Dưa lê xuân hè: Sản lượng giảm, giá bán tăng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:43, 07/06/2014

Vụ này, năng suất dưa lê đạt thấp nhưng giá bán khá cao, tiêu thụ nhanh nên người trồng vẫn có lãi.


Tuy cho năng suất bấp bênh nhưng nông dân ở nhiều xã khu C huyện Kim


Nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đang thu hoạch dưa lê vụ xuân hè. Vụ này, năng suất dưa lê đạt thấp nhưng giá bán khá cao, tiêu thụ nhanh nên người trồng vẫn có lãi.


Năng suất thấp

Huyện Gia Lộc trồng khoảng 300 ha dưa lê vụ xuân hè, trong đó có gần 30% diện tích dưa lê trà sớm được trồng từ đầu tháng 2 âm lịch. Do thời tiết những tháng đầu năm vẫn có nhiều đợt rét đậm, rét hại nên cây dưa lê sinh trưởng và phát triển chậm, tỷ lệ đậu quả thấp. Đến nay, dưa lê vẫn đang được thu hoạch nhưng năng suất thấp, bình quân đạt 4-5 tạ/sào, thấp hơn 30-40% so với năm ngoái. Dưa lê trà muộn được trồng từ cuối tháng 3 âm lịch, nông dân cũng đang thu hoạch rộ nhưng do đầu vụ mưa nhiều, sau đó lại nắng nóng kéo dài khiến dưa lê bị chết dây, làm giảm năng suất.

Xã Đoàn Thượng là một trong những địa phương có diện tích trồng dưa lê nhiều của huyện Gia Lộc với hơn 80 ha. Dưa lê trà sớm bị chết khoảng 40-45% diện tích, năng suất cũng chỉ đạt 4,5-5 tạ/sào. Ở những diện tích được chăm sóc tốt và phát triển thuận lợi thì cũng chỉ đạt bình quân 5-6 tạ/sào, giảm 1-2 tạ so với năm trước.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc cho biết, ngoài các loại cây rau vụ đông xuân thì dưa lê cũng là cây trồng truyền thống của nông dân ở các xã Toàn Thắng, Phạm Trấn, Hồng Hưng... mang lại năng suất và thu nhập cao. Cây dưa lê sinh trưởng và phát triển thuận lợi khi thời tiết nắng ấm, nếu được chăm sóc tốt và phòng, trừ sâu bệnh kịp thời thì năng suất có thể đạt 7,5-8 tạ/sào, thu nhập cao gấp nhiều lần cấy lúa. Tuy nhiên, khi trời mưa nhiều hoặc nắng nóng kéo dài, sâu, bệnh gây hại trên diện rộng thì năng suất dưa lê lại đạt thấp hơn.

Vẫn có lãi

Vụ này, gia đình ông Vũ Văn Thiển ở thôn Nghè, xã Đoàn Thượng trồng 6,5 sào dưa lê. Giá bán đầu vụ đạt 17-18 nghìn đồng/kg, nay bà con thu hoạch rộ nên giá giảm còn 6.000-8.000 đồng/kg, cao hơn năm trước 3.000-4.000 đồng/kg. Ông Thiển cho biết trừ chi phí, gia đình ông thu lãi 3,5 - 4 triệu đồng/sào. Giá bán dưa lê phụ thuộc vào năng suất và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Những năm trước, giá bán dưa lê tại một số thời điểm xuống thấp nhất ở mức 2.000-3.000 đồng/kg, nhưng tính bình quân nông dân vẫn thu lãi 3-4 triệu đồng/sào/vụ, cao gấp 2-3 lần so với cấy lúa.

Dưa lê cũng được trồng nhiều ở các xã Bình Dân và Đồng Gia của huyện Kim Thành. Tổng diện tích dưa lê vụ xuân hè năm nay của huyện là hơn 50 ha, với 2 giống dưa chính là Nông Hữu và Thành Nông. Đây là 2 loại dưa lê cho quả to, thơm, ngọt và được nhiều nông dân ở các xã khu C của huyện Kim Thành chọn trồng. Theo anh Nguyễn Đặng Kiên ở thôn Đồng Xá Bắc, xã Đồng Gia, một sào dưa hấu phải đầu tư 3 triệu đồng cả tiền mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu nhưng chi phí đối với dưa lê chỉ khoảng 1 triệu đồng/sào. Gia đình anh trồng 1,5 sào dưa lê, bình quân thu lãi 4,5-5 triệu đồng/sào.

Toàn tỉnh trồng khoảng 300 ha dưa lê vụ xuân hè, tập trung chủ yếu ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành, Ninh Giang… Những năm qua, bà con nông dân đã khắc phục ảnh hưởng của thời tiết đến sự sinh trưởng và phát triển của cây dưa lê bằng cách trồng theo nhiều trà nối tiếp nhau. Nếu trà đầu kém, những trà dưa lê trồng sau gặp điều kiện thuận lợi và phát triển tốt có thể bù trừ năng suất và thu nhập cho nhau. Ngoài ra, một số nông dân cũng kéo dài thời gian thu hoạch từ 2 tháng lên 4 tháng bằng cách cắt cành, tỉa lá dưa lê sau khi đã hết quả, sau đó phun thuốc kích thích sinh trưởng. Bà Vũ Thị Hà, Trưởng Phòng Trồng trọt của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế của cây dưa lê, bà con nông dân nên tận dụng nguồn phân bón hữu cơ để giảm chi phí, sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng theo đúng quy định. Những ngày vừa qua, thời tiết nắng nóng có thể làm héo dây dưa lê, do đó bà con cần tăng cường tưới nước cho dưa, thường xuyên kiểm tra tình hình sâu, bệnh gây hại và phun thuốc phòng, trừ kịp thời.

MINH XUYỀN