này. Khách có thể đăng ký ăn, ngủ tại nhà sàn và được sống đúng với nếp sinh hoạt sẵn có của người bản địa. Đoàn chúng tôi gồm ba chục người, đăng ký ở 1 nhà sàn có ngăn riêng cho nam và ngăn riêng cho nữ, giá thuê phòng mỗi người chỉ 20 nghìn đồng/ngày đêm với đầy đủ tiện nghi như: chiếu, đệm, chăn, màn, quạt, ti-vi, ka-ra-ô-kê...
Nếu có thì giờ, mọi người có thể thuê xe đạp đi vòng quanh bản Lác và các bản xung quanh. Chỉ ở trong bản Lác nên chúng tôi đi bộ để chiêm ngưỡng núi rừng và thở hít không khí trong lành. Buổi tối đoàn chúng tôi yêu cầu được xem hát và múa do các thanh, thiếu niên địa phương trình diễn. Sô diễn gồm tới trên 10 tiết mục với các trang phục và đạo cụ đặc trưng của múa xòe, múa quạt, múa khèn… kể cả múa sạp với giá trọn gói chỉ 700 nghìn đồng.
Thông thường nhà sàn nào ở Mai Châu cũng đều có chỗ nấu ăn phục vụ khách luôn ở bên dưới. Chúng tôi đặt bữa ăn đặc sản với mức cao nhất cũng chỉ hết khoảng 100 nghìn đồng/suất ăn. Một con lợn mường nặng khoảng 15kg được chế biến với đủ món: hấp, nướng, canh, lòng… là đủ cho 30 người dùng.
Đặc sản Mai Châu có nhiều nhưng ngon hơn cả vẫn là xôi nếp trong ống lam ăn với thịt gà đồi, thịt lợn Mường, cá suối hấp lá dong, su su luộc chấm muối vừng… Khi đến Mai Châu, thứ quà phổ biến nhất có thể mua mang về là những ống cơm lam cùng với các gói vừng rang. Một số người còn mua vòng bạc hay đồ thổ cẩm như: áo, khăn, chăn… về hay xách một hai chai rượu nếp cẩm hoặc ít mớ rau sắng để về xuôi thưởng thức.
Điều khiến cả đoàn ngạc nhiên và có ấn tượng nhất là an ninh ở bản Lác thật tuyệt vời! Dưới nhà sàn cả đêm lẫn ngày đều để mở tự do. Đồ đạc quý như ti-vi, loa đài, tủ lạnh, xe máy, hàng chục xe đạp ở các nhà hàng cho thuê, kể cả các hàng thổ cẩm bày bán (rẻ thì vài ba chục, đắt thì vài ba trăm nghìn đồng/chiếc) đều không sợ mất mát. Anh Hà Công Toản, chủ nhà chúng tôi trọ, vốn là Bí thư Huyện đoàn cho biết từ xưa đến giờ ở bản Lác không bao giờ có chuyện mất mát, trộm cắp. Thật là một điều hiếm có.
Nhân xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) đang triển khai du lịch cộng đồng ở vùng Đảo Cò, thiết tưởng cũng nên đến và tham khảo mô hình làm du lịch ở bản Lác để thu hút khách.
NGUYỄN VĂN KHANG