Nguyễn Đức Kiên bị đề nghị 30 năm tù

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 13:54, 27/05/2014

Sáng 27-5, ngày thứ 7 phiên xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKS đã đề nghị mức án đối với các bị cáo.



Nguyễn Đức Kiên bị đề nghị 30 năm tù cho 4 tội danh


Cụ thể đề nghị của đại diện VKS đối với các bị cáo:

Nguyễn Đức Kiên (nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB): 18-24 tháng tù về tội kinh doanh trái phép, phạt tiền 25-30 triệu đồng sung công quỹ, đề nghị tịch thu sung quỹ số tiền đã sử dụng vào việc kinh doanh trái phép; 4-5 năm tù về tội trốn thuế, truy thu gần 25 tỉ đồng số thuế đã trốn, tuyên phạt từ 2-3 lần số thuế đã trốn để sung công quỹ Nhà nước; 16-18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 14-15 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cấm điều hành quản lý chức vụ ở các tổ tức tín dụng từ 3-5 năm.

Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên là 30 năm tù.

Nhóm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Bị cáo Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội): 9-10 năm tù;

Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội ): 7-8 năm tù.

Nhóm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:

Bị cáo Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 7-8 năm tù

Bị cáo Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB): 12-14 năm tù;

Bị cáo Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 6-7 năm tù.

Bị cáo  Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) và Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 3-5 năm tù cho hưởng án treo.

“Bầu” Kiên không thành khẩn nhận tội

Trước đó, khi đánh giá tính chất mức độ hành vi của từng bị cáo trong vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cho rằng bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã dùng áp lực và quyền lực của mình tại ACB để buộc các thành viên trong HĐQT ACB thực hiện ý chí của mình. Các ý kiến này sau đó đã trở thành nghị quyết của HĐQT ACB.

Theo đại diện VKS, tại tòa bị cáo Kiên không thành khẩn nhận tội, có thái độ coi thường pháp luật, không thành khẩn khai báo… nên cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội trong một thời gian dài.

Với bị cáo Trịnh Kim Quang, nhiều năm giữ chức vụ tại ACB nhưng vì muốn giữ lợi ích của nhóm cổ đông Ngân hàng ACB đã đồng ý chủ trương ủy thác gửi tiền và cấp vốn mua cổ phiếu, gây thiệt hại cho ACB hơn 1.400 tỉ đồng. Bị cáo chưa có tiền án tiền sự, có thể áp dụng khung hình phạt dưới mức truy tố. Tuy nhiên vẫn cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội.

Bị cáo Phạm Trung Cang thành khẩn khai nhận tội, chưa có tiền án tiền sự, có thể xem xét giảm mức hình phạt dưới khung hình phạt đã truy tố, xét thấy không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội.

“Cáo trạng truy tố chính xác”

Trước đó, sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa là hai kiểm sát viên Đào Thịnh Cường và Đỗ Thị Thu Yến đã trình bày bản luận tội đối với các bị cáo. 8 bị cáo đã đứng nghe đại diện viện kiểm sát kết luận về vụ án.

Theo đại diện VKS, trong những năm vừa qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách pháp luật đến các hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động tích cực, góp phần vào sự phát triển đất nước. Tuy nhiên có không ít doanh nghiệp giả dối, trốn tránh trách nhiệm với nhà nước, thao túng lũng đọa thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, gây bất bình dư luận. Trong đó có vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

Trên cơ sở xem xét đánh giá các tài liệu, qua quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa, đại diện VKS tóm tắt nội dung vụ án như sau:

Về hành vi kinh doanh trái phép, theo đại diện VKS, từ tháng 5-2007 đến tháng 8-2012, Nguyễn Đức Kiên đã thành lập 6 công ty do Kiên làm chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên. Mặc dù không được cấp phép nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo công ty kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền lên tới hơn 21.490 tỉ đồng.

Theo các quy định của pháp luật, hoạt động kinh doanh, mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào các doanh nghiệp khác có mã ngành, tuy nhiên các công ty của Nguyễn Đức Kiên không kê khai ngành nghề kinh doanh mua cổ phần, cổ phiếu và góp vốn vào doanh nghiệp khác. Việc làm trên của Nguyễn Đức Kiên đã phạm vào tội kinh doanh trái phép quy định tại điều 159 Bộ luật hình sự.

Về hành vi trốn thuế, trong năm 2009, Công ty B&B mua bán vàng trạng thái, thu lãi hơn 100 tỉ đồng. Bằng việc ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính và phụ lục hợp đồng với bà Nguyễn Thúy Hương, Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh trạng thái vàng của công ty sang cho bà Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền 25 tỉ đồng.

Trong năm 2009, Công ty B&B mua bán vàng trạng thái, thu lãi hơn 100 tỉ đồng. Bằng việc ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính và phụ lục hợp đồng với bà Nguyễn Thúy Hương, Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh trạng thái vàng của công ty sang cho bà Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Kết quả thanh tra thuế năm 2009 tại Công ty B&B cho thấy công ty kinh doanh có lãi, không bị lỗ như Nguyễn Đức Kiên đã nêu. Hợp đồng ủy thác giữa B&B và bà Hương là hợp đồng trá hình để trốn tránh việc nộp thuế doanh nghiệp.

Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mặc dù thế chấp hơn 20 triệu cổ phần cho ACB để đảm bảo việc phát hành trái phiếu trị giá 800 tỉ đồng tại ngân hàng này, nhưng ba bị cáo là lãnh đạo Công ty ACBI vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng số cổ phần này cho Công ty cổ phần thép Hòa Phát để chiếm đoạt 264 tỉ đồng của công ty này.

Ngày 20-8-2012, khi Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố, Công ty thép Hòa Phát chưa nhận được 20 triệu cổ phần này. Công ty đã có đơn đề nghị cơ quan điều tra giải quyết. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu giữ 264 tỉ đồng từ các nguồn mà Công ty ACBI đã chi trả để hoàn trả lại cho Công ty thép Hòa Phát.

Số tiền các bị cáo chiếm đoạt của Công ty thép Hòa Phát đặc biệt lớn. Đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, từ tháng 6-2011 đến  9-2011, theo nghị quyết của HĐQT ngân hàng ACB, Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB) đã chỉ đạo cho kế toán trưởng thực hiện ủy thác cho các nhân viên ACB gửi gần 719 tỉ đồng vào ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM.

Toàn bộ số tiền này đã bị bà Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM, chiếm đoạt.

Tại tòa các bị cáo cho rằng việc ủy thác cho 19 nhân viên gửi tiền vào Vietinbank là đúng, việc Huyền Như chiếm đoạt tiền là do Vietinbank buông lỏng quản lý… Đại diện VKS cho rằng lý lẽ mà các bị cáo đưa ra là không có cơ sở bởi các bị cáo đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền là trái quy định do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành. Có thể khẳng định việc ủy thác gửi tiền là trái quy định pháp luật và các văn bản liên quan.

Việc quy trách nhiệm bồi thường 718 tỉ đồng cho ACB đang được đặt ra trong vụ án Huyền Như nên không đề cập đến trong vụ án này.

Về hành vi mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho ACB 687 tỉ đồng, đại diện VKS xác định năm 2009, thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra thông báo về việc giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư sinh lợi. Thường trực HĐQT chấp thuận cấp hạn mức 700 tỉ đồng cho Hội đồng đầu tư để mua một số cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao.

Được HĐQT chỉ đạo trực tiếp thực hiện việc đầu tư này, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS tiến hành đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB và một số mã chứng khoán khác. ACBS là công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn điều lệ.

Biết pháp luật không cho phép ACBS mua cổ phiếu của ACB, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN) để đầu tư mua cổ phiếu của ACB. 2 công ty này đều do Nguyễn Đức Kiên sáng lập.

Kết thúc việc đầu tư cổ phiếu, ACB bị thiệt hại hơn 687 tỉ đồng.

Tại tòa, các bị cáo cho rằng chủ trương của HĐQT ACB không trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có đủ cơ sở khẳng định việc đầu tư mua cổ phiếu ACB từ chính nguồn tiền của ACB. ACB đã cấp tín dụng cho Công ty ACBS để mua cổ phiếu của chính ACB.

Hai hành vi nên trên của các bị cáo đã gây thất thoát cho ACB hơn 1.400 tỉ đồng, đồng thời xâm phạm đến chế độ, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ…Trong vụ án này, bị cáo Lý Xuân Hải giữ vai trò chủ mưu, các bị cáo khác là đồng phạm.

Căn cứ vào quá trình xét hỏi tại tòa, căn cứ vào hồ sơ vụ án, VKSND TP Hà Nội cho rằng cáo trạng của VKS ND tối cao truy tố đối với các bị cáo là đúng pháp luật.

Sau khi VKS đề nghị mức án đối với các bị cáo, HĐXX đã tuyên bố tạm nghỉ. 14g chiều 27-5, phiên tòa tiếp tục.


TÂM LỤA (Tuổi trẻ)