Sức lan tỏa của một hành động đẹp

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 03:16, 17/05/2014

Hành động cao cả hiến tặng giác mạc của chị Nguyễn Thị Nga ở thị trấn Tứ Kỳ đã lôi cuốn nhiều người khác làm theo...


Hàng chục nghìn người bị mù mỗi năm rất cần được ghép giác mạc

Suy nghĩ được toàn thân khi "nhắm mắt xuôi tay" tồn tại trong tâm thức của mỗi người Việt từ bao đời nay. Vậy mà, chị Nguyễn Thị Nga ở khu An Nhân Tây, thị trấn Tứ Kỳ (Tứ Kỳ) là người đầu tiên của tỉnh ta sẵn sàng đăng ký hiến tặng giác mạc cho người khác sau khi qua đời. Hành động cao đẹp ấy đã thôi thúc cho nhiều tấm lòng khác cùng làm theo.

Nghĩa cử cao đẹp của chị Nga

Tại buổi lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của chị Nga do Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với UBND huyện Tứ Kỳ tổ chức ngay tại quê hương của chị vào cuối tuần qua, nhiều người không khỏi xúc động khi nghe bà Vũ Thị Dụ, mẹ của chị Nga chia sẻ tâm nguyện của con gái trong những ngày tháng cuối cuộc đời về việc được hiến tặng giác mạc. Căn bệnh u tủy sống đã khiến cô bé Nga đang học lớp 9 buộc phải nghỉ học, nằm liệt một chỗ. Một lần Nga nghe được thông tin trên đài phát thanh về chương trình hiến tặng giác mạc, cô quyết định sẽ mang lại ánh sáng cho người khác. Bà Dụ chia sẻ: "27 năm sống trên đời thì có đến 10 năm cháu chịu đau đớn vì bệnh tật hành hạ. Trên giường bệnh, cháu chỉ còn mỗi đôi mắt vẫn trong trẻo, tràn đầy tình thương. Cháu tha thiết xin gia đình chấp nhận hiến tặng giác mạc khiến chúng tôi rất xót xa nhưng cuối cùng cũng làm theo di nguyện của con". 22 giờ ngày 21-2 -2014, chị Nga đã trút hơi thở cuối cùng. Di nguyện của chị đã được thực hiện và Bệnh viện Mắt Trung ương đã phẫu thuật mang lại ánh sáng cho hai người mù do bệnh lý về giác mạc. "Dù không biết người được nhận giác mạc từ con gái của mình là ai nhưng gia đình tôi rất xúc động và được an ủi phần nào về sự chia sẻ, động viện của cộng đồng đối với nghị lực sống và nghĩa cử đẹp của con gái", bà Dụ xúc động cho biết.

Nghe đến câu chuyện cảm động của chị Nga, đã có thêm 12 người khác ở huyện Tứ Kỳ cùng đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Điển hình như ông Tô Quang Khuê (64 tuổi) ở xã Kỳ Sơn đã tình nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc và các mô, tạng của bản thân phục vụ nghiên cứu khoa học và giúp đỡ những người kém may mắn. Ông Khuê tự tìm hiểu và được cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã cho biết người hiến tặng giác mạc không phân biệt về tuổi tác, giới tính hay có thị lực kém, ngay cả người mắc bệnh nan y như ung thư, đái tháo đường... vẫn có thể hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. "Tôi đã thuyết phục gia đình đồng ý để tôi hiến tặng giác mạc với mong muốn dù khi qua đời nhưng vẫn còn cơ hội để lại một chút sự sống cho những người kém may mắn hơn", ông Khuê nói. Cụ Vũ Huy Quang (91 tuổi) ở xã Minh Đức cũng tình nguyện gửi đơn hiến tặng giác mạc sau khi qua đời mà không yêu cầu thêm bất cứ điều kiện nào.

Cần nhiều người hiến tặng

Theo Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, trong 7 năm (2007-2014) cả nước có trên 35 nghìn người đăng ký hiến tặng giác mạc ở 13 tỉnh, thành phố, trong đó có 210 người hiến tặng giác mạc (chủ yếu ở Ninh Bình) sau khi qua đời.

Bác sĩ Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Trưởng Khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: "Toàn quốc có khoảng 300 nghìn người bị hỏng một mắt hoặc cả hai bên có thể phục hồi nếu được ghép giác mạc. Con số này mỗi năm có thể tăng thêm cả chục nghìn người. Với nguồn tài trợ của nước ngoài, mỗi năm nước ta mới chỉ ghép được 100 - 150 người". Theo bác sĩ Đông, với hành động cao đẹp của chị Nga, tới đây, Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương sẽ phối hợp với các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, nhất là Hội Chữ thập đỏ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân trong tỉnh hiểu biết về việc hiến tặng giác mạc, phấn đấu xây dựng Hải Dương trở thành địa phương phát triển phong trào hiến tặng giác mạc với nhiều người tham gia viết đơn tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Ông Nguyễn Ngọc Quy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: "Sau khi Luật Hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được thông qua, việc tuyên truyền, vận động người dân tình nguyện hiến mô, nội tạng được các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh chú trọng. Hành động của chị Nga rất có ý nghĩa, thôi thúc mọi người cùng noi theo. Công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng giác mạc ở tỉnh ta thời gian tới cũng sẽ thuận lợi hơn".

NGUYÊN THẢO

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Đông, giác mạc được tiếp nhận chỉ sau khi người hiến qua đời trong vòng 6-8 tiếng là tốt nhất, nên khi có ai đó qua đời, nếu có nguyện vọng muốn hiến giác mạc, thân nhân của người quá cố sẽ gọi điện thoại báo cho Ngân hàng Mắt để làm thủ tục hiến. Việc lấy giác mạc khá đơn giản, chỉ với 15-20 phút, giác mạc đã được lấy mà không làm thay đổi gì đến khuôn mặt, nhãn cầu vẫn còn nguyên trong hốc mắt. Việc hiến tặng giác mạc là một hành động mang ý nghĩa nhân đạo cao cả. Người hiến tặng giác mạc sẽ được ghi danh, thân nhân của người hiến tặng sẽ được ưu tiên trong việc khám, chữa mắt và được ưu tiên ghép giác mạc trong trường hợp họ mắc bệnh về giác mạc cần phải thay thế.