Thêu chân dung Bác Hồ bằng cả trái tim
Việc tử tế - Ngày đăng : 15:52, 27/05/2014
Cụ Phạm Văn Hiển, nghệ nhân cao tuổi cuối cùng của làng Xuân Nẻo đã dành cả cuộc đời gắn bó với nghề thêu và cống hiến cho cách mạng.
Cụ Hiển luôn coi Bác Hồ là người thầy vĩ đại để học tập suốt đời
Trong đời mình, bức thêu chân dung Bác Hồ là tác phẩm cho ông nhiều xúc cảm nhất.
Học thêu từ năm 9 tuổi
Chúng tôi đến thăm nghệ nhân thêu Phạm Văn Hiển khi cụ đã bước sang tuổi 92. Dù tuổi cao, sức yếu, lại vừa trải qua cơn bạo bệnh, nhưng khi nghe cụ kể chuyện đời, chuyện nghề, chúng tôi cảm nhận được trong cụ luôn có một ngọn lửa chưa bao giờ tắt.
Cụ Hiển sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khổ, không có ruộng đất ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ). Năm 3 tuổi, cụ theo bố mẹ ra mỏ Vàng Danh (Uông Bí, Quảng Ninh) kiếm sống. Năm 1927, cha cụ Hiển bị thực dân Pháp bắt và đánh đến chết vì nghi ngờ tham gia hoạt động cách mạng. Cha mất, cụ được mẹ đưa về quê gửi bà ngoại nuôi dưỡng. “Khi ấy, tôi mới là đứa trẻ 7 tuổi, côi cút. Hai bà cháu rau má lá lang sống qua ngày, đói khổ, không được đi học, thân hình ốm o, gầy mòn. Có lần, tôi đói đến lả đi, nằm gục trong góc bếp may mà bà kịp thời phát hiện”, cụ Hiển rưng rưng nhớ lại. Hai năm sau, cụ Hiển được đưa sang nhà ông Vũ Văn Thạc, thầy dạy thêu có tiếng ở Xuân Nẻo lúc bấy giờ xin học.
Tuy mới 9 tuổi nhưng cậu bé Hiển đã thấm thía cái nghèo, cái khổ. Cậu miệt mài học nghề thêu bằng niềm đam mê và cả quyết tâm phải có một nghề trong tay để thay đổi cuộc đời. 11 tuổi, cậu đã trở thành một thợ thêu lành nghề. Khi mới đặt chân ra Hải Phòng, cậu làm thuê cho một hãng thêu ở ngõ Cố Đạo. Ngày ấy, trong mắt nhiều người, cậu bé Hiển là đứa trẻ lông bông bởi không gắn bó lâu dài với một hãng thêu nào cả. Thực ra, khi đó, cậu làm thuê cho hết hãng thêu này đến hãng thêu khác chỉ để “tầm sư học đạo”. “Hễ nghe nói hãng nào có thợ thêu giỏi, tôi lại đến xin làm. Trong quá trình làm việc, nhận thấy ai có thế mạnh ở môn thêu nào tôi cũng đều theo học. Vất vả thế nào tôi cũng không quản ngại, miễn sao được truyền dạy kinh nghiệm làm nghề”, cụ Hiển nhớ lại.
Trưởng thành trong hoạt động cách mạng
Gần trọn cuộc đời gắn bó với nghề thêu, cụ Hiển đã chứng kiến nhiều bước thăng trầm của nghề. Năm 1937, các hãng thêu ở Hải Phòng không có việc làm nên cụ rời Hải Phòng lên làm thuê cho một hãng thêu ở gần Cột Cờ Hà Nội rồi giác ngộ cách mạng. Cụ Hiển nhớ lại: “Một lần, tôi thấy anh Ngũ làm nghề điện sống gần chỗ tôi bị “sen đầm” truy đuổi, tôi đã giúp anh Ngũ bỏ trốn. Suốt một thời gian dài, tôi băn khoăn tự hỏi không hiểu thực ra anh Ngũ làm gì. Đến tháng 6-1945, nghề thêu mất đất sống, tôi trở thành anh bán kem. Tình cờ, tôi gặp lại anh Ngũ. Anh ngỏ lời cảm ơn và cho biết anh làm cho Việt Minh. Tôi xin đi theo thì anh cười bảo: "Làm Việt Minh không có lương đâu, phải tự lực nuôi sống bản thân!”. Từ nhỏ, tôi đã mang trong mình nỗi căm thù thực dân bởi chúng đã khiến gia đình tôi tan nát. Lớn lên, tôi chứng kiến nhân dân đói khổ nên nỗi căm thù cứ lớn dần lên. Tôi quyết tâm theo anh Ngũ làm Việt Minh, không cần công danh, lợi lộc gì, chỉ mong trả được mối thù cho gia đình, cho đất nước”. Từ đó, hằng ngày, chàng trai bán kem nhảy tàu phát truyền đơn kêu gọi khởi nghĩa giành lại đất nước Việt Nam cho người Việt Nam. Sau khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, cụ Hiển làm tự vệ tại Hà Nội và tham gia thêu cờ cho Vệ quốc quân. Trong thời gian công tác, cụ được học văn hóa. Năm 1947, cụ về quê, đảm nhiệm vai trò Đội trưởng Đội Thanh niên xung phong và Tổ an ninh. Năm 26 tuổi, anh thanh niên Phạm Văn Hiển được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng rồi làm giáo viên tiểu học tại thôn La Khê, xã Ninh Thành (Ninh Giang). Đến năm 1951, cụ Hiển tham gia hoạt động kháng chiến vùng địch hậu, mở rộng vùng du kích. Đầu năm 1952, cụ mở lớp dạy thêu cũng là cơ sở kháng chiến cho 24 người. Sau này, khi có chủ trương khai thác các nguồn hàng xuất khẩu, cụ Hiển đề xuất mở thêm các cơ sở thêu ren xuất khẩu ở Hải Dương và đảm nhiệm chức vụ kỹ thuật trưởng, soạn giáo án dạy nghề và đến các HTX để truyền nghề thêu cho hàng nghìn người. Dần dần, nghề thêu lan ra toàn tỉnh, sản phẩm thêu của Xuân Nẻo xuất khẩu sang các nước: Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, I-ta-li-a... Sau khi mở rộng nghề thêu tại quê nhà, cụ Hiển làm kỹ thuật trưởng cho Công ty Ngoại thương Quảng Ninh, đem nghề thêu phổ biến rộng rãi sang tỉnh bạn.
Trăn trở thêu chân dung Bác
Trong nghề thêu, cụ Hiển đã tạo nên được những hình ảnh, màu sắc của cuộc sống, thậm chí cả sắc thái, cảm xúc của con người chỉ với cây kim và sợi chỉ. Thêu truyền thần là lĩnh vực khó nhất của nghề thêu bởi muốn đẹp trước hết người thợ phải ngắm thật kỹ để “bắt” được cái thần của bức chân dung. Bức tranh thêu truyền thần đòi hỏi không chỉ giống phần hình, mà còn phải giống cả phần bóng. Từng mảng màu phối hợp ăn ý với nhau sao cho tái hiện được cả hình dáng và thần thái riêng của mỗi người. Sợi chỉ không giống như màu vẽ nên bắt các màu chỉ “luyện” vào với nhau là chuyện không hề đơn giản. Trên một bức tranh thêu, chỉ cần các màu lệch nhau coi như bức tranh bị hỏng hoàn toàn.
Trong nghiệp thêu của mình, cụ Hiển đã thêu hàng nghìn, hàng vạn bức truyền thần. Tranh thêu chân dung Bác Hồ là tác phẩm đem lại cho cụ nhiều xúc cảm hơn cả. Cụ tâm sự: "Trong tôi có một sự cảm phục tột cùng đối với Bác Hồ. Tôi đã có nhiều người thầy. Bác là người thầy lớn nhất để tôi học tập suốt đời. Từng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao phó, tôi tự nhủ phải làm việc hết mình, không tư lợi và phải làm thế nào để có lợi cho nhân dân, cho Nhà nước”. Năm 1986, sau khi nghỉ hưu, cụ Hiển dồn hết tâm huyết thêu chân dung Bác Hồ. “Thêu chân dung lãnh tụ khó hơn những bức thêu truyền thần khác. Lãnh tụ là người của quần chúng nhân dân, được hàng triệu người dân quen mặt. Chỉ cần có một điểm nhỏ không giống là ai cũng có thể phát hiện ra”, cụ Hiển chia sẻ. Ấn tượng của cụ về Bác là đôi mắt rất sáng và nụ cười đôn hậu. Cụ cảm nhận bức chân dung bằng sự tinh tế, tài hoa của người thợ và trái tim một người cách mạng. Vừa thêu, vừa nghĩ về Bác với sự cảm phục vô bờ bến, tình cảm dành cho Bác khiến những đường kim của cụ Hiển không hề biết mệt. Mất hơn 4 tháng cụ mới hoàn thành 4 bức chân dung Bác Hồ để gửi tặng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Hải Dương, UBND xã Hưng Đạo và đình làng Xuân Nẻo. Với bức tranh thêu chân dung Bác Hồ, cụ Phạm Văn Hiển đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian năm 2006.
Giờ đây, cụ Hiển đã ở vào tuổi xưa nay hiếm. Dù đã gác tay kim nhưng những cảm xúc khi thêu bức chân dung Bác Hồ vẫn còn đọng lại mãi trong lòng người nghệ nhân già.
KHÁNH CHI