Nhiều đề tài không có sức sống
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 05:36, 14/05/2014
Bên cạnh những đề tài được nhân rộng thì vẫn có một số đề tài chỉ thực hiện được 1 năm rồi bị chìm vào quên lãng vì không mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Các đề tài trong lĩnh vực hoa, cây cảnh khó được nhân rộng do đòi hỏi kỹ thuật và vốn đầu tư cao.
Trong ảnh: Hoa lan được trồng tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học
Những năm qua, tỉnh ta đã dành số tiền khá lớn đầu tư cho các đề tài khoa học ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh những đề tài được nhân rộng thì vẫn có một số đề tài chỉ thực hiện được 1 năm rồi bị chìm vào quên lãng vì không mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Không nhớ đã thực hiện đề tài
Từ gợi ý trong cuốn "Kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2010" của UBND tỉnh, chúng tôi về thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) để tìm hiểu đề tài thực hiện từ năm 2009-2010 mang tên "Áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cây dưa hấu trồng trên địa bàn tỉnh Hải Dương". Tuy nhiên, đi hỏi nhiều người ở thôn Xuân Nẻo về 2 giống dưa hấu TN 386 và TN 755 được đề tài thực hiện ở đây thì chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời là không biết hoặc chưa nghe nói đến.
Một trong những lĩnh vực được tập trung nghiên cứu nhiều năm qua nhưng cũng khó nhân rộng là hoa, cây cảnh. Tỉnh ta hiện có khoảng 300 ha trồng các loại hoa cúc, hồng, vạn thọ… Năm 2010-2011, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) xây dựng mô hình trồng thử nghiệm giống hoa cẩm chướng Đài Loan. Hoa được trồng thử nghiệm với quy mô 8.700 cây tại hộ ông Đặng Đức Yên ở thôn Phù Liễn, xã Hồng Phong (Nam Sách) và vườn hoa của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học. Tuy nhiên, sau khi đề tài hết thời gian thực hiện, giống hoa này cũng “mất hút” theo. Tỉnh ta cũng đã đầu tư số tiền không nhỏ để nghiên cứu và nhân rộng mô hình lúa lai. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ diện tích lúa lai của cả tỉnh vẫn rất thấp, chỉ đạt từ 8-9% diện tích trồng lúa.
Trong lĩnh vực chăn nuôi cũng vậy, nhiều mô hình như nuôi gà, cá lăng chấm, tôm càng xanh... chỉ tồn tại được khi thực hiện đề tài, có sự hỗ trợ của Nhà nước, còn khi đề tài kết thúc thì người dân cũng không nuôi các giống này nữa.
Các đề tài khoa học trong nông nghiệp không nên ứng dụng đại trà ngay mà cần thử nghiệm quy mô nhỏ trước. Ảnh: Phùng Trọng Tuệ
Để tìm hiểu về 2 giống dưa hấu TN 386 và TN 755 thực hiện theo đề tài từ năm 2009-2010, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân Liễu, nguyên Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ). Ông Liễu cho biết, năm 2010, xã thực hiện đề tài khoa học về cây dưa hấu tổng diện tích mỗi loại 2,5 ha do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa về. Hầu hết các nhà đều tham gia. Gia đình tôi cũng trồng 3 sào. Về kỹ thuật chăm bón, giống đều được đề tài hỗ trợ và không có vướng mắc gì trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch thì vỏ dưa vừa dày vừa đen, vân không đẹp nên rất khó bán. Nếu những giống dưa của các thôn khác trồng bán được 4.500 - 5.000 đồng/kg thì chúng tôi phải bán thấp hơn họ ít nhất 1.000 đồng/kg. Chính vì thế mà bà con nông dân chỉ trồng 1 vụ rồi bỏ, không trồng nữa. Ông Nguyễn Văn Xô, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Đạo hiện nay cho biết, hằng năm, có nhiều doanh nghiệp về địa phương để giới thiệu các giống mới. Họ cũng hỗ trợ trồng thử nghiệm. Chính vì thế, nông dân có cơ hội để lựa chọn các giống phù hợp với điều kiện tự nhiên và thị trường. Hiện nay, bà con nông dân chủ yếu trồng giống dưa Hoàn Châu, Thành Nông, Sao Việt... Đây đều là những giống có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, bán được giá trên thị trường nên 2 giống TN 386 và TN 755 trước đó nhanh chóng bị loại bỏ.
Còn ông Đặng Đức Yên, người đã tham gia trồng 2.400 cây hoa cẩm chướng theo mô hình xây dựng năm 2010-2011 thì cho biết, thân hoa mềm, khó chăm sóc, lại thường bị nhện đỏ, rệp phá hại. Trồng được hoa ngoài việc đất phải được làm kỹ, nhỏ mịn, lên luống phẳng, thì phải có lưới che phủ hoặc làm nhà kính chống sương mai, mưa và gió bão. Để đầu tư được như vậy thì số vốn bỏ ra lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. Tôi chỉ trồng ngoài trời nên tỷ lệ hoa chết cao, lên đến trên 20%. Năm đó, tôi trồng hoa bị lỗ nên không muốn tiếp tục trồng nữa.
Ông Nguyễn Cao Đam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) thừa nhận, đề tài kết thúc và không thể nhân rộng do kỹ thuật chăm bón tỉ mỉ, vốn đầu tư lớn, trong khi đó kinh phí hỗ trợ cho đề tài còn ít, vốn của nông dân cũng không nhiều nên nông dân không mặn mà nữa. Còn theo ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều đề tài trong lĩnh vực nông nghiệp đã phát huy được tác dụng, tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn và chất lượng cao trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những đề tài chỉ thực hiện được một thời gian ngắn rồi bỏ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, một phần do khoa học nông nghiệp luôn phát triển, đổi mới. Chính vì thế, khi đưa các giống vào sản xuất thực tế, nếu thấy không mang lại hiệu quả thì sẽ được nghiên cứu lại để đưa ra những giống cho phù hợp hơn. Bên cạnh đó, tác giả một số đề tài chưa nghiên cứu kỹ thực tế xem có phù hợp, có thể phát triển được hay không? Một số đề tài đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, vượt quá khả năng của người thực hiện.
Để các đề tài mang tính ứng dụng được nhân rộng, trước khi thực hiện, những người đưa đề tài về cần xem xét một cách tỉ mỉ các điều kiện để vật nuôi, cây trồng có thể phát huy được thế mạnh. Đồng thời, cũng không nên ứng dụng đề tài ồ ạt, mà cần có lựa chọn để thử nghiệm trong quy mô nhỏ ở từng vùng. Có như vậy, đề tài khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp mới có thể mang lại hiệu quả.
NGỌC MINH