Bất động sản “sống dở, chết dở” là trách nhiệm nhà quản lý

Tin tức - Ngày đăng : 09:41, 28/05/2014

Ngày 27-5, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 7. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận tổ về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).


Vắng bóng trách nhiệm của nhà quản lý

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền đặt vấn đề, người dân có quyền tham gia kinh doanh bất động sản, thậm chí đầu cơ nếu luật pháp không cấm, do vậy việc thị trường bất động sản “sống dở, chết dở” như hiện nay trách nhiệm thuộc về nhà quản lý, ở chỗ cấp phép bừa bãi, lợi ích nhóm trong quy hoạc, kế hoạch…“Thế nhưng trong cả hai dự án luật này tôi thấy vắng bóng trách nhiệm của nhà quản lý, trong khi quản lý nhà nước về lĩnh vực này rất yếu”, ông Quyền nói.

Ông Phạm Huy Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Vietinbank, đại biểu QH TP Hà Nội cảnh báo, cần có các quy định chặt chẽ để tránh tình trạng “tay không bắt giặc”. "Có những chủ đầu tư ăn mặc đẹp, đi xe sang, xách cặp rất oai nhưng nợ như "chúa chổm", họ chỉ ép mấy cái cọc là bán, thu tiền nhiều lắm mà tiền đi đâu không biết. Cho nên chỗ này cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát để hạn chế rủi ro”, ông Hùng nói.

Cũng theo đại biểu Phạm Huy Hùng, cần có quy định cụ thể về việc thu tiền ứng trước của khách hàng mua bất động sản, ví dụ tương ứng với mỗi lộ trình, giai đoạn thì khách hàng đóng tiền ra sao, không để xảy ra trường hợp mới ở giai đoạn “ép cái cọc” mà đã thu hết tiền nhà khiến cho rủi ro thuộc về người mua.

Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê lại, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai rất dễ nảy sinh tranh chấp. Do vậy, đề nghị cần có các quy định chặt chẽ trong dự án luật, nhất là các quy định liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê lại, thuê mua bất động sản.

Về việc mua bán bất động sản, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) kiến nghị, luật cần quy định chặt chẽ, nhất quán về nguyên tắc, tránh trường hợp lúc thì phải có hạ tầng mới được bán, lúc lại cho “phân lô bán nền”... Đối với việc cấp chứng chỉ hành nghề, đại biểu Phạm Xuân Thăng cho rằng, Bộ Xây dựng tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề là không khả thi, cần có sự phân cấp để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở

Đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương):

Bảo đảm quyền có nhà ở của công dân

Nhà ở xã hội rất quan trọng vì vậy Nhà nước cần có chính sách đầu tư xây dựng, trong đó nên quan tâm đến đối tượng là cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, cần quan tâm nghiên cứu về chế độ nhà ở xã hội cho những người có công không được trợ cấp về nhà ở. Nhà nước cần có quỹ do UBND tỉnh quản lý gồm nguồn từ ngân sách và các nguồn hợp pháp để cho các hộ chính sách vay, các công ty vay để phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, nên ưu tiên xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, tránh tình trạng người dân không đủ tiền mua nhà, sau khi vay mượn mua được nhà ở xã hội một thời gian lại phải bán và rơi vào tình trạng không có nhà ở. Ngoài ra, cần quy định rõ, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền có nhà ở nhưng phải có chế định rõ ràng.

Thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu QH tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật Nhà ở hiện hành để phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng trong xã hội. Đồng thời tăng cường sự quản lý thống nhất của Trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch trong phát triển và quản lý sử dụng nhà ở.

Thảo luận về chính sách phát triển nhà ở công vụ, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế thì không nên phát triển nhà ở công vụ một cách tràn lan, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Chỉ những trường hợp thực sự cần thiết mới phải sử dụng nhà công vụ. Có ý kiến đề xuất những trường hợp khác có thể tính vào lương để trả cho cán bộ, công chức, viên chức khi được điều động, luân chuyển để bảo đảm công bằng cho mọi đối tượng khi thực hiện công vụ được giao.

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng, một số quy định trong dự thảo quá nặng về tính bao cấp và khó thực thi trong thực tiễn. Đối với nhà ở công vụ nên đưa hết vào lương, tránh trường hợp Nhà nước phải đầu tư nhiều cho xây dựng. Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân, chỉ nên hỗ trợ mặt bằng sạch và các chính sách về thuế, không nên đầu tư cho xây dựng.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đặt vấn đề, hiện nay diện tích nuôi trồng thủy sản của nhiều hộ rất lớn, có hộ đầu tư tới vài tỷ đồng. Từ đó nảy sinh nhu cầu xây dựng công trình kiên cố để trông coi, bảo vệ tài sản. Cần xác định việc xây dựng như thế có được phép hay không, công trình xây dựng đó có được coi là nhà ở hay không?

 Lo phát sinh nhiều hệ lụy từ mang thai hộ


Chiều 27-5, các đại biểu QH  làm việc tại hội trường nghe trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

Về dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, cần cân nhắc việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vào luật. Lý do, bởi quy định như vậy sẽ phát sinh nhiều hệ lụy cho các bên liên quan.

Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH, ở nước ta hiện có một số cơ sở y tế thực hiện được các kỹ thuật mang thai hộ. Nếu pháp luật không quy định rõ ràng thì một số cặp vợ chồng vẫn thực hiện việc này, dẫn đến quyền lợi, sức khỏe và kể cả tính mạng của phụ nữ, trẻ em không được bảo đảm; tranh chấp có thể phát sinh, dễ xảy ra tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại, trái thuần phong mỹ tục.

TTXVN-TT-CTV-NA


Hôm nay 28-5, buổi sáng, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Buổi chiều, QH họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).