Bộ đội Cụ Hồ và chiếc mũ nồi xanh của hòa bình

Tin tức - Ngày đăng : 14:41, 27/05/2014

Những anh Bộ đội Cụ Hồ sẽ có mặt ở Nam Sudan, nơi mà hòa bình cần các anh, Việt Nam cử các anh theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.


Trung tá Mạc Đức Trọng (phải) và  trung tá Trần Nam Ngạn (trái) chờ nhận quyết định cử đi làm nhiệm vụ ở Nam Sudan sáng 27-5


Lễ khánh thành Trung tâm gìn giữ hòa bình (GGHB) của Việt Nam cùng việc trao quyết định cử hai sĩ quan đi tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc tại Nam Sudan đã diễn ra trọng thể sáng 27-5 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự buổi lễ thành lập Trung tâm GGHB. Phát biểu trước các quan chức của Việt Nam và đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội, ông nhấn mạnh “hòa bình chỉ có thể được kiến tạo khi các hành động đơn phương, trái luật pháp quốc tế phải được đấu tranh loại bỏ, khi mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, cùng chia sẻ trách nhiệm GGHB, hợp tác và phát triển bằng các hoạt động thiết thực, cụ thể.”

Ông nhắc lại rằng quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Phó Thủ tướng nói:

“Những người lính cách mạng Việt Nam được nhân dân trìu mến gọi là “anh bộ đội Cụ Hồ” với tất cả sự tin yêu. Rồi đây, những anh Bộ đội Cụ Hồ sẽ có mặt ở Nam Sudan, nơi mà hòa bình cần các anh, Việt Nam cử các anh theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Rồi đây các anh Bộ đội Cụ Hồ sẽ mang theo chiếc mũ nồi xanh của hòa bình. Dòng máu lạc hồng và truyền thống 4000 năm văn hiến vẫn luôn trong tất cả mọi con tim, khối óc của những người lĩnh “vai mang gươm, tay mềm mại bút hoa”; đi dân nhớ, ở dân thương; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Bà Ameerah Haq, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Cục trưởng Cục hỗ trợ hoạt động gìn giữ hòa bình tại thực địa đánh giá sự kiện này đánh dấu chiều hướng mới trong hợp tác của việt Nam với cộng đồng quốc tế và góp phần chuẩn bị cho các lực lượng khác của Việt Nam tham gia hoạt động GGHB trong thời gian tới.

Hội nhập đầy đủ bằng lời nói và hành động

Trao đổi với báo chí bên lề sự kiện, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết:

- Hai nhiệm vụ chính của hai sĩ quan được cử đi lần này là hoàn thành nhiệm vụ do phái bộ Liên hiệp quốc tại Nam Sudan giao; thứ hai là quảng bá hình ảnh con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình và khẳng định khả năng Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc. Ở trong nước, việc quan trọng là xây dựng Trung tâm GGHB đủ năng lực để tổ chức huấn luyện, điều khiển, chỉ huy, hiệp đồng mọi hoạt động liên quan. Ngoài hoạt động thực tế, Trung tâm có nhiệm vụ phải huấn luyện, đào tạo con người để chuẩn bị về lâu dài cho hoạt động GGHB. Việc chuẩn bị cho các sĩ quan đủ trình độ ngoại ngữ, đủ kiến thức chuyên môn về công binh, quân y, quân sự,… và đặc biệt là các kiến thức về hoạt động GGHB là rất quan trọng. Đây là nhiệm vụ chính của Trung tâm trong thời gian tới.

* Việt Nam sẽ tham gia các hoạt động GGHB cụ thể nào?

- Trước mắt, hai sĩ quan của chúng ta sẽ là sĩ quan liên lạc của Liên hợp quốc, giúp việc cho các phái bộ, đảm bảo hệ thống chỉ huy, điều hành ở thực địa một cách nhịp nhàng. Ngược lại, họ có điều kiện học tập kinh nghiệm để chuẩn bị cho những đợt sau khi chúng ta gửi số quân đông hơn, đội hình lớn hơn, và tiếp sau đó là [tham gia ở cấp độ] Bệnh viện cấp 2 và đại đội công binh. Việc chúng ta tham gia ở phái bộ nào là theo chủ trương của Đảng và Nhà nước nhưng về cơ bản, chúng ta tham gia các phái bộ nhằm củng cố hòa bình, tổ chức hoạt động tái thiết, xây dựng đất nước trên cơ sở luật pháp quốc tế.

* Ý nghĩa của quyết định tham gia lực lượng GGHB của Việt Nam là gì?

- Việt Nam là một thành viên tin cậy, tích cực trong cộng đồng quốc tế. Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình là rất cần thiết. Chúng ta nói là phải làm. Dù còn nghèo và còn rất nhiều việc phải tự làm cho mình, chúng ta vẫn chia sẻ nguồn lực để tham gia GGHB.

* Về pháp lý thì việc luật hóa hoạt động GGHB của Việt Nam như thế nào?

- Cho đến nay, trong Hiến pháp đã luật hóa việc này. Cụ thể, Chủ tịch nước quyết định việc Việt Nam tham gia lực lượng GGHB; quân đội - bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước thì còn tham gia các hoạt động GGHB quốc tế. Việc Quốc hội ra nghị quyết chính là để luật hóa cụ thể các hoạt động trong thời gian tới. Việc này cũng nhằm chuẩn bị cho các bước đi sau này của hoạt động này.

* Về mặt ngoại giao thì việc chúng ta tham gia như vậy có ý nghĩa gì?

- Điều này chứng tỏ chúng ta hội nhập một cách đầy đủ, không chỉ bằng lời nói mà bằng hoạt động.

* Nhật Bản là một trong những nước hợp tác mạnh mẽ với Việt Nam trong việc này?

- Chúng ta đã hợp tác với Nhật Bản rất tốt. Giờ cần làm tốt hơn nữa để cùng đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm. Chúng tôi hy vọng hai bên sẽ có hợp tác trên thực địa và đặc biệt là xây dựng và nâng cao năng lực của Trung tâm.

HƯƠNG GIANG