Vài nét về lực lượng Cảnh sát biển
Tin tức - Ngày đăng : 14:02, 09/06/2014
Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam; tôn trọng và tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo hoạt động của lực lượng này.
Nhiệm vụ của Cảnh sát biển: Trong nội thủy, lãnh hải và vùng nước cảng biển của nước Việt Nam, Cảnh sát biển (CSB) có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phòng, chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu...
Trong vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Việt Nam, CSB có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo vệ tài nguyên, phòng, chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền...
CSB Việt Nam thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên để góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, hòa bình và ổn định trên các vùng biển.
CSB Việt Nam có nhiệm vụ thu thập, tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời và thông báo cho cơ quan chức năng có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tham gia tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục sự cố trên biển và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, tổ chức ứng phó sự cố môi trường biển.
CSB Việt Nam có nhiệm vụ tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân hoạt động trên biển; phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của người và phương tiện hoạt động hợp pháp trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam; phối hợp với các đơn vị khác của lực lượng vũ trang để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên các hải đảo, vùng biển thuộc lãnh thổ của nước Việt Nam và quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Việt Nam.
Quyền hạn của lực lượng CSB: Khi phát hiện người và phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, lực lượng CSB Việt Nam có quyền kiểm tra, kiểm soát; nếu có hành vi vi phạm thì được xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, buộc người và phương tiện đó phải chấm dứt hành vi vi phạm, rời khỏi vùng nước đang hoạt động hoặc rời khỏi vùng biển Việt Nam; bắt, giữ người và phương tiện phạm pháp quả tang, lập biên bản xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong trường hợp người và phương tiện vi phạm pháp luật không chịu tuân theo hiệu lệnh, chống đối hoặc cố tình bỏ chạy thì lực lượng CSB Việt Nam có quyền cưỡng chế, thực hiện quyền truy đuổi hoặc các quyền khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Trong tình thế cấp thiết phải đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn, ứng phó với sự cố môi trường nghiêm trọng thì CSB Việt Nam được quyền huy động người, phương tiện của cá nhân, tổ chức Việt Nam, nhưng phải hoàn trả ngay khi tình thế cấp thiết chấm dứt; trường hợp có thiệt hại về tài sản thì phải bồi thường. Người được huy động làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc bị chết thì được giải quyết theo chính sách của Nhà nước. Trong trường hợp không có người, phương tiện của cá nhân, tổ chức Việt Nam để huy động hoặc đã huy động nhưng vẫn chưa giải quyết được tình thế cấp thiết, thì lực lượng CSB Việt Nam có thể đề nghị người nước ngoài, phương tiện của cá nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam giúp đỡ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, người có thẩm quyền trong lực lượng CSB Việt Nam được quyền trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức Việt Nam theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản...
(Theo Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Nghị định số 96 của Chính phủ)