Còn đó những nỗi lo
Kinh tế - Ngày đăng : 04:56, 05/06/2014
Mặc dù kinh tế tỉnh ta đã có khởi sắc, bám sát mục tiêu tăng trưởng nhưng những khó khăn cản trở sự phát triển ổn định vẫn còn đáng lo ngại...
Trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuát công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong ảnh: Sản xuất complet xuất khẩu ở Công ty CP May 2 Hải Dương
Bám sát kế hoạch tăng trưởng
Trong những tháng đầu năm, kinh tế tỉnh ta tiếp tục phục hồi tăng trưởng. Điều đó được thể hiện trên tất cả các ngành sản xuất chính như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; thu ngân sách và thu hút đầu tư FDI cũng có dấu hiệu tốt.
Nếu như 3 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng âm 0,1% thì trong những tháng đầu năm 2014, sản xuất nông nghiệp đã tăng khá cao, trong đó chủ yếu do năng suất các loại cây trồng vụ đông tăng cao, năng suất lúa chiêm xuân ước tăng 1% so với vụ chiêm xuân năm trước. Hiện nay, tỉnh ta đang tập trung chỉ đạo các địa phương dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Trong 5 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi đã kéo theo giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 1 tỷ 144,8 triệu USD, tăng 40%; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 3.493 tỷ đồng, bằng 53% dự toán năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 3 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 7,4% (kế hoạch cả năm tăng 7- 7,5%).
“Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013, trong đó Hải Dương chỉ đứng thứ 41 trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố, tụt 8 bậc so với năm 2012". |
Yếu tố quan trọng giúp kinh tế tỉnh ta có bước phục hồi, tăng trưởng là các doanh nghiệp sản xuất lớn đã khắc phục được khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó là các Công ty: TNHH Ford Việt Nam, CP Nhiệt điện Phả Lại, TNHH một thành viên Xi-măngVicem Hoàng Thạch, CP Năng lượng Hòa Phát... Điều đó cho thấy, việc thực thi các chính sách của Chính phủ cũng như của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội đã và đang phát huy hiệu quả, từng bước giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Bất cập còn nhiều
Mặc dù kinh tế đã có sự phục hồi, nhưng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn giảm mạnh so với cuối năm 2013 dù đã có nhiều gói tín dụng với lãi suất từ 7 - 9% cho thấy sức khỏe của nền kinh tế vẫn xấu, doanh nghiệp không hấp thụ được vốn. Đồng chí Trần Anh Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hải Dương cho biết: "Nhu cầu vốn phục vụ cho tiêu dùng dân cư cũng đang sụt giảm mạnh. Sức mua của thị trường giảm, dẫn đến hàng tồn kho chưa được khai thông. Đa số các doanh nghiệp có sức khỏe tốt thường không có nhu cầu vay, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lại không đủ các điều kiện để vay. Đây là cái vòng luẩn quẩn, doanh nghiệp đã khó khăn lại tiếp tục khó khăn".
Thực tế dù kinh tế tỉnh ta đã có sự phục hồi tăng trưởng, nhưng sự phục hồi chưa rõ rệt, sức mua thấp, thị trường bất động sản chậm phục hồi, đầu tư tín dụng còn thấp. Sản xuất nông nghiệp còn phải đối mặt với diễn biến thời tiết, dịch bệnh phức tạp, chưa có nhiều mô hình sản xuất tập trung gắn với việc tiêu thụ sản phẩm bền vững. Sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn. Số dự án đầu tư mới ít, nhiều dự án còn chậm triển khai thực hiện. Điều đáng chú ý, Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013, trong đó Hải Dương chỉ đứng thứ 41 trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố, tụt 8 bậc so với năm 2012. Đây là điều rất đáng để các cấp chính quyền trong tỉnh suy nghĩ.
Hiện nay, tỉnh ta đang tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 4 nhiệm vụ trọng tâm và 8 giải pháp. Tuy nhiên, qua phân tích của các chuyên gia kinh tế thì giải pháp quan trọng nhất hiện nay là phải khơi thông được dòng vốn để các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho rằng, để giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, các tổ chức tín dụng cần quan tâm cho các doanh nghiệp vay vốn trung và dài hạn, thế chấp và bảo đảm bằng tài sản hình thành sau vay vốn hoặc bảo đảm bằng "sổ đỏ" do UBND tỉnh cấp sau vay vốn hoặc vay vốn bằng bảo đảm từ nguồn nợ công mà UBND tỉnh đang nợ doanh nghiệp trong xây dựng cơ bản. Một số doanh nghiệp mong muốn được tạm khoanh những khoản nợ xấu để tiếp tục được vay vốn khắc phục trả dần các khoản nợ. Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, có các giải pháp hữu hiệu để cải thiện môi trường đầu tư để tiếp tục thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh ta.
VŨ ÚY
Trong 5 tháng đầu năm nay, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 43.291 tỷ đồng, tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ cho vay đạt 33.751 tỷ đồng, giảm 5,79%. Hiện nay, nợ xấu chiếm 1,45% tổng dư nợ. |