Phải có sẵn kịch bản kinh tế trong mọi tình huống
Tin tức - Ngày đăng : 08:57, 24/05/2014
Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao
Ngày 23-5, Quốc hội (QH) bước vào ngày làm việc thứ 4. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận tại tổ, cho ý kiến về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án bảo đảm cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Tính toán kỹ tác động từ vụ giàn khoan Hải Dương 981
Chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ
Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Dương): Đi lên bằng chính đôi chân của mình |
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề nghị làm rõ hơn những đánh giá về tiến độ, chất lượng, hiệu quả thực hiện đề án tái cấu trúc nền kinh tế; bổ sung đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... Đại biểu Thăng đề xuất báo cáo cần bổ sung diễn biến những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam sau khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, đặc biệt nếu Trung Quốc rút công nhân, rút nhà đầu tư về nước. Từ đó, đưa ra các giải pháp ứng phó với các tình huống, chủ động cải thiện môi trường đầu tư.
Cùng quan điểm với đại biểu Thăng, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, Chính phủ cần có bước đi phù hợp, giải pháp cụ thể trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông hiện nay. Theo đại biểu Thụ, Biển Đông, về chính trị thì chúng ta đã bàn và thể hiện ý chí chung rồi. Bây giờ đứng ở góc độ kinh tế - xã hội, ngân sách, Chính phủ cần báo cáo cụ thể hơn nữa, đưa ra các kịch bản. Ví dụ nếu tình hình chỉ căng thẳng như hiện nay thì hậu quả thế nào, nhưng nếu tình hình xấu hơn thì kịch bản thế nào. Nếu chúng ta không có kịch bản sẵn thì sẽ rơi vào thế bị động. Cần phải dự liệu rõ trong quan hệ với Trung Quốc nếu diễn biến xấu đi thì từng ngành hàng bị ảnh hưởng thế nào, doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng nhất.
Về kết quả thu ngân sách, đại biểu Nguyễn Bá Truyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: Cuối năm 2013, Chính phủ báo cáo hụt thu 60 nghìn tỷ nhưng những tháng đầu năm nay đã vượt thu 30 nghìn tỷ. Vậy làm thế nào để đạt nhanh như vậy, cần phải làm rõ. Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng, chúng ta chưa thể lạc quan với các con số trong báo cáo vì tình hình hiện nay cho thấy nhiều khó khăn ảnh hưởng việc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm như: nhiều doanh nghiệp phá sản, sức mua trong dân yếu, doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng bởi hành động ngang ngược của Trung Quốc. Đại biểu Khanh kiến nghị Chính phủ cần tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp, hướng mạnh vào việc sản xuất các loại thực phẩm mà chúng ta đang phải nhập khẩu; cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng chống buôn lậu.
Đánh giá về quyết toán ngân sách năm 2012, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) chỉ rõ: Trong thời gian tới, Nhà nước cần thay đổi cơ chế từ ngân sách "mềm" sang ngân sách "cứng". Ngân sách "cứng" nghĩa là sẽ không có một khoản chi nào nếu không nằm trong dự toán mà QH đã thông qua. Đặt vấn đề "hiện nay những thông tin từ báo cáo của ngành tài chính, cơ quan thống kê đều cho thấy con số nợ công trong ngưỡng an toàn nhưng liệu có thực sự an toàn chưa?", đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) đề xuất Chính phủ cần có báo cáo đầy đủ, phân tích sâu hơn về nợ công để QH được biết.
Quy định cụ thể hơn quyền của người nước ngoài
Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường nghe tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và thảo luận về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Thảo luận dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng, khu vực biên giới là địa bàn có tính đặc thù, cần quy định rõ hơn việc khai báo tạm trú, trách nghiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương ở khu vực này. Về giá trị, ký hiệu và thời hạn của thị thực, một số ý kiến đại biểu đề nghị nên chỉnh lý tên điều cho phù hợp với nội dung và nghiên cứu quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về giá trị của thị thực để tránh việc người nước ngoài thay đổi mục đích sau khi đã nhập cảnh Việt Nam. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về quyền của người nước ngoài; bổ sung quy định quyền, nghĩa vụ của người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam. Có ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện phải có giấy phép lao động đối với trường hợp người đang học tập tại các trường hoặc cơ sở giáo dục theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được kết hợp lao động.
Ngày 24-5, QH làmviệc tại hội trường. Buổi sáng, QH bàn về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảoLuật Xây dựng (sửa đổi). Buổi chiều, QH họp về dự án Luật Kinh doanh bất độngsản (sửa đổi) và dự thảo Luật Đầu tư công. |
TTXVN - PV - TT - NA