Phòng trừ côn trùng chích hút hại rau

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:02, 09/06/2014

Thời tiết trong những ngày qua có nắng nóng kéo dài và khô hanh. Đây là điều kiện thích hợp cho các loài côn trùng chích hút phát triển mạnh và gây hại rau màu.

Qua điều tra đồng ruộng cho thấy bọ phấn hại dưa bầu bí, nhện đỏ hại rau muống, đậu đỗ và các cây họ cà, rầy xanh hại đỗ tương, rau cải, cây ăn quả, xuất hiện với mật độ cao. Các loài côn trùng này đều chích hút ngọn, lá non và truyền vi-rút hại cây trồng. Các bộ phận trên cây bị các loài này gây hại đều bị mất dinh dưỡng, diệp lục, biến màu và co rúm, chùn lại không phát triển được và rụng sớm. Trong khi đó nông dân lại rất khó phát hiện và phòng trừ kịp thời. Nhiều nông dân sau khi thấy lá cây đổi màu lại nhầm là cây bị bệnh, phòng trừ không đúng đối tượng nên không đạt hiệu quả.

Từ thực tế trên, xin khuyến cáo nông dân một số kỹ thuật sau:

Thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm côn trùng chích hút gây hại cây trồng: Các loài côn trùng chích hút đều có cơ thể rất bé, bằng mắt thường rất khó phát hiện nên nông dân phải chuẩn bị kính lúp loại cầm tay (có bán ở các hiệu sách) khi ra ruộng. Người trồng cần quan sát kỹ các bộ phận non trên cây (lá non, ngọn, quả non), nếu có côn trùng chích hút chắc chắn lá non sẽ bị xoăn, biến trắng hoặc vàng, quả vặn vẹo, ngọn bị chùn lại không phát triển được. Muốn biết chính xác các triệu chứng trên là do rầy, rệp hay bọ phấn, nhện đỏ gây hại, cần lật mặt sau lá hoặc vạch các kẽ lá non ở ngọn cây, soi dưới kính lúp để quan sát. Đa số các loài này nếu phát sinh gây hại thì chúng đều có tập tính sống tập trung thành từng ổ với mật độ tương đối nhiều nên ta dễ phát hiện được chúng.

Biện pháp phòng trừ:


- Bảo đảm chế độ phân bón cho rau cân đối, bố trí mật độ cây trồng vừa phải. Tránh tình trạng rau quá tốt, không thoáng, thiếu ánh sáng...

- Kịp thời cắt các lá có nhiều rầy, rệp, nhện đỏ ở phần dưới và giữa, phối hợp với việc phun thuốc sau khi cắt lá. Các lá đã cắt cần nhanh chóng loại bỏ khỏi ruộng rau phòng ngừa sự lây lan.

- Quan sát trên ruộng rau để tìm các cây trồng bị bệnh, cây bị xoăn lá, rúm ró, khảm xanh hoặc vàng, biến dạng. Cần nhổ các cây trồng này và loại bỏ khỏi đồng ruộng để tránh lây lan.

- Vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch, thu gom, tiêu hủy tàn dư cây trồng.

- Sử dụng thuốc phun trừ kịp thời. Trừ bọ phấn dùng một trong các loại thuốc như: Oshin 20WP, Osioi 800, 8WP, Confidor 100SL, Vertimec 1,6ND hoặc  Pennalty 400WP. Trừ nhện dùng: Nissorun 5EC, Pegasus 500SC, Ortus 5SC, Brightin 1,8EC, Kumulus 80WP,Sirbon 5EC, Comite, 73EC... Trừ rầy xanh hại rau: Dùng các thuốc như trừ bọ phấn.

Chú ý: Cần phát hiện côn trùng còn tồn tại trên cây mới tiến hành phun trừ. Khi quan sát lá non, ngọn mà chỉ còn vết chích, thiệt hại côn trùng để lại nhưng không thấy con nào còn trú ngụ thì không phun thuốc vì lúc này coi như đã phát hiện quá muộn (côn trùng đã chuyển đi nơi khác). 

- Côn trùng chích hút đa số kháng thuốc cao nên khi phun trừ cần luân phiên các loại thuốc giữa các lần phun. 

- Nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học khi mật độ sâu thấp để giảm tính kháng của sâu, an toàn với người phun và người sử dụng.

- Khi hòa thuốc phun không nên cộng với xà phòng để tăng tính bám dính như nhiều người nghĩ. Vì các loại thuốc muốn có tác dụng cao thì nhà sản xuất đã thêm các dung môi cần thiết. Dùng xà phòng cho vào thuốc sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc.

KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)