Qua cơn sóng dữ

Đời sống - Ngày đăng : 07:41, 03/06/2014

Ngày ấy, tôi học năm cuối phổ thông, không xinh đẹp, nhút nhát nên tôi chỉ biết học và đi chơi với vài cô bạn thân.




Thời gian rảnh, tôi đọc sách và giúp mẹ làm việc nhà. Anh là một chiến sĩ công an về thực tập ở cơ quan bố tôi. Gia đình tôi ở nhà tập thể mãi tầng ba, tầng trệt là cơ quan làm việc của đội cảnh sát kinh tế. Khu tập thể có một giếng trời chung. Lần ấy, đoảng thế nào tôi làm rơi chiếc áo dài xuống đúng lúc anh đang đi qua. Không dám chạy xuống lấy, sợ anh mắng phơi quần áo lung tung nên tôi định bỏ luôn. Không ngờ, ba ngày sau anh đón tôi khi vừa ra khỏi cổng trường và giao cho tôi chiếc áo được gói cẩn thận, giặt sạch sẽ.

Chúng tôi quen nhau và yêu nhau từ sự cố ấy. Tôi tốt nghiệp đại học, anh xin phép bố mẹ cưới tôi. Khởi đầu là những ngày tháng hạnh phúc tràn đầy. Sáng, anh đưa tôi đến trường rồi quay lại cơ quan làm việc. Trưa, hai vợ chồng tíu tít nấu nướng. Bữa ăn nhiều khi chỉ vài miếng đậu kho với thịt, đĩa rau muống luộc nhưng nụ cười chan hòa mâm cơm. Ăn xong, anh giành rửa bát đĩa để tôi ngủ. Một giờ, anh gọi tôi dậy để kịp giờ dạy chiều. Hai vợ chồng chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng do cơ quan bán hóa giá. Căn phòng trong khu tập thể của cơ quan chỉ vẻn vẹn 20m2, đồ đạc đơn sơ, với bộ bàn ghế bố mẹ cho, chiếc giường đôi anh mua trước ngày cưới và chiếc ti-vi đen trắng. Lương hai vợ chồng tằn tiện cũng đủ chi tiêu nhưng chẳng có khoản dư.

Rồi tôi sinh con, nhà cửa chật chội, tiền sữa, tiền thuốc men, quần áo cho bé, nhiều khoản phải lo. Anh cũng đã đưa hết lương, thưởng nhưng không đủ. Tôi nghỉ sinh, không đến lớp, chỉ có lương “ngân sách”. Nụ cười bắt đầu thiếu đi trong ngôi nhà của chúng tôi, thay vào đó là những lời cằn nhằn, bực bội của tôi, những tiếng thở dài của anh. Sau giờ làm, tôi bận rộn với con cái, anh cũng lo cơm nước, giặt giũ quần áo, tã, khăn cho con. Hầu như chúng tôi không còn nói với nhau những lời yêu thương như trước. Những trao đổi giữa hai vợ chồng luôn xoay quanh vấn đề tiền bạc, chi tiêu, cơm cháo, sữa, thuốc cho con và thường kết thúc bằng cơn giận của tôi. Mỗi khi anh bảo “rồi khó khăn sẽ qua em ạ”, tôi cáu tiết: “Sẽ qua, đến lúc đó thì tôi đã già, con đã suy dinh dưỡng rồi. Anh là kẻ bất tài, không lo được cho vợ con, sao tôi khổ thế này!”. Anh bỏ ra ngoài hành lang hút thuốc, tôi ôm con nước mắt nhòe gương mặt. Cứ thế, cuộc sống gia đình tôi khá nặng nề.

Anh buồn bã, tôi hầm hầm, đá thúng đụng nia. Mỗi khi tranh cãi, tôi luôn “châm ngòi” trước và to tiếng hơn, anh chỉ ôn tồn, hoặc im lặng bế con. Lần ấy, tôi lại to tiếng, anh chỉ nhẹ nhàng bảo: “Em nói nhỏ để con ngủ được không?”. Tôi hét lên: “Anh có thương yêu gì nó mà bày đặt, có giỏi thì kiếm tiền để nó được sung sướng”. Bất ngờ, anh quát to: “Cô có im đi không, không chịu được kẻ bất tài này thì ly hôn đi”. Rồi anh hất tung mâm cơm trên bàn xuống đất, mặc kệ con khóc thét, anh lấy xe đi khỏi nhà.

Tôi viết đơn ly dị để sẵn trên bàn rồi ôm con về nhà mẹ đẻ. Hai ngày sau, anh vẫn không qua đón, tôi giận lắm, nhủ thầm: “Nhất định không cần một người đàn ông như thế, mình tự nuôi con vẫn được”. Mẹ tôi cũng giận anh lắm nhưng bố thì không đồng ý khi tôi đem cháu về. Lúc biết rằng tôi đã viết đơn ly dị, ông bắt tôi phải quay trở lại nhà ngay. Tôi không chịu, ông vẫn lấy xe kiên quyết chở hai mẹ con tôi về nhà. Đến nơi, nhà cửa đóng im ỉm, tôi gõ cửa anh không mở, đến khi bố lên tiếng anh mới ra. Mới ba ngày mà gương mặt anh hốc hác, râu ria tua tủa, nhà cửa bề bộn, bếp núc lạnh tanh, quần áo vẫn còn để trên dây phơi từ lúc tôi đi. Thấy anh, con bé nhoài người giơ tay đòi bế. Nó ôm lấy cổ anh, dụi gương mặt vào má anh. Hai cha con ôm nhau, anh khóc. Lòng tôi chùng lại, quay đi giấu giọt nước mắt chỉ chực trào ra.

Bố tôi ngồi nói chuyện với hai vợ chồng đến khuya. Ông nói: “Chả lẽ mỗi khi không vừa lòng nhau là ly hôn? Hai anh chị chỉ biết thỏa mãn cơn giận của mình, có nghĩ đến con, đến cha mẹ không? Những lúc khó khăn như thế này hai vợ chồng càng phải sát cánh cùng nhau, yêu thương nhau hơn để vượt qua. Gia đình cũng như một con thuyền trên đại dương, gặp khi sóng gió càng phải vững tay chèo…”

Bố tôi ra về, hai vợ chồng bắt tay dọn dẹp nhà cửa. Anh ôm tôi vào lòng thì thầm: “Em và con bỏ đi thêm một ngày nữa chắc anh không thể làm được gì cả”. Tôi dụi đầu vào ngực anh ân hận. Chúng tôi biết hạnh phúc lại ùa về trong căn nhà nhỏ bé…

NGUYỄN HOÀNG DUY