Tấm bia cổ ở đình Mai Xá

Di tích - Ngày đăng : 16:12, 27/05/2014

Đây là tấm bia thời Lê đầu tiên và cũng là văn bản Hán Nôm ghi lại sự tồn tại song song của vua Lê - chúa Trịnh trên quê hương Hải Dương.



Bia đá dựng năm Chính Hòa thứ 13 (1692)


Đình Mai Xá còn có tên Nôm là đình Hóp Mòi nằm trên mảnh đất bằng phẳng, rộng rãi thuộc địa phận thôn Mai Xá, xã Hiệp Lực (Ninh Giang).

Đình được xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 13 (1692) và được trùng tu vào năm Thành Thái - Quý Mão (1903). Đình Mai Xá là nơi thờ tứ vị tôn thần gồm: ông Thinh, ông Linh, Phúc Chính và Đào Từ Nhân. Trong đó ông Linh, ông Thinh là thiên thần, Phúc Chính và Đào Từ Nhân là nhân thần. Hằng năm địa phương tổ chức lễ hội trọng thể từ ngày mùng 10 đến 15 tháng 11 âm lịch để tôn vinh người có công, góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho cán bộ và nhân dân. Ngày 17-1-2006, đình Mai Xá được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Hiện tại, di tích còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị như: bia đá, hoành phi, câu đối, kiệu bát cống, hòm sắc... Trong đó có tấm bia đá được khắc năm Chính Hòa thứ 13 (1692). Đây là tấm bia đá đầu tiên ở Hải Dương ghi chép sự tồn tại song song giữa vua Lê - chúa Trịnh. Nội dung tạm dịch: "Triều Lê dài muôn thủa/Chúa Trịnh vững muôn năm/Lưu truyền muôn vạn kiếp/Lập bia ký miếu đình". Bia có kích thước 130 x 43 x 46 cm, hình trụ tứ diện, đỉnh chóp trái đào, bốn mái chạm long, phượng, hoa sen. Trán bia chạm tứ long chầu nguyệt, cánh sen vuông. Diềm hai bên hoa sen, cúc, lá dây xoắn. Mặt 4 diềm hai bên chạm lưỡng long đối nhau, hoa sen, hoa cúc, cành mai, chim mỏ cặp cá. Chân bia cánh sen vuông. Mặc dù bị mất một số chữ nhưng tấm bia này vẫn cung cấp đầy đủ cho hậu thế thông tin quý báu về những người đã góp công đức dựng đình, cũng như giúp ta đoán định được đây là thời kỳ tồn tại song song giữa vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn. Thời kỳ Lê Hy Tông làm vua được đánh giá là thịnh trị nhất thời Lê trung hưng. Thời điểm lúc bấy giờ, đất nước chia đôi, mỗi miền tập trung vào việc xây dựng và phát triển. Điều đặc biệt là ở thời điểm này, chúa Trịnh ngày càng ra sức tập trung quyền hành vào tay mình, tất cả mọi việc lớn bé đều do chúa quyết định. Văn bia Quốc Tử Giám có đoạn: “Khen vua Lê là nối tiếp cơ đồ lớn lao của thái tổ thái tông, định an thiên hạ thật là nhờ chúa Trịnh một lòng khuông phù giúp rập sớm tối”.

Đây là tấm bia thời Lê đầu tiên và cũng là văn bản Hán Nôm ghi lại sự tồn tại song song của vua Lê - chúa Trịnh trên quê hương Hải Dương. Tấm bia vừa là nguồn tư liệu lịch sử quý hiếm phục vụ  cho việc nghiên cứu lịch sử địa phương cũng như công tác nghiên cứu khoa học xã hội và là hiện vật đặc biệt có giá trị trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc cần được quan tâm và bảo vệ.

HOÀNG THỊ PHƯƠNG LAN